Tạp chí Sông Hương -
Cải lương đi tìm khán giả
09:03 | 20/11/2009
Năm 2009, điều đáng ghi nhận là trong tình hình khó khăn về khán giả và điểm diễn, các đơn vị công lập và xã hội hóa đều nỗ lực tạo dựng nhiều tiết mục mới để phục vụ khán giả yêu nghệ thuật cải lương
Cải lương đi tìm khán giả
NSƯT Kim Tử Long và Tú Sương trong vở Chiếc áo thiên nga. Ảnh: N.Hữu

Không còn chạy theo số lượng như mọi năm, sân khấu cải lương năm 2009 đã nỗ lực dàn dựng nhiều vở diễn hướng đến khán giả, với mục tiêu khai thác doanh thu.

Tiếp tục thể nghiệm

Khởi đầu cho sân khấu cải lương năm 2009 là vở Chiếc áo thiên nga (đạo diễn NSƯT Hoa Hạ) trong chương trình Hội ngộ tài năng - một chương trình xã hội hóa của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Vở diễn mang tính thể nghiệm này đã tạo được sự chú ý của khán giả về một tác phẩm sân khấu hoành tráng, quy tụ dàn diễn viên giỏi nghề, mang lại sức trẻ cho sàn diễn cải lương khi dàn dựng trong không gian sân khấu quảng trường.

Hai đơn vị công lập thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã dàn dựng ba vở: Oọc-rơ (đạo diễn Hoàng Duẩn), Lối về (đạo diễn Quốc Kiệt) và Trái tim người mẹ (đạo diễn Quốc Kiệt). Cả ba vở mang ba phong cách khác nhau.

Nếu Lối về và Trái tim người mẹ thiên về tả thực, tạo tính đột phá trong dàn dựng với cách khai thác sâu tâm lý nhân vật, đặt dàn nhạc cổ vào đúng vị trí hỗ trợ cho diễn xuất nghệ sĩ thì vở Oọc-rơ gây nhiều tranh luận trong giới chuyên môn khi đưa nhạc hip hop vào cải lương. Cả ba vở diễn đã giới thiệu được nhiều vai diễn ấn tượng do dàn diễn viên trẻ thể hiện, như Ngọc Tuyền, Thy Trang, Quốc Kiệt, Minh Hoàng...

Những tác phẩm cải lương mang tính thể nghiệm này cũng đã gặp phải những khó khăn do kinh phí đầu tư quá lớn mà doanh thu không đủ bù chi hoặc chưa được khán giả cải lương truyền thống chấp nhận.

Sân khấu Vàng ăn nên làm ra

Năm qua là năm đầy ấn tượng của Sân khấu Vàng do đôi NSƯT Minh Vương- Lệ Thủy sáng lập, sau một năm hoạt động. Có 2 vở diễn được khán giả tán thưởng: Đoạn tuyệt (tác giả Duy Lân, chuyển thể và đạo diễn Bạch Tuyết), Đêm lạnh chùa hoang (tác giả Yên Lang, đạo diễn NSƯT Lệ Thủy). Sân khấu Vàng đã mở ra một hướng đi mới, đó là dung nạp những hình thức dàn dựng mới lạ, đẩy tiết tấu nhanh, gọn. Tính chuyên nghiệp càng được đặt lên hàng đầu khi vở Đoạn tuyệt ra mắt khán giả với một cấu trúc hấp dẫn, cuốn hút khán giả qua bàn tay dàn dựng của NSƯT Bạch Tuyết.

Vở Đêm lạnh chùa hoang thiên về việc tái dựng kịch bản xưa (đây là vở vốn ăn khách của Công ty Kim Chung thập niên 60 của thế kỷ trước), nay được NSƯT Lệ Thủy dàn dựng lại súc tích, kết hợp giữa nghệ thuật ca diễn với võ thuật, kỹ xảo.

Cả 2 vở diễn của Sân khấu Vàng đều tạo được đất diễn cho diễn viên. điều bất ngờ là ngoài tuyến nhân vật chính, các vai diễn phụ đã tạo được đột phá ngoạn mục, như Kiều Mai Lý (vai cô Sen - vở Đoạn tuyệt), Phú Quý (vai cậu ấm Thân - vở Đoạn tuyệt), Hoài Linh (vai chủ quán - vở Đêm lạnh chùa hoang)... Những vở diễn này đều có doanh thu cao, giúp cho những người tổ chức thực hiện được mục đích của mình là xây dựng nhiều căn nhà tình thương cho đồng bào nghèo, được UBND TPHCM trao tặng bằng khen.

Sân khấu xã hội hóa vẫn sáng đèn

Bốn đơn vị xã hội hóa sân khấu cải lương năm 2009 đã giới thiệu đến khán giả cải lương 4 vở mới: Anh linh của đất (tác giả Ngọc Trúc, Hồng Dung - đạo diễn Hồng Dung - CLB Cải lương thử nghiệm 5B), Thái tử A Xà Thế (tác giả Tuệ Quang, đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu - Nhóm nghệ sĩ Tuệ Quang), vở Sau lũy tre làng (Công ty TNHH DV TM Hoàng Anh Tú) và vở Thái tử Đan thích khách Tần Thủy Hoàng (nhóm nghệ sĩ Vũ Luân).

Đây là 4 vở góp phần mang lại sự phong phú cho sân khấu cải lương năm 2009. Xét về mặt nghệ thuật dàn dựng, vở Anh linh của đất mang nội dung tư tưởng sâu sắc, kể về sự hy sinh thầm lặng của những người trả ơn cho đồng đội đã nằm xuống ở Côn Đảo. Vở diễn đã dành đất sáng tạo cho ba diễn viên: Kim Tiểu Long, Hoàng Nhất và Tâm Tâm.

Vở Thái tử A Xà Thế mang đến khán giả nhiều cảm xúc qua tài diễn xuất của hai ngôi sao thuộc hai thế hệ: NSƯT Minh Vương (vai vua Đà Bà La) và nghệ sĩ Vũ Luân (vai thái tử A Xà Thế).

Các chương trình cá nhân của nghệ sĩ vẫn có sức hút riêng đối với khán giả mộ điệu, như: NSND Thanh Tòng (Dòng nghề tâm sử), nghệ sĩ Chiêu Hùng (Dòng sông và nỗi nhớ), Cẩm Thu (Bài ca tặng mẹ), Bình Tinh (Tạ tình tri ân), NSƯT Kim Tử Long (Hoài niệm trong tôi), NSƯT Lệ Thủy và con trai - ca sĩ Dương Đình Trí (Bước chân hai thế hệ). Nổi bật lên trong xu hướng tổ chức live show, chương trình “20 năm đôi tình nhân sân khấu” của NSƯT Vũ Linh - Thanh Thanh Tâm đã nhận được sự hưởng ứng của khán giả, qua cách dàn dựng và diễn xuất sinh động dù chỉ có hai diễn viên...

Điều đáng ghi nhận là các đơn vị công lập và xã hội hóa đều nỗ lực tạo dựng nhiều tiết mục mới để phục vụ khán giả. Tuy rạp Hưng Đạo chỉ sáng đèn mỗi tuần 4 suất nhưng các đơn vị đã cố gắng kết hợp với các trung tâm văn hóa tỉnh, thành từ miền Đông đến miền Tây để diễn phục vụ rộng rãi công chúng.

Những vai diễn ấn tượng

NSƯT Minh Vương: vai Trung (vở Một ông, hai bà), nhà vua (vở Thái tử A Xà Thế),
Tần Lĩnh Sơn (vở Đêm lạnh chùa hoang), vai Dũng (vở Đoạn tuyệt).
NSƯT Lệ Thủy: vai Thúy (vở Một ông, hai bà), Hồ Bảo Xuyên (vở Đêm lạnh chùa hoang).
NSƯT Vũ Linh: vai Tuấn (vở Bài ca tìm mẹ), công tước (vở Âm mưu và tình yêu), Sơn (chương trình 20 năm đôi tình nhân sân khấu).
NSƯT Thanh Thanh Tâm: vai Xê Đa (vở Nàng Xê Đa), công chúa tóc thơm (vở Công chúa tóc thơm), Thu (vở Một ông, hai bà), bà mẹ (vở Mênh mông tình mẹ), vai Thảo
(vở Đoạn tuyệt).
NSƯT Kim Tử Long: vai Nguyễn Trãi (vở Rạng ngọc Côn Sơn), vai Út cà lăm (vở Bến phà kỷ niệm).
NS Trinh Trinh: vai nữ tướng (vở Bức ngôn đồ Đại Việt).
NS Trọng Nghĩa: vai vua (vở Dấu ấn giao thời), vai Nam (vở Nước mắt thâm tình).
NS Vũ Luân: vai An Dương Vương (vở Chiếc áo thiên nga), thái tử Đan (vở Thái tử Đan thích khách Tần Thủy Hoàng).
NS Tú Sương: vai Trần Thị Dung (vở Dấu ấn giao thời).
NSND Thanh Tòng: vai Triệu Đà (vở Chiếc áo thiên nga).
NSND Diệp Lang: vai Nhan Tấn (vở Chiếc áo thiên nga).
NS Lê Tứ: vai Cao Thục (vở Chiếc áo thiên nga).
NS Cẩm Thu: vai Tịnh Tâm (vở Bài ca tìm mẹ).
NSƯT Phượng Loan: vai Xuân (vở Giấc mộng đêm xuân)
NS Trọng Phúc: vai Điệp (vở Lan và Điệp).
NSƯT Thoại Mỹ: vai Mỵ Châu (vở Chiếc áo thiên nga), Võ Tắc Thiên (vở Thái Bình công chúa).

Đạo diễn sân khấu:

Đạo diễn NSND Thanh Tòng: chương trình Dòng nghề tâm sử.
Đạo diễn NSƯT Vũ Linh: Chương trình 20 năm đôi tình nhân sân khấu, chương trình Cẩm Thu – Bài ca tìm mẹ.
Đạo diễn NSƯT Hoa Hạ: vở Chiếc áo thiên nga, vở Một ông, hai bà, vở Dấu ấn giao thời, vở Nước mắt thâm tình.
Đạo diễn NSƯT Bạch Tuyết: vở Đoạn tuyệt.
Đạo diễn NSƯT Trần Ngọc Giàu: vở Cổ tích thời hiện đại.
Đạo diễn Hồng Dung: vở Anh linh của đất.
Đạo diễn Hoàng Duẩn: vở Oọc- rơ.
Đạo diễn Quốc Kiệt: vở Truyền thuyết Hồ Đoạt Mệnh.
Đạo diễn Lê Trung Thảo: vở Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, vở Máu nhuộm sân chùa.
Đạo diễn NSƯT Kim Tử Long: chương trình 10 năm hoài niệm trong tôi.

                                                                                                           Theo NLĐO




Các bài mới
Các bài đã đăng