Tạp chí Sông Hương -
Phục chế tranh - yếu từ nhận thức
09:03 | 19/11/2009
Sự kiện các chuyên gia quốc tế tình nguyện giúp Việt Nam phục chế hai bức tranh nổi tiếng – Em Thuý của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn và Tan ca, mời chị em ra họp thi thợ giỏi của hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung cách đây chưa lâu khiến người ta vừa vui mừng vừa giật mình. Giật mình bởi nhận ra, lâu nay công tác phục chế tranh chưa được giới mỹ thuật trong nước quan tâm đúng mức.
Phục chế tranh - yếu từ nhận thức
Tan ca, mời chị em ra họp thi thợ giỏi của Nguyễn Đỗ Cung

Những bức tranh kêu cứu

Em Thuý và Tan ca, mời chị em ra họp thi thợ giỏi chỉ là hai trong hàng trăm tác phẩm nổi tiếng của các danh hoạ Việt bị thời gian tàn phá. Không được may mắn như hai đứa con tinh thần của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn và Nguyễn Đỗ Cung, rất nhiều viên ngọc quý của mỹ thuật Việt , đặc biệt là những tác phẩm ra đời trước năm 1975 hiện vẫn trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Nguyên nhân, bên cạnh yếu tố thời gian còn là sự vô ý và non kém về kiến thức của chính người trong giới. Chủ tịch hội Mỹ thuật Hà Nội, chủ tịch hội đồng Phê bình mỹ thuật hội Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Đỗ Bảo kể rằng, ông từng cực lực phản đối việc dùng máy điều hoà vô tội vạ tại các bảo tàng cấp quốc gia vì nó ảnh hưởng không tốt đến tác phẩm mỹ thuật. Phải chống chọi với khí hậu nóng ẩm và thời tiết đỏng đảnh, cộng thêm việc thường xuyên phải di chuyển từ nơi có máy điều hoà sang các phòng trưng bày không có máy, các tác phẩm ra đời dưới bom đạn chiến tranh – trong hoàn cảnh hoạ sĩ có màu nào vẽ màu ấy, có vải nào vẽ vải ấy – rất dễ bị tổn hại: tranh sơn dầu bị tróc sơn, nứt, bong; tranh sơn mài vỡ bốn góc, nứt giữa tranh; còn tranh lụa thì mốc lỗ chỗ. Đã thế, những người phụ trách công việc giữ vệ sinh khu trưng bày cứ thế vô tư dùng phất trần phủi bụi trên mặt tranh, hoàn toàn không biết có thể khiến vảy sơn càng bị bong tróc, huỷ hoại thêm dung mạo của bức tranh.

Tác phẩm Em Thuý của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn
Cũng theo ông Nguyễn Đỗ Bảo, ở nước ngoài, để nâng cao “tuổi thọ” các tác phẩm mỹ thuật, ngoài việc lên một lý lịch tỉ mỉ cho từng bức tranh, người ta còn cẩn thận đo nhiệt độ, ánh sáng, thống kê lượng khách đến phòng trưng bày nhằm đưa ra những biện pháp kịp thời, giảm thiểu những tác động xấu lên tác phẩm. Ở Việt , đó là chuyện xa vời…

Chuyên gia nước ngoài cũng chịu thua

Rất nhiều hy vọng đã được gửi gắm nơi các chuyên gia quốc tế đảm nhận công tác phục chế một số tác phẩm nổi tiếng của mỹ thuật Việt . Nhưng đáng tiếc là kết quả chưa được như mong đợi. Theo nhận định của không ít người, Em Thuý tuy đã được các chuyên gia Úc tẩy sạch dấu vết thời gian và gia cố độ gắn kết giữa lớp sơn với lớp vải, nhưng lại trở nên bóng bẩy, tươi mới như thể vừa được vẽ, khiến người ta ngẩn ngơ tiếc cái thần sắc của Em Thuý xưa. Tan ca, mời chị em ra họp thi thợ giỏi được đưa sang Đức phục chế. Đón bức tranh trở về, chính con trai của cố hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung – nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo cũng không mấy hài lòng với “phiên bản” mới: “Mảng nâu được cụ nhà tôi vẽ bằng dao và bút, mới cho ra một sắc nâu sẫm nhẹ nhàng mà không hề gây cảm giác nặng nề. Nhưng sau khi phục chế, mảng nâu ấy trở nên quá “lì”, cứng, thô và kém biểu cảm. Ngoài ra, một số điểm trên bức tranh vẫn chưa được triệt mốc như phía bạn báo cáo”. Bình văn của hoạ sĩ Lê Huy Miến, được hình thành từ cuối thế kỷ 19, đã được bảo tàng Mỹ thuật Việt cho quét một lớp sơn quang để bảo quản. Sang Đức, các chuyên gia chịu không phục chế nổi vì không rành chất liệu này!

Theo ông Nguyễn Đỗ Bảo, rõ ràng giữa ta và bạn chưa có sự thống nhất về tiêu chí, yêu cầu, nên mới dẫn đến tình trạng phục chế nửa vời, chưa đến nơi đến chốn và chưa đạt hiệu quả cao như trên. Là người nhiều năm làm công tác nghiên cứu mỹ thuật cũng như nắm rõ “hồ sơ” của nhiều bức tranh nổi tiếng của mỹ thuật Việt Nam, bà Nguyễn Hải Yến, nguyên trưởng phòng nghiên cứu bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chi hội trưởng chi hội phê bình mỹ thuật cho rằng, phải hết sức am hiểu hoàn cảnh ra đời của bức tranh, lối vẽ, kỹ thuật vẽ và đặc biệt là toan vẽ thì mới có thể làm cho bức tranh “sống lại” theo đúng nghĩa. Và đó chính là hạn chế của các chuyên gia quốc tế!

Yếu từ nhận thức

Bức Bình văn của hoạ sĩ Lê Huy Miến

Sau thất bại của một số chuyên gia nước ngoài, không ít người đề xuất: Tại sao không để cho các chuyên gia Việt đảm nhận công tác phục chế tranh? Câu trả lời là chuyên gia Việt vừa thiếu vừa yếu! Theo thống kê của bà Nguyễn Hải Yến, đến nay chúng ta vẫn chưa có nơi đào tạo phục chế tranh, chưa có một cơ sở nào đủ khả năng và dám nhận phục chế tranh. Nhiều năm trước, bảo tàng Mỹ thuật Việt từng cử cán bộ sang Nga và Đức tìm hiểu về phục chế tranh, nhưng hiệu quả của chuyến đi chủ yếu mới dừng ở mức độ tham quan. Các học viên sau khi về nước có thể tiến hành “sơ cứu” một số trường hợp, nhưng chưa thể thực hiện các kỹ thuật phục chế phức tạp. Hiện tại, những cán bộ này đều đã nghỉ hưu, để lại một khoảng trống lớn trong đội ngũ cán bộ đảm nhận công tác phục chế tranh. Nói như ông Nguyễn Đỗ Bảo, chúng ta thiếu ngay từ lực lượng học việc. Chính vì vậy nên khi các chuyên gia nước ngoài sang Việt hỗ trợ phục chế tranh thì họ làm là chính, còn ta chủ yếu chỉ… quan sát.

Lo lắng cho số phận của những bức tranh quý, bảo tàng Mỹ thuật Việt đã không ít lần đề xuất thành lập trung tâm tu sửa, phục chế tranh quy tụ nhiều chuyên gia lành nghề, đảm nhận nhiều chức năng, trước tiên là hoạt động đào tạo. Nhưng đến nay, ý tưởng tốt đẹp ấy vẫn chỉ là ý tưởng!

                                                                                                              Theo SGTT




Các bài mới
Các bài đã đăng