Guenter Grass vẫn là một nhân vật quan trọng đối với Gdansk - thành phố có khoảng nửa triệu dân nằm bên bờ biển Baltic của Ba Lan. Nghệ sĩ đa tài từng đoạt giải Nobel Văn học này đã cất tiếng khóc chào đời ở đây vào năm 1927, thời điểm Gdansk là một thành phố bán tự trị bao phủ cả một khu vực từng thuộc về đế chế Đức.
Sự tôn vinh gần đây nhất mà Gdansk dành cho Grass là một phòng trưng bày mới được khánh thành. Ở đó trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của ông và tổ chức những cuộc hội thảo, sự kiện văn học... Nơi này còn có một bảo tàng Guenter Grass và gần đó là một quán cà phê chủ đề đang được xây dựng, dự kiến sẽ hoàn tất vào mùa Hè năm sau.
Phòng trưng bày này tọa lạc ở trung tâm thị trấn cũ của Gdansk. Tại đây có những tác phẩm đồ họa và điêu khắc được lấy từ Bảo tàng Quốc gia Gdansk. Bản thân Grass cũng đã hỗ trợ việc xây dựng và điều hành phòng trưng bày này.
Thế nhưng, mối quan hệ giữa nhà văn và thành phố Gdansk không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Cách đây hơn ba năm, Grass đã bị chỉ trích ở Ba Lan khi ông thừa nhận mình từng là thành viên trong lực lượng cảnh vệ của phát xít Đức hồi Thế chiến II. Tuy nhiên, những rạn nứt đó đã dần được hàn gắn, mà chứng cứ rõ ràng nhất là việc có rất đông người tới tham dự lễ khánh thành Phòng trưng bày Guenter Grass ở Gdansk.
Thành phố này còn tôn vinh nhà văn Đức bằng việc lập ra Hiệp hội Guenter Grass hiện có hơn 100 thành viên. Một trong số họ là Andrzej Fac. Người cha quá cố của Andrzej, ông Boleslaw, là nhân vật đã tổ chức tất cả các sự kiện có liên quan đến Guenter Grass ở Gdansk trong hơn 30 năm. “Cha mẹ tôi kết bạn với Guenter Grass từ đầu những năm 1960. Những bức vẽ được treo trên tường nhà tôi là minh chứng cho tình bạn đó. Chúng tôi còn có những cuốn sách, thư từ và nhiều vật dụng khác của Grass”, Andrzej Fac cho biết.
Về phần mình, Grass tin rằng người dân ở Gdansk đã học hỏi được một số điều từ các tác phẩm của ông, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng Cái trống thiếc. “Nhiều người từng nói rằng các cuốn sách mà tôi viết ra đã giúp họ hiểu được lịch sử của thành phố này vào thời điểm người Đức vẫn sống ở đây”.
Theo TT&VH
|