Tạp chí Sông Hương -
Nửa thế kỷ "sống chết" với múa
10:03 | 26/11/2009
Hy vọng về sự hồi sinh của nghệ thuật múa VN - đó là cảm giác chung mà chương trình "50 năm - múa với thời gian" do thầy và trò Trường Cao đẳng Múa VN (tiền thân là Trường Múa VN) thực hiện trong hai đêm (22 và 23.11) tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập trường (1959 - 2009).
Nửa thế kỷ
Tiết mục "Quốc ấn". Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

17 tiết mục được diễn liên tục trong hai giờ đã đưa người xem từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nếu như Cao Chí Thành - nghệ sĩ VN đầu tiên đoạt giải thưởng tại một cuộc thi ballet quốc tế danh tiếng trình bày trích đoạn từ những vở ballet kinh điển như "Don Quixote" và "Diana và Acteon" với tài năng đã được khẳng định, thì ba cô gái Kiều Anh, Tuyết Anh, Mai Linh trong tiết mục "Vọng nguyệt" (biên đạo: NSƯT Kiều Lê) lại cho thấy họ thành thục cả kỹ năng múa dân gian, lẫn khả năng tạo hình của nghệ thuật xiếc để tạo thành một tiết mục đặc sắc.

Với một chương trình được cấu tứ chặt chẽ, thầy trò Trường CĐMVN  cho thấy họ không chỉ kế thừa những thành tựu mà những thế hệ nghệ sĩ múa đi trước đã tạo dựng, như "Múa Katu" (cố NSND Thái Ly, NSƯT Ngân Quý), "Cánh chim và ánh sáng mặt trời" (cố NSND Thái Ly); nắm vững kỹ thuật múa ballet cổ điển (Spartacus, Esmeralda, La Corsaire), mà còn hội nhập được với những phong cách múa nước ngoài như Nga (Giai điệu bạn bè - biên đạo: NSƯT Vũ Dương Dũng), Trung Quốc (Cô gái nước, Múa dân tộc Choang... - biên đạo: Lục Minh) và cao hơn nữa là tạo ra những tác phẩm múa Việt Nam với tâm hồn và tính cách dân tộc,  nhưng lại đậm hơi thở hiện đại ("Tóc" - biên đạo: Trần Ly Ly; "Quốc ấn" - biên đạo: Hồng Phong).

Chương trình đã cố gắng thể hiện một phần thành quả đào tạo của Trường CĐMVN ở cả hai mảng là nghệ sĩ biểu diễn và nghệ sĩ biên đạo. Sự khổ luyện của các học sinh đã cho thấy lấp lánh những tài năng trẻ như Ngân Huyền, Thu Trang, Huyền Trang, Kiều Mỹ, Diễm Quỳnh, Trung Hiếu... xứng đáng nguồn tiếp sức mới cho nghệ thuật múa trong tương lai. Đặc biệt, cặp đôi nghệ sĩ ballet Hoàng Giang - Tuyết Dung qua trích đoạn ballet "Spartacus" cho thấy họ có đủ kỹ năng và cảm xúc để trình diễn trọn vẹn một vở ballet cổ điển.

Tạo hiệu quả sân khấu mạnh nhất phải kể đến "Gạo mới" (NSƯT Kiều Lê biên đạo) với màn thoát y táo bạo và gợi cảm, nhưng lại đầy thẩm mỹ.

Nửa thế kỷ đào tạo nghệ sĩ múa không thể gói gọn hết trong một chương trình, nhưng "50 năm - múa với thời gian" cho thấy niềm đam mê "sống chết với nghề" và sức sáng tạo của thầy trò Trường CĐMVN không hề cạn và đang được tiếp nối. Xem họ biểu diễn, người ta quên rằng múa, cũng như nhiều môn nghệ thuật khác, đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kéo dài. Nhưng một khi niềm đam mê và tài năng vẫn còn, thì niềm hy vọng hồi sinh vẫn còn.

Theo Quốc Hưng - LĐ
Các bài mới
Các bài đã đăng