Tạp chí Sông Hương -
Bảo tồn cồng chiêng: Hãy để cộng đồng tự quyết định!
08:54 | 19/11/2009
Ta chỉ nên bàn đến môi trường diễn xướng thôi, không nuôi tham vọng giữ không gian văn hóa cồng chiêng nữa. - ThS Linh Nga NiêK Đam.
Bảo tồn cồng chiêng: Hãy để cộng đồng tự quyết định!
Nhà mồ của người Jrai. Ảnh: Khánh Linh

Trong hội thảo quốc tế "Sự thay đổi đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á" diễn ra trong khuôn khổ Festival cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai, với sự góp mặt đông đảo của các học giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên đến từ Nhật Bản, Canada, Hà Lan, Italia, Lào, Campuchia, Phillipines..., thạc sỹ Linh Nga NiêK Đam không chỉ là nhà nghiên cứu bản địa (dân tộc Êđê) duy nhất có mặt, mà chị còn là một trong vài người phát biểu quyết liệt nhất về thực trạng không gian văn hóa cồng chiêng và những biện pháp khả thi để bảo tồn không gian này.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi riêng với chị sau khi hội thảo kết thúc.  

Không gian văn hóa gần như không còn gì!

Quan niệm của bà con các dân tộc nơi chị có dịp nghiên cứu điền dã về cái mà ta quen gọi là "không gian văn hóa cồng chiêng"?

Linh Nga NiêK Đam: - Ngoài người Êđê là dân tộc của tôi, tôi còn tiếp xúc và trao đổi nhiều với cộng đồng người Mnông, K’Ho trên địa bàn các tỉnh Đaklak, Đak nông. Thật ra, bà con không có ý thức về "không gian văn hóa cồng chiêng", họ cũng không còn thờ cúng Giàng theo tín ngưỡng cổ xưa nữa, nhưng họ ý thức rằng quốc tế đã công nhận cồng chiêng thì đó là tài sản quý giá của người Tây Nguyên.

Dân góp lợn mừng mùa lúa mới trong Festival cồng chiêng quốc tế 2009.
Ảnh: Phạm Cao Quý


Theo chị, "không gian văn hóa cồng chiêng" ở những vùng đã nghiên cứu còn lại những gì? Ta hay nhắc đến rừng, làng, nhà rông, nhà dài, giọt nước, những nghi lễ vòng đời mang tính tín ngưỡng như lễ thổi tai, lễ mừng lúa mới, lễ bỏ mả... những cái đó có còn không?

Linh Nga NiêK Đam: - Gần như không còn gì cả. Tôi đã nói trong hội thảo, tại sao các ngành văn hóa không kiểm kê những yếu tố của không gian cồng chiêng xem còn gì không? Chỉ kiểm kê mấy bộ cồng, chiêng thôi thì để làm gì? Còn bao nhiêu nhà rông nguyên gốc? Làng nghề thủ công liên quan có còn không? Ẩm thực liên quan có còn không?

Theo tôi, trong hoàn cảnh thực tế bây giờ, ta chỉ nên bàn đến môi trường diễn xướng thôi, không nên nuôi tham vọng giữ không gian văn hóa cồng chiêng nữa. Về bảo tồn, ta mới chỉ tập trung vào truyền dạy, xin thưa rằng truyền dạy thì không khó, nhưng học xong có đưa vào áp dụng trong đời sống không? Trước hôm hội thảo (13/11/2009), rất đông các nhà khoa học đã tới một làng người Bahnar ở Kontum, thấy dân đánh chiêng, đi xoang rất vui, nhưng khi tôi hỏi các cháu trẻ thì họ bảo chỉ khi nào có khách họ mới đánh thôi, ngay cả Noel chúng cháu cũng không đánh chiêng cô ạ.

Với những cộng đồng theo đạo Tin lành, dân không còn tổ chức các nghi lễ nữa, cồng chiêng sẽ không còn đời sống trong cộng đồng.

Ta cũng đang tập trung vào việc khôi phục lại các nghi lễ, hay các lễ hội thì sao? Có hiệu quả không?

Linh Nga NiêK Đam: - Theo tôi việc này rất khó khăn, vì đời sống kinh tế của bà con rất kém. Dân không nói trực tiếp đến tiền, họ chỉ bảo không có lúa, không có bắp để tổ chức những cái đó, vì đã tụ tập nhau lại thì phải có ăn uống với nhau mới vui. Họ mong muốn đời sống khá hơn thì họ sẽ cùng nhau tổ chức lại những lễ hội như thế.

Cồng chiêng đang sống "ngoài cộng đồng"

Chứ không phải lớp trẻ bây giờ không thích chơi cồng chiêng?

Linh Nga NiêK Đam:
- Tôi không thấy như thế. Với những cộng đồng tôi có dịp gặp thì lớp trẻ bảo: "Chúng cháu cũng thích lắm, nhưng các bác đánh hay quá nên tụi cháu chưa đánh được bằng các bác". Cũng có vấn đề là người già thường dạy cho thiếu nhi, chứ ít khi dạy thanh niên.

Khi được đi biểu diễn, liên hoan, như khi đến Festival cồng chiêng quốc tế lần này thì lớp trẻ họ đi ngay. Các cháu thay mặt những người già đi đánh chiêng được giải này giải kia thì họ vui lắm. Họ không từ chối những cái chúng ta cứ bảo là di sản rất quý báu nhưng họ lại không sử dụng cồng chiêng trong cộng đồng, mà chỉ sử dụng chúng "ngoài cộng đồng" mà thôi.

"Giọt nước" của làng Phung... Ảnh: Khánh Linh


Nghĩa là bà con đã có lại niềm tự hào với nghệ thuật cồng chiêng. Cái cần thiết bây giờ là phải tạo ra môi trường diễn xướng trong cộng đồng?

Linh Nga NiêK Đam: - Những nhà có điều kiện họ vẫn giữ truyền thống cũ, dù đã xây mộ theo kiểu người Kinh nhưng họ vẫn làm lễ bỏ mả, vẫn đánh cồng chiêng suốt đêm, thanh niên nam nữ vẫn đến nhảy múa. Nhưng đó chỉ là những nhà có điều kiện thôi, còn nhà nghèo thì chịu, "Phú quý sinh lễ nghĩa" mà. Khi đời sống khá lên, tự họ sẽ quay về với nhiều nghi lễ mà không cần đến tín ngưỡng.

Theo tôi, nếu gắn được vào những ngày hội của quốc gia như ngày Người cao tuổi Việt Nam, ngày Quốc tế phụ nữ, ngày thành lập Đoàn v.v... để có môi trường. Với những gia đình quá nghèo thì mình hỗ trợ họ chút kinh phí, họ không bỏ cồng chiêng đâu. Tôi đã từng tổ chức để đơn vị kết nghĩa góp tiền cho một buôn tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ từ 65 trở lên ở buôn của họ theo kiểu truyền thống. Mình chỉ mua hộ họ 3, 4 ghè rượu, con cháu những gia đình đó tự nguyện đóng góp thêm, thì họ rất phấn khởi.

Không thể chủ quan áp đặt, hãy để cộng đồng tự quyết định

Nhưng liệu cách dùng vật chất tác động lên bà con như vậy có đúng không? Bên lề hội thảo, đã có người ở địa phương phát biểu rằng khôi phục cồng chiêng dễ lắm, chỉ cần có tiền, muốn già làng truyền dạy thì cho tiền, muốn lớp trẻ đi học cũng cho tiền, muốn họ biểu diễn cũng cho tiền?

Linh Nga NiêK Đam: - Tôi rất bất bình với suy nghĩ như thế. Chúng ta chưa bao giờ trao đổi với bà con cho bình đẳng, mà chỉ áp đặt lên họ thôi. Bà con đã gìn giữ bao nhiêu lễ hội vài trăm năm nay có cần đến ai đâu? Tự chúng ta ở ngoài tác động vào, cho họ tiền để họ làm, mà không quan tâm họ nghĩ gì? Như nhà nghiên cứu nổi tiếng Georges Condominas đã nói, chúng ta nghiên cứu văn hóa thì phải có sự "tôn trọng" với bà con, để họ tự quyết định họ muốn gìn giữ cái gì, phục hồi nghi lễ nào.

Như chuyện truyền dạy nghề cho lớp trẻ, có phải chỉ khi nhà nước cho tiền thì họ mới dạy đâu? Tự các buôn làng cũng "thi đua" với nhau, thấy buôn này dạy thì buôn kia cũng hào hứng truyền nghề. Thậm chí còn có chuyện một buôn người Mnông muốn được tặng chiêng Jrai để sử dụng trong những ngày vui chứ không muốn nhận chiêng Mnông (vì trong buôn không còn ai biết diễn tấu nữa)

Chúng tôi đã từng khuyến khích bà con để mỗi gia đình mỗi người đều có một bộ trang phục truyền thống để mặc vào những dịp lễ trọng. Hay nếu có ngày vui thì đánh chiêng như một nhạc cụ thì họ đều nhất trí.

Theo tôi, quan trọng nhất là phải có những nhà nghiên cứu bản địa am hiểu văn hóa, hướng dẫn bà con để các cộng đồng tự ý thức về di sản rồi tự mình khôi phục những gì bà con muốn, chứ không thể chủ quan áp đặt họ.

Xin cảm ơn chị.

                                                                                                       Theo VietNamNet






Các bài mới
Các bài đã đăng