Tạp chí Sông Hương -
Gian nan hành trình tìm kiếm cổ vật
09:21 | 23/11/2009
Cuối tháng 11 này, một phái đoàn các nhà khảo cổ học người Ai Cập sẽ tới Bảo tàng Louvre (Paris) để nhận lại năm mảng tranh tường bị lấy cắp từ những năm 80 của thế kỷ trước tại một ngôi mộ nằm trong Thung lũng của các vị Vua (Valley of the Kings) tại Ai Cập.
Gian nan hành trình tìm kiếm cổ vật
Tượng Hemiunu tại Viện bảo tàng Peliraeus, Đức

Tuy nhiên, đây chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số những cổ vật khác của Ai Cập bị mang ra nước ngoài mà giờ đây chính phủ nước này rất nỗ lực để có thể đưa về cho quốc gia của mình.

Tại Bảo tàng Quốc gia Ai Cập nổi tiếng tại Cairo, một trong những cổ vật đầu tiên mà du khách nhìn thấy khi bước chân vào phòng trưng bày Giai đoạn tân cổ điển, lại là phiên bản. "Bản sao của Phiến đá Rosetta này là hiện vật giả duy nhất trong tại đây" - một hướng dẫn viên cho biết - nguyên mẫu hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Vương quốc Anh". Đây cũng chính là một trong những cổ vật quan trọng nhất mà các nhà khảo cổ học Hy Lạp đang rất muốn đòi lại.

"Tôi không yêu cầu tất cả các cổ vật trong Bảo tàng Vương quốc Anh phải trả về cho Hy Lạp - Zahi Hawass, tổng thư ký của Hội đồng tối cao về cổ vật của Hy Lạp tuyên bố - Tôi chỉ nhắc đến những vật có giá trị thật sự", ông Hawass cho biết thêm, ám chỉ đến những hiện vật mang giá trị khảo cổ độc đáo như Phiến đá Rosetta Stone (chứa đựng rất nhiều thông tin về hệ thống chữ viết cổ của nền văn minh Ai Cập cổ đại).

Cùng nằm trong "danh sách đen" của ông Zahi còn có nhiều cổ vật khác như bức tượng bán thân 3.500 tuổi của Hoàng hậu Nefertiti - vợ của vị Pharaoh Akhenaten nổi tiếng - hiện đang được trưng bày tại Neues (Berlin); (tượng Hemiunu - kiến trúc sư của Kim tự tháp Vĩ đại tại Giza - hiện cũng đang ở Berlin (Đức); tượng của Anchhaf - người xây nên Kim tự tháp Chepren - đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật tại Boston (Mỹ) hay một bức họa từ ngôi đền Dendera, đang nằm trong Bảo tàng Lourve (Pháp)...

Trong trường hợp những cổ vật kia không thể quay trở lại Ai Cập vĩnh viễn, ông Hawass hy vọng rằng ít nhất chúng cũng có thể "hồi cố hương" theo một hợp đồng cho mượn để được trưng bày trong lễ khánh thành Grand Egyptian Museum, một trong những bảo tàng lớn nhất của Ai Cập sẽ được hoàn thành tại thành phố Giza vào năm 2013 tới đây. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, lời đề nghị của ông Hawass mới chỉ nhận được những phản ứng khá thận trọng từ các bên liên quan.

"Chúng tôi đã nhận được yêu cầu về việc cho mượn Phiến đá Rosetta nhưng mọi việc vẫn đang được cân nhắc trước khi có bất kỳ quyết định nào", người phát ngôn của Bảo tàng Vương quốc Anh cho biết.

Kể từ khi trở thành người đứng đầu Hội đồng tối cao về Cổ vật của Ai Cập từ năm 2002, ông Zahi Hawass đã tuyên bố sẽ "đòi lại" 5.000 cổ vật, theo ông đã từng bị ăn cắp, về cho đất nước của mình. Tuy nhiên, cách làm của ông, bị một số nhà quan sát đánh giá rằng có lúc tỏ ra quá cứng rắn. 

Vụ tranh cãi gần đây với Bảo tàng Lourve về một số tấm bia của các pharaon từng bị gỡ trộm từ ngôi mộ 3.200 tuổi Tetaki đã khiến quan hệ giữa hai bên trở nên rất căng thẳng. Mặc dù vậy, phía Lourve cuối cùng đồng ý trả lại các cổ vật đó cho phái đoàn Ai Cập vào ngày 20.11.

"Tôi rất hạnh phúc khi sự kiện này gây tiếng vang lớn bởi nó chính là lời cảnh báo đến tất cả các bảo tàng trên thế giới rằng không nên mua lại cổ vật bị đánh cắp. Điều đó sẽ bảo vệ cho di sản của Ai Cập và cả thế giới", ông Hawass hồ hởi cho biết.

Đã có hàng ngàn cổ vật của Ai Cập bị tuồn ra nước ngoài trong thời kỳ thuộc địa và sau đó là bởi các nhà khảo cổ, thám hiểm và tất nhiên là cả trộm cắp. Theo một hiệp định năm1970 của Liên Hợp Quốc, cổ vật là tài sản quốc gia và những cổ vật bị lấy đi bất hợp pháp phải được trả lại cho quốc gia ban đầu của nó.

Một động thái gần đây của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (New York) đã khiến các nhà lãnh đạo tại Ai Cập "hả lòng hả dạ". Bảo tàng này đã mua một bức phù điêu bằng đá granite đỏ từ một nhà sưu tập tư nhân New York và tặng lại nó cho đền Ptah ở Karnak (Ai Cập). Chính phủ Ai Cập gọi đây là một "nghĩa cử cao đẹp" và hy vọng rằng nó sẽ là tấm gương cho các bảo tàng, nhà trưng bày khác trên toàn thế giới.

Theo Lan Phương - LĐCT
Các bài mới
Các bài đã đăng