Từ tháng 11.1979 - ngày khai giảng khóa I, cho đến tháng 11.2009 - kỷ niệm 30 năm Trường viết văn Nguyễn Du, bao nhiêu dâu bể đã đi qua trên đất nước Việt Nam, trong văn hóa và văn chương người Việt, trong mỗi trái tim, tâm hồn của từng nhà văn Việt Nam.
Tháng 11.1982, lễ bế giảng khóa I đã được tổ chức một cách trọng thể. Mỗi học viên nhận được cùng lúc hai tấm bằng: một của Đại học Văn hóa (có giá trị thực tế) và một của Trường viết văn Nguyễn Du (với giá trị tình cảm). Các ngôi sao lại sáng lóe trên cổ áo các học viên sĩ quan quân đội, các nữ học viên lại tha thướt áo dài, quan khách có mặt đông đảo hơn, và nỗi hân hoan cũng lớn hơn hẳn so với ngày khai giảng, Đài truyền hình Việt Nam làm riêng một chương trình để giới thiệu về ngày tốt nghiệp của khóa I Trường viết văn Nguyễn Du... Mô hình về một ngôi trường đặc biệt dành cho các nhà văn đã được khẳng định là cần thiết và đúng hướng. Tất cả học viên đã vui mừng ra khỏi một giai đoạn khó khăn nhưng chưa hình dung hết những thay đổi lớn mà mình là một thành tố liên quan, trong quan niệm đã thay đổi về nhà văn. Mỗi học viên đã già thêm ba tuổi và có thêm rất nhiều trải nghiệm, kể cả những trải nghiệm không mong muốn sau ba năm xa rời gia đình, cắt đứt với môi trường và công việc quen thuộc để đi học. Cái giá phải trả cho ba năm ấy không hề là giá thấp, đối với mỗi người. Một số cảm thấy tự tin hơn khi trở về môi trường làm việc cũ, nhưng cũng có một số trở nên hoang mang: họ chưa biết phải huy động chính mình thế nào sau ba năm đèn sách. Tất nhiên không ai có thể thô thiển nghĩ rằng “đào tạo” nhà văn cũng giống như đào tạo kỹ sư hay bác sĩ, cứ đúng quy cách, quy trình ở đầu vào và rồi đâu sẽ vào đấy, sẽ xuất hiện ở đầu ra những nhà - văn - chất - lượng - theo - đơn - đặt - hàng. Nhưng, nếu một người cầm bút mà lại không hề quan tâm đến sự tồn tại của triết học, tâm lý học, phân tâm học, tôn giáo, lịch sử... không cần biết đến tâm linh con người và cả phần tiềm thức, vô thức..., không hề băn khoăn với những vấn nạn, những câu hỏi đặt ra từ cuộc sống, hay gạt đi những thôi thúc từ chính lương tâm cầm bút của mình, nhìn mọi vật một cách đầy công thức và máy móc, thì liệu nhà văn ấy có thể mô tả xác thực bản chất của con người - xã hội, có thể tìm được sự chia sẻ và thừa nhận nơi người đọc? Những chuyên đề mà chương trình học đã khơi gợi sự suy tưởng hoặc giới thiệu kiến thức tổng quan, nhập môn cho học viên chỉ có thể trở thành giọt nước tràn ly đối với một số chứ không phải với tất cả. Nhưng có lẽ những người đã dành hết khả năng và tâm nguyện cho sự ra đời và tồn tại của ngôi trường cũng chỉ mong có thế. Nhà văn cần phải học, và được quyền khám phá mọi thứ thuộc về con người chứ không thể chỉ cắm cúi viết qua một ít năng khiếu trời cho rồi tự tán thưởng một cách viển vông bởi một khao khát hoàn toàn duy ý chí. Một số học viên quân đội đã được phân công về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Xưởng phim Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội... Đa số học viên dân sự trở về địa phương, nắm giữ những vai trò chủ chốt. Hữu Thỉnh sau thành công của trường ca Đường tới thành phố viết trong thời gian đi học hẳn chưa hình dung đến một ngày sẽ trở thành Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Trí Huân cũng không nghĩ rồi mình sẽ là Tổng biên tập Báo Văn Nghệ, Trung Trung Đỉnh và Nguyễn Khắc Trường cũng không tin rằng mình lại là Giám đốc, Phó giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn, và Nguyễn Bảo hẳn cũng không nghĩ mình sẽ là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội... Điều quan trọng hơn là nhiều tác phẩm của học viên công bố về sau đã cho thấy một đổi thay thấy được trong cách nhìn con người, sự vật, tìm đến những giá trị cao hơn và sâu hơn, thật hơn, nhân văn nhân bản hơn, vượt qua sự phiến diện chủ quan của những kẻ điếc không sợ súng... Từ tháng 11.1979 - ngày khai giảng khóa I, cho đến tháng 11.2009 - kỷ niệm 30 năm Trường viết văn Nguyễn Du, bao nhiêu dâu bể đã đi qua trên đất nước Việt Nam, trong văn hóa và văn chương người Việt, trong mỗi trái tim, tâm hồn của từng nhà văn Việt Nam. Rất nhiều người từng đến với trường bằng tất cả tình cảm và tâm huyết đã không thể có mặt trong ngày vui, đã ra đi vĩnh viễn: Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Văn Bổng, Từ Chi, Trần Quốc Vượng, Trần Đình Hượu, Nguyễn Đình Nghi, Huỳnh Khái Vinh... Ngày kỷ niệm, học viên các khóa đều có mặt nhưng không đông đủ. Những người có mặt thì vui sướng gặp lại nhau sau bao năm xa cách, vui sướng nhìn thấy dãy nhà tranh vách đất giờ đã được xây mới thành một dãy nhà bốn tầng khá đẹp. Còn những người không có mặt, họ đang làm gì, ở đâu? Phải chăng họ đã xa bỏ quá khứ, trong đó có cả quá khứ của ba năm học ở Trường viết văn Nguyễn Du? Có thể họ có những điều không vui với cuộc đời này nhưng có lẽ họ sẽ không thể nào quên những tháng ngày sinh viên thật lạ lùng, thật quý giá ấy. Vấn đề của năm 2009 hiện nay là, sau 30 năm ngày khai sinh ra trường, liệu có nên phục hồi trường theo kiểu các khóa đầu (từ 1 đến 5), hay vẫn thu lại thành một khoa trực thuộc Đại học Văn hóa với cái tên Khoa Sáng tác - Lý luận - Phê bình, và mỗi năm đều tuyển sinh với yêu cầu không khác là bao so với tất cả các trường đại học? Theo Ngô Thị Kim Cúc - TN |