Đầu tư lớn
Đầu tiên, phải kể đến sự vào cuộc đầu tư lớn của nhà sản xuất: VTV3, công ty MultiMedia và nhà tài trợ chính Vinamilk. Trong khi hầu hết các chương trình truyền hình hiện nay chỉ chú ý đầu tư và sinh lợi vào các đối tượng người lớn, thì các nhà sản xuất của chương trình này sẵn sàng đầu tư hàng tỷ đồng kinh phí để làm một sân chơi quy mô dành cho trẻ em mà chất lượng và mức độ hoành tráng của nó có thể so sánh được với các chương trình "hot" như Sao Mai Điểm hẹn hay Vietnam Idol...
Lần đầu tiên một ekip dày dặn kinh nghiệm và tâm huyết cho thế hệ trẻ bao gồm nhiều diễn viên, giảng viên thanh nhạc, ca sĩ, biên đạo múa…đã được tập hợp thành một “Đại gia đình” cùng chung sức và quyết tâm xây dựng Đồ Rê Mí trở thành một sân chơi chuyên nghiệp, một ngôi nhà thực sự để nâng đỡ và chắp cánh cho những tài năng nhỏ. Đó là diễn viên hài Xuân Bắc “đa di năng” trong rất nhiều cương vị khác nhau, từ dẫn chương trình từ những ngày ghi hình đầu tiên, làm Ban giám khảo vòng 2, và còn là một bạn diễn trên sân khấu cùng các sao nhí trong Lễ trao giải trực tiếp vừa qua.
Giảng viên âm nhạc Đặng Châu Anh, chị không chỉ là thành viên Ban Giám Khảo Đồ Rê Mí mà còn trực tiếp phổ lời Việt cho một số bài hát nước ngoài được sử dụng trong chương trình, cũng như tham gia hướng dẫn các em nhỏ trong quá trình luyện tập. Đó là giảng viên Kiều Vân (Khoa Thanh nhạc - Trường Nghệ thuật Hà Nội) trước khi đến với Đồ Rê Mí, chị chưa từng nghĩ là mình sẽ dạy trẻ con nhưng khi tiếp xúc với các em, chị tự nhiên thích ứng, vui đùa với các em, dạy các em hết mình từ những kỹ thuật sơ đẳng nhất như lấy hơi, mở khẩu hình...
Phần phục trang là cả một nỗ lực lớn của nhóm 2’Style. Trong vòng 11 ngày, nhóm đã hoàn thành thiết kế, may hoàn thiện 36 bộ trang phục biểu diễn phù hợp tới từng bài hát, dòng nhạc, cá tính của thí sinh cho Vòng chung khảo.
Ý tưởng bất ngờ
Một điểm đáng ghi nhận đã tạo nên sức hút cho Đồ Rê Mí chính là ý tưởng độc đáo của từng màn biểu diễn. Đây là một trong những điểm mạnh nhất của chương trình, dẫn dắt khán giả từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, khiến chương trình có sức thu hút khá bền bỉ. Các câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn, đồng dao Việt và thế giới được khai thác sáng tạo và rất sinh động.
Dẫu câu chuyện được kể hài hước, ngộ nghĩnh đến mức nào, cuối cùng cũng sẽ quay về ý nghĩa giáo dục rất nhẹ nhàng mà thấm thía. Tên cướp biển với những việc làm xấu xa sẽ bị bắt, còn Hoàng tử Nhọ Nhem trở nên rất ngoan ngoãn, vì đã hiểu rằng còn rất nhiều bạn nhỏ không nơi nương tựa, không được chăm sóc, yêu thương như mình.
Mặc dù các thí sinh nhí đều nằm trong lứa tuổi từ 5 đến 10, đến với Đồ Rê Mí những ngày đầu tiên bỡ ngỡ bao nhiêu, thì tại Đêm chung kết, các em đã trở nên tự tin, biểu diễn thuần thục và chuyên nghiệp bấy nhiêu. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng các em chỉ có vỏn vẹn 11 ngày để học hát, học vũ đạo, tập kịch, thu âm, ghi hình cho Đêm chung Kết truyền hình trực tiếp cả nước. Niềm khát khao đứng trên sâu khấu Đồ Rê Mí để thể hiện khả năng của bản thân chính là động lực giúp các em vượt qua tất cả trở ngại.
Năm 2009, điểm nhấn của chương trình nằm ở Vòng chung kết với ba đêm diễn đậm sắc màu. Chủ đề các bài hát về Bộ đội khiến các em thêm hiểu và yêu công việc thầm lặng của các cô, các chú. Chủ đề Tự chọn đậm sắc dân gian với 4/6 bài hát mang âm hưởng Tây Nguyên và dân ca bộ. Chủ đề Phong cách với những bứt phá ngoạn mục ở những dòng nhạc khó với trẻ em như Rock, Jazz và đặc biệt là Accapella.
Một thử thách lớn nữa với các thí sinh nhỏ tuổi, đó là đêm Chung kết trực tiếp, nơi mà những màn trình diễn, những cảm xúc, những lời nói trên sân khấu không có cơ hội làm lại. Đêm diễn này sẽ khẳng định bản lĩnh sân khấu và sự trưởng thành của những bé em non nớt trong suốt thời quan rèn luyện vừa qua. Đây là một đêm diễn tưng bừng và hoành tráng nhất trong ba năm Đồ Rê Mí vừa qua.
Ý kiến người trong cuộc:
Đạo diễn Lại Bắc Hải Đăng: “Những người thực hiện chương trình cũng như người chơi game. Khi đạt được một “level” nhất định lại muốn trình cao hơn. Tuy nhiên, tôi không nghĩ rằng chương trình cần đổi format vì sự nhàm chán. Sự mới lạ nằm ở thí sinh và các hoạt động ngoại khóa. Chúng tôi sẽ tập trung vào khâu tuyển chọn thí sinh và sẽ tìm tòi kỹ để chọn hoạt động phù hợp. Những hoạt động tốt sẽ làm các em bật lên cá tính của mình. Chưa thể nói trước, nhưng chúng tôi đang tính đến việc cho các em hát live trên sân khấu nhiều hơn, hoặc ở một số show đặc biệt. Điều này mới thực sự chứng tỏ được bản lĩnh và giọng hát của các em”.
Ông Nguyễn Tuấn Hải – Giám đốc khu vực miền Bắc – Công ty Sữa Vinamilk: "Với mong muốn các thế hệ trẻ Việt Nam có một sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ cũng như tài năng, Vinamilk rất tự hào được là nhà tài trợ chính đồng hành với chương trình DRM và các em nhỏ trong suốt 2 năm vừa qua. Tôi tin tưởng rằng chương trình DRM đã để lại thật nhiều kỉ niệm đẹp, đáng nhớ cho tất cả các em và gia đình. Mong rằng tài năng của các em sẽ ngày càng được phát triển và tỏa sáng trong một tương lai không xa".
Giám khảo Đặng Châu Anh: "Tôi chưa thể mong muốn gì ở Đồ Rê Mí năm sau vào giờ phút này. Chúng tôi đang rất hạnh phúc vì những gì đã đạt được. Bản thân tôi rất vui vì được là một mắt xích của Đồ Rê Mí, là một nốt nhạc trong tổng phổ Đồ Rê Mí. Tôi cực kỳ thích thú vì Đồ Rê Mí luôn gây bất ngờ cho khán giả ở phần dàn dựng. Những câu chuyện cổ tích không chỉ hay, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh mà còn có tính giáo dục rất cao”.
Ca sĩ Lam Trường: “Qua chương trình Đồ Rê Mí, Trường đã được biết là không những các em nhỏ mà các phụ huynh cũng rất yêu thích chương trình này. Sau khi tham gia chương trình, Trường đã nghĩ đến con trai mình. Bé có năng khiếu âm nhạc, khi đủ tuổi nếu tham gia chương trình này thì sẽ rất hay. Trường rất vui nếu Kiến Văn nối nghiệp làm ca sĩ. Hơn nữa, Kiến Văn được nuôi dạy ở Mỹ, mặc dù được dạy cả tiếng Việt, nhưng nếu được tham gia Đồ Rê Mí thì sẽ giúp bé trau dồi tiếng Việt cũng như hiểu thêm về văn hóa dân tộc Việt Nam”.
Chị Hồng – mẹ thí sinh Uy Vũ: "Con trai tôi đã trưởng thành lên rất nhiều. Cháu đã biết tự giác, không còn tật ngủ nướng như trước nữa. Vì ở Đồ Rê Mí, lịch tập rất sít sao, chuông reo là dậy liền, không thì trễ tập. Cháu không còn nhõng nhẽo mẹ, mà biết yêu thương chăm sóc tới bạn bè nhiều hơn. Đồ Rê Mí không chỉ là sân chơi, mà còn là trường học cho các con".
Theo VietNamNet
|