Tạp chí Sông Hương -
Chương trình truyền hình 2009: Nhân đạo, nhân văn dẫn đầu
09:05 | 25/11/2009
Chính những ý nghĩa xã hội và giá trị nhân văn sâu sắc mang lại, các chương trình truyền hình xuất phát từ trái tim này bao giờ cũng nhận được những rung động cộng hưởng của khán giả
Chương trình truyền hình 2009: Nhân đạo, nhân văn dẫn đầu
Cảnh trong chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly

Cuộc đua khốc liệt giành khán giả của màn ảnh nhỏ tạo nên hiện tượng bùng nổ chương trình truyền hình trong năm 2009. Đặc biệt là chương trình truyền hình thực tế, không chỉ phát triển về số lượng mà còn có chất lượng cả về cách thức dàn dựng lẫn thông điệp mà chương trình gửi đến người xem, với ý nghĩa hướng tới cộng đồng.

Lan tỏa mục tiêu hướng đến cộng đồng

Sự đuối sức của các chương trình, game show giải trí đơn thuần là cơ hội cho các chương trình truyền hình thực tế bùng phát trên các kênh truyền hình thời gian gần đây. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi tính hiện thực đầy gay cấn trong hành trình chinh phục thử thách của những người tham gia có sức hút, thuyết phục khán giả hơn là những chương trình được dàn dựng sẵn.

Không chỉ vậy, hiệu ứng chương trình còn được lan rộng khi hầu hết các chương trình truyền hình thực tế đều lồng ghép vào đó những hoạt động hướng đến cộng đồng. Những chương trình này đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Minh chứng rõ nét là thành công của các chương trình Vượt lên chính mình, Ngôi nhà mơ ước, Như chưa hề có cuộc chia ly, Thay lời muốn nói... vẫn giữ sức hút đối với công chúng sau nhiều năm ra mắt.

Không mấy khó để nhận thấy thành công này đã trở thành công thức chung cho hàng loạt chương trình truyền hình ra mắt sau đó, như: Chắp cánh ước mơ, Ước mơ đến trường (vừa ra mắt vào đầu tháng 11 vừa qua)... Ngay cả những chương trình vốn có nguồn gốc chỉ mang tính giải trí, như Lovebus (tựa tiếng Việt Chuyến xe tình yêu, được mua phiên bản từ nước ngoài) khi được thực hiện tại VN, cũng gắn với những hoạt động xã hội hữu ích. Hay chương trình Thay lời muốn nói, sau bao năm chỉ mang ý nghĩa chia sẻ thì nay được mở rộng với nhiệm vụ hướng đến cộng đồng bằng những chủ đề mang ý nghĩa xã hội tích cực.

Lời của trái tim đánh thức trái tim

Nếu không ít chương trình truyền hình vướng vào vòng luẩn quẩn hoặc gây nhàm chán cho khán giả sau một thời gian ngắn phát sóng thì chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly ngược lại. Sức hút của chương trình này ngày càng tăng theo cấp số nhân bởi hiệu ứng lan tỏa từ những kết quả mà chương trình đạt được.

Những cuộc tìm kiếm ngày càng khó khăn hơn, rồi những cuộc hội ngộ vì thế càng thấm đẫm nước mắt. Cái khó ngày mỗi tăng của những cuộc tìm kiếm, sự bền bỉ của những người thực hiện và niềm hy vọng cháy bỏng của những người từng bị chia ly mong một ngày đoàn tụ gia đình, người thân... khiến cho Như chưa hề có cuộc chia ly không chỉ hấp dẫn bởi yếu tố bất ngờ mà còn chất chứa cảm xúc mang giá trị nhân văn.

Cảnh trong chương trình Vượt lên chính mình. Ảnh: C.T.V


Vượt lên chính mình cũng là một chương trình không nhàm chán dù đã khá “già” về tuổi đời. Bởi đơn giản, ở mỗi chương trình, khán giả lại chứng kiến một nhân vật mới, hoàn cảnh mới và những bất ngờ mới mà cả nhân vật và chương trình đã mang lại.

Dù chưa tạo được nhiều hiệu ứng như Vượt lên chính mình nhưng chương trình Ngôi nhà mơ ước cũng khẳng định được giá trị đích thực mà chương trình mang lại. Mỗi căn nhà được dựng lên lại chất chứa biết bao tình yêu thương, niềm hạnh phúc của người được hưởng, người thực hiện và cả khán giả.

Mỗi chương trình thêm một lần phát sóng là thêm một gia đình được đoàn tụ trong hạnh phúc, một hoàn cảnh khó nhọc có điều kiện vươn lên thoát nghèo, một gia đình bất hạnh không còn nghèo đói, có được cuộc sống ổn định.

Chính những ý nghĩa xã hội to lớn và giá trị nhân văn sâu sắc mang lại, các chương trình truyền hình xuất phát từ trái tim này bao giờ cũng nhận được những rung động cộng hưởng của hàng triệu trái tim khán giả.

Thiết thực hóa chương trình truyền hình

Bên cạnh đó, không ít chương trình truyền hình thực tế khác cũng được đánh giá cao không chỉ về hình thức mà còn ở nội dung thực tiễn của nó, có thể kể ra: Cầu vồng (một loạt chương trình về quá trình đào tạo, huấn luyện và tuyển chọn các tài năng trẻ ở 7 lĩnh vực: Người dẫn chương trình, diễn viên, vũ công, giọng hát, nhà thiết kế, quay phim, đạo diễn); Nốt nhạc ngôi sao (nơi biến giấc mơ điện ảnh của giới trẻ thành hiện thực, các thí sinh sẽ trải qua các vòng thi khiêu vũ, ca hát, diễn xuất, ở tập trung, thậm chí không liên lạc với thế giới bên ngoài trong một thời gian để luyện tập).

Ngoài ra, còn có một số chương trình khác như: 72 giờ thử thách sức bền (các thành viên trong đoàn phải trải qua những ngày trèo đèo, lội suối, chỉ mang theo các nhu yếu phẩm và duy nhất chiếc điện thoại để kết nối các thành viên trong đoàn); Những ngày hè xanh (người tham gia là các học sinh THPT cùng sống, làm việc luyện tập như trong quân ngũ với bộ đội); Kế hoạch gia đình hạnh phúc (đề cao sự đồng lòng, hợp tác của các thành viên trong một gia đình)...


                                                                                                                    Theo NLĐO




Các bài mới
Các bài đã đăng