GS Nguyễn Văn Hoàn, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, người dịch Thần khúc trao đổi với Thanh Niên. * Ông đã mất bao lâu để dịch Thần khúc? - Tôi nghe nói đến Dante, đến Thần khúc lần đầu tiên vào những năm đầu thập niên 50. Năm 1978, tôi được đến trường Đại học Ý dành cho người nước ngoài ở Perugia để học tiếng Ý, sau đó, đến khoa Văn học và Triết học của trường Đại học Roma để nghiên cứu về văn học Ý. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận với Thần khúc từ nguyên tác tiếng Ý. Rồi sau đó, năm 1979 khi về nước, giảng dạy cho sinh viên, tôi thường đối chiếu nguyên bản tiếng Ý với lời dịch tiếng Việt, rồi bỗng nảy ra ý nghĩ: giá như có một bản Thần khúc bằng tiếng Việt, thì công việc giảng dạy của tôi chắc sẽ thuận lợi hơn. Thế là tôi bắt đầu dịch từng đoạn của Thần khúc, rồi dịch từng chương quan trọng, cuối cùng mạnh dạn đặt kế hoạch dịch toàn bộ Thần khúc từ nguyên tác tiếng Ý sang tiếng Việt, và đến giờ mới có thể ra mắt bản dịch trọn vẹn.
* Ông làm thế nào để dịch Thần khúc sang tiếng Việt trong khi tác phẩm này chứa đựng đầy rẫy điển tích, điển cố, tiếng địa phương Toscano (quê hương của Dante) và những cách diễn đạt đặc trưng của thế kỷ XIV? Ông có tin là đã hiểu đúng Dante? - Dịch Thần khúc là một "cuộc phiêu lưu trí tuệ" vì về mọi phương diện, nó đều vượt quá khả năng của tôi. Tôi luôn có trước mặt bản Thần khúc bằng tiếng Ý, với lời chú giải rất tỉ mỉ và bản dịch Thần khúc bằng tiếng Pháp. Tôi đọc đối chiếu từng câu giữa các bản, cố gắng nắm bắt cho được nguyên ý của Dante. Sau đó, tìm cách diễn đạt sang tiếng Việt. Tất nhiên, phải thừa nhận Thần khúc là một tác phẩm rất khó dịch. Trước hết vì tiếng Ý và tiếng Việt rất khác nhau về cấu trúc, loại hình ngôn ngữ. Chưa kể, văn hóa trong Thần khúc là văn hóa của đạo Thiên Chúa, cùng những điển tích, điển cố Hy Lạp - La Mã được hiểu theo nhãn quan của Dante nên mỗi nhà nghiên cứu khác nhau lại chú giải theo những cách rất khác nhau. Do đó, khi dịch, tôi phải căn cứ xem mạch văn nào là phù hợp dựa trên các bản chú giải khác nhau. Theo Ngọc Lan - TN |