Khán giả vẫn chi tiền
Bạn đọc có nick nguoiyeuphim viết: “Nếu đạo diễn nói VN không có khán giả điện ảnh, vậy ông ấy làm phim vì mục đích gì? Bất kỳ tác phẩm nào, dù hay tới đâu mà không có khán giả thưởng thức cũng chỉ là tác phẩm thất bại”. Nick hoanganhtrinh cho rằng, điện ảnh, âm nhạc hay bất kỳ môn nghệ thuật nào cũng giống nhau, sẽ chỉ có ý nghĩa nếu nhận được sự cổ vũ, đồng cảm của khán giả. Nick yeudienanh viết khá gay gắt: “Tại sao nói khán giả Việt không chịu bỏ tiền ra rạp xem phim? Đạo diễn giải thích ra sao về doanh thu lên đến vài tỷ đồng của nhiều phim ngoại, hoặc một số phim VN từng gặt hái thành công?”. Yeudienanh cho biết lâu nay anh duy trì thói quen dành hai ngày cuối tuần để “săn” phim mới và “không bỏ qua bất kỳ bộ phim VN nào khi nó được chiếu rạp”.
Bùi Minh Long (một khán giả): Tôi cho rằng đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có phần đúng. Theo quan sát của tôi, số lượng khán giả hai dòng phim nghệ thuật và phim giải trí đơn thuần luôn có chênh lệch ở hầu hết các nước. Nhưng cũng giống như nhạc thính phòng, cổ điển, ở một số nước, nhờ được giáo dục, định hướng mà lượng khán giả yêu thích phim nghệ thuật cũng rất cao. Vì vậy, để có khán giả thực sự, cần có hai yếu tố chính. Một là trình độ thưởng thức của khán giả được nâng cao qua giáo dục ở trường, các chương trình bình luận trên báo đài. Thứ hai phim nghệ thuật, chính luận nên có một chút với yếu tố thời thượng, thương mại. Sự thành công của Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột) là một ví dụ tiêu biểu.
|
Một trong những nguyên nhân khiến phim Việt chưa sống tại rạp, theo bạn đọc có nick HanoiHanoi, là vì “truyền thông rỉ tai” ở VN quá mạnh: “Chỉ cần một người lên tiếng chê, “mặc cảm phim Việt” lại trỗi dậy, lan nhanh”.
Chưa thật sự có thị trường điện ảnh
Trong cuộc nói chuyện với Đất Việt, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cho biết, anh không có ý bài xích khán giả mà chỉ nói lên thực tế phần lớn người Việt có thói quen thưởng thức phim ảnh qua truyền hình, theo kiểu “cả thế giới trong tay chỉ với một cái remote”. Thực tế này không chỉ khiến ngành điện ảnh mà nhiều môn nghệ thuật khác như âm nhạc, tranh, ảnh… chịu thiệt thòi.
Về phim Chơi vơi, Bùi Thạc Chuyên và ê-kíp sản xuất không đặt nhiều kỳ vọng. “Tôi làm vì tôi thích, không bị gánh nặng tiền bạc và chỉ làm cho hết với cảm xúc của tôi chứ không tham vọng ai cũng hiểu nó”, anh cho biết. Nhưng sau khi Chơi vơi được chiếu ở VN, đạo diễn này nhận ra rằng “khán giả VN bây giờ có thể thừa hiểu những bộ phim như vậy”, và điều đó khiến anh thấy bất ngờ.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, chỉ cần có phim hay, ắt có khán giả hay. “Nếu không phải khán giả, thì ai là người công nhận một tác phẩm hay? Hội đồng giám khảo, thậm chí giới chuyên môn liệu có đại diện được cho một thế hệ khán giả đang ngày càng hình thành nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao?”, đạo diễn Lê Hoàng nói.
Đạo diễn Lê Hoàng khẳng định, còn lâu lắm VN mới có thể dùng chung khái niệm “thị trường điện ảnh” với thế giới, vì một năm VN chỉ có 6 phim nhựa thì không thể coi là một nền điện ảnh phát triển. Trong quan niệm của đạo diễn họ Lê, không có chuyện phim sang hay sến, chỉ có hay hoặc dở. Vì thế, với Lê Hoàng, một bộ phim khi ra rạp chiếu không có khách xem thì “đích thực là một bộ phim dở”.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên: Tôi không coi thường khán giả, mà hiểu họ, vì chính tôi trước đây xem phim của Trần Anh Hùng cũng không hiểu. Ví dụ, xem Mùi đu đủ xanh cách đây hơn 10 năm, tôi không hiểu sao lại “chậm” đến vậy, trong khi đang quen xem phim Mỹ, mọi thứ diễn biến rất nhanh. Sau đó, tôi xem Mùa hè chiều thẳng đứng, vẫn chưa hiểu lắm. Nhưng 5 năm trở lại đây thì có sự thay đổi rất nhanh. Nhiều khán giả, nhất là những người trẻ có học đồng cảm với những gì không giống như họ thường xem. Đấy là điều rất vui.
Buổi đầu công chiếu phim Chơi vơi, tôi nghĩ chắc chỉ bán được 80 vé là cùng, vì giờ chiếu rất oái oăm. Vậy mà bán được hơn 900 vé. Trong và sau khi xem phim xong, khán giả khen - chê rất nhiều. Cũng có thể dàn diễn viên trong Chơi vơi được người ta yêu thích và tò mò muốn đi xem, nhưng thực tế tôi đã nhận được những phản hồi của khán giả cho thấy họ hiểu bộ phim. (Lê Thoa)
|
Theo ĐV
|