Tạp chí Sông Hương -
Naguib Mahfouz: 'Giải Nobel không thay đổi đời tôi'
09:09 | 23/11/2009
Tiểu thuyết gia nổi tiếng Ai Cập qua đời cách đây 3 năm. Dưới đây là bài phỏng vấn nhà văn, được thực hiện từ nhiều năm trước nhưng chưa từng công bố. Phóng viên Jonathan Curiel tiết lộ, bài báo về tác giả đoạt giải Nobel đã bị một tạp chí từ chối, để nhường chỗ cho các ngôi sao nhạc pop.
Naguib Mahfouz: 'Giải Nobel không thay đổi đời tôi'
Cố nhà văn Naguib Mahfouz. Ảnh: AR

- Ông bắt đầu viết từ khi 17 tuổi. Điều gì đã ảnh hưởng đến quyết định trở thành nhà văn của ông?

- Có một điều tôi nhớ rất rõ - đó là sở thích đọc sách. Dù thời còn nhỏ, chúng tôi không có nhiều sách, ngoại trừ những câu chuyện trinh thám. Thời đó, tôi không được đọc những tác phẩm văn học dành cho thiếu nhi một cách đúng nghĩa. Truyện trinh thám là tất cả những gì chúng tôi có. Và tất nhiên, tôi chẳng có lựa chọn nào cả.

- Tiểu thuyết của ông thường đề cập đến những vấn đề quen thuộc như: bọn trẻ bỏ nhà đi, vợ chồng xung khắc. Liệu đó có phải là những gì xuất phát từ chính tuổi thơ của ông?

- Không hẳn vậy. Tôi có thể viết về những chuyện xảy ra trong gia đình, trong thành phố hoặc bất cứ thứ gì tôi đọc được trên báo. Tự bản thân tôi nhận thấy, tôi có một tuổi thơ rất hạnh phúc. Tất nhiên, hồi đó tôi không thích thú với chuyện đi học lắm. Vì trường học với tôi, cứ như một nhà tù vậy. Nhưng so với những gia đình khác, tôi được lớn lên trong một gia đình hạnh phúc.

- Ông nghĩ sao về sự nổi tiếng trên toàn thế giới của mình bây giờ?

- Rất ngạc nhiên. Thật đấy. Vì tôi không bao giờ nghĩ đến điều đó.

- Đoạt giải Nobel không làm thay đổi cuộc đời ông sao?

- Không, tôi đã ở vào độ tuổi mà sự thay đổi rất khó diễn ra. Có lẽ, giải thưởng này có tác động đến gia đình tôi, chứ không phải tôi. Chúng tôi được đảm bảo hơn về mặt tài chính. Nhưng cuộc sống của tôi vẫn vậy. Tôi vẫn đến quán cà phê Ali Baba ở Cairo mỗi sáng để đọc báo và xem tạp chí. Tôi vẫn phải đi bộ mỗi ngày một tiếng.

- Mới đây, ông bị những kẻ Hồi giáo cực đoan đòi "lấy mạng" vì cuốn tiểu thuyết “Children of Gabalawi” ra đời cách đây 20 năm. Ông có sợ không?

- Không. Tôi còn từ chối cả những vệ sĩ do chính phủ cử đến. Nếu họ muốn giết tôi, họ sẽ làm được. Họ chỉ đe dọa thôi. Họ có những mục đích lớn hơn chuyện khiến cho tôi phải sợ sệt.

- Vậy theo ông, có sự khác nhau không giữa "Children of Gabalawi" của ông và “Satanic Verses” của Salman Rushdie?

- Tất nhiên là có. Nhưng những người Hồi giáo cực đoan tin rằng, chúng giống nhau cả thôi.

- Ông nghĩ sao về tình trạng của Salman Rushdie?

- Sách của ông ấy xúc phạm đến Hồi giáo. Tôi chưa đọc nhiều của Rushdie nhưng tôi nghe nói như vậy. Tất cả phóng viên truyền thanh, truyền hình phỏng vấn tôi về Rushdie cũng chưa đọc ông ấy. Tôi có nghe đồn và cũng đã đọc cuốn sách bị coi là "hỗn láo" với đạo Hồi. So với sách của tôi, tôi chẳng có sự xúc phạm với bất cứ tôn giáo nào cả. Tôi chỉ trình bày một số quan điểm, về lịch sử loài người mà tôi tưởng tượng ra. Có lẽ tôi tưởng tượng tự do quá nên đã khiến nhiều con chiên cảm thấy phiền lòng.

- Ông là người thường xuyên lên tiếng về các vấn đề chính trị. Ông nghĩ sao về các nhân tố có thể mang lại hòa bình cho Trung Đông?

- Tất cả người dân thế giới Ảrập đều mong muốn hòa mình, người Israel cũng vậy. Nên tôi có cái nhìn khá lạc quan về chuyện này. Chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết các vấn đề của người Palestine mà không vướng phải mối đe dọa từ Israel.

- Đã bao giờ ông nghĩ mình sẽ đi làm chính trị?

- Không. Tôi nghĩ về chính trị, viết về nó, nhưng với tư cách một nhà văn.

- Ông có đang viết cuốn sách nào mới không?

- Kể từ khi đoạt giải Nobel (1988), tôi cũng có viết vài truyện ngắn, nhưng chưa tập hợp lại, cũng chưa xuất bản.

- Tại sao?

- Vì mắt và tai tôi bây giờ kém lắm. Tôi chỉ có thể làm việc mỗi ngày 2 tiếng: một tiếng đọc sách, một tiếng viết. Trước đây, tôi thường viết một mạch 3 tiếng, rồi dành ra 4 hoặc 5 tiếng để đọc sách.

- Ai Cập hiện đại ngày nay dường như đã thay đổi rất nhiều so với một Ai Cập thường xuất hiện trong tiểu thuyết của ông. Ông có cảm nhận thấy điều đó không?

- Ở một mức độ nào đó, nó có sự thay đổi. Phụ nữ ngày nay đi làm nhiều hơn, có vai trò tích cực hơn trong xã hội. Nhưng, chúng ta cũng mất độc giả mỗi ngày. Có lẽ bởi sự ảnh hưởng của truyền hình và các phương tiện giải trí khác.

- Ông hy vọng độc giả nói tiếng Anh thu nhận được điều gì từ tiểu thuyết của mình?

- Tôi mong họ nhận thấy chúng là văn học. Bạn đọc Dickens để hiểu về London; đọc Balzac để biết về Paris. Đối với văn học, việc giúp độc giả nước ngoài hiểu về cuộc sống thường nhật của một nền văn hóa nào đó là rất quan trọng. Nhưng chúng phải được thể hiện một cách nghệ thuật. Đó là mục đích đầu tiên của văn học. Những thứ khác chỉ chiếm vị trí thứ hai.

Theo Thanh Huyền - evan

Các bài mới
Các bài đã đăng