Với một truyền thống giàu có như vậy, tại sao rất ít người nước ngoài biết đến bất cứ một cuốn tiểu thuyết nào của Trung Quốc hiện đại?
Văn học hiện đại Trung Quốc chỉ thực sự trở thành mối quan tâm của người nước ngoài từ những cuốn sách như Cao lương đỏ của Mạc Ngôn. Cuốn tiểu thuyết xuất bản ở Trung Quốc năm 1987, rồi được ấn hành bản tiếng Anh năm 1993. Cùng năm đó, tác phẩm được đạo diễn Trương Nghệ Mưu dựng thành bộ phim được đề cử giải Oscar.
Tuy nhiên, tình hình này ngày càng được cải thiện. Từ năm 1990, rất nhiều tiểu thuyết tiếng Trung đã được dịch sang tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác. Tôtem sói của Khương Nhung xuất bản bằng tiếng Trung lần đầu tiên năm 2004, trở thành best-seller ở Trung Quốc và được dịch sang tiếng Anh năm 2008. Cuốn sách từng đoạt giải Man Asian 2007 và đến nay đã tiêu thụ được nhiều triệu bản. Hai tập sách Huynh đệ của nhà văn Dư Hoa cũng từng lọt vào danh sách chung khảo giải Man Asian 2008 và đã được dịch sang tiếng Anh tháng 3/2009.
Theo Shanghaidaily, đó là những dấu hiệu cho thấy, văn học Trung Quốc đang thu hút đông đảo độc giả quốc tế. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra khá chậm, do những thách thức mà văn học Trung Quốc phải đối diện trong việc tiếp cận với người đọc thế giới.
Trước hết, thị trường sách thường bị thống trị bởi thị hiếu của những nhà xuất bản thuộc các ngôn ngữ như Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha.
"Thường thì các ngôn ngữ khác dễ chuyển ngữ hơn. Còn tiếng Trung gặp nhiều khó khăn trong quá trình dịch", Jo Lusby - giám đốc chi nhánh xuất bản của Penguin ở Trung Quốc - nhận xét.
Các nhà xuất bản và biên tập viên của họ thích những tác phẩm văn học nước ngoài mà bản thân họ có thể đọc được nguyên bản. Vì không nhiều người có thể đọc tiếng Trung, nên những tác phẩm này muốn lọt vào mắt xanh của các biên tập viên, lại cần qua một khâu nữa. Đó là phải có ai đó dịch ra một đoạn trích của chúng, để các nhà xuất bản đọc và cân nhắc có nên bỏ tiền mua bản quyền hay không.
Tìm được một dịch giả tiếng Trung giỏi là một trong những thách thức lớn nhất trong việc đưa văn học Trung Quốc ra khỏi biên giới. Lusby nói: "Rào cản lớn nhất trong việc tìm kiếm độc giả thế giới cho văn học Trung Quốc là chúng ta có quá ít dịch giả. Hiện nay, chỉ có khoảng 5 - 6 dịch giả hạng A. Trong khi đó, mỗi ngày, có khoảng 400 đầu sách tiếng Trung được xuất bản".
Một trong những người tiếng phong dịch các tác phẩm văn học Trung Quốc ra tiếng Anh là Howard Goldblatt. Ông là dịch giả của những cuốn như Tôtem sói (Khương Nhung), Sinh tử xoay vần (Mạc Ngôn…
Việc xây dựng một đội ngũ dịch giả có thể chuyển ngữ tiếng Trung ra các ngôn ngữ khác là quá trình đòi hỏi rất nhiều thời gian. Bởi trước khi Trung Quốc có chính sách mở cửa, rất ít người nước ngoài có cơ hội làm việc ở Trung Quốc.
Hơn nữa, sự khác biệt về văn hóa giữa Trung Quốc và phương Tây cũng là một rào cản khiến văn học nước này khó đi vào lòng độc giả thế giới. Rất nhiều cuốn sách, được coi là kiệt tác của Trung Quốc, nhưng lại bị người đọc phương Tây thờ ơ. Bởi chúng được viết dường như dành riêng cho người Trung Quốc với rất nhiều điển tích, điển cố từ trong lịch sử xa xưa.
Thách thức thứ ba là tính hiệu quả của công việc quảng bá, tiếp thị sách. Khâu quan trọng trong hoạt động xuất bản này trở nên rất khó thực hiện khi hầu hết các nhà văn Trung Quốc đều không biết nói tiếng Anh. Vì vậy, các cuộc giao lưu sách ở nước ngoài hầu như là không thể. Khi chọn dịch một cuốn sách, theo Lusby, nhà xuất bản cũng "quan tâm đến việc tác giả của nó có thể trò chuyện với phóng viên và độc giả bằng ngôn ngữ mà tác phẩm sắp được dịch ra không".
Sử dụng phiên dịch viên vào các cuộc giao lưu đòi hỏi chi phí không quá cao. Nhưng phiên dịch viên thường không chuyển tải hết sự trình bày của tác giả về chính tác phẩm của mình. Vì vậy, nhà xuất bản thường phải tìm ra những phương cách khác, hiệu quả hơn, để quảng bá cho các tác phẩm nguyên bản tiếng Trung.
Những tiểu thuyết giành được nhiều sự quan tâm nhất của độc giả thế giới thường là những đầu sách lấy cảm hứng từ Đại cách mạng văn hóa (1966-76). Điều nay không có gì đáng ngạc nhiên. Dịch giả Bruce Humes cho rằng: "Rất nhiều trí thức Trung Quốc từng trở thành nạn nhân của Cách mạng văn hóa. Họ cũng là những người đã cầm bút ghi lại thời kỳ đau khổ của mình". Một thể loại đặc trưng của những đầu sách viết về thời đại này là "văn học vết sẹo' - tức những trang viết về những chấn thương đau đớn của giới trí thức.
Ngoài văn học hư cấu, những thể loại hồi ký của các tác giả Trung Quốc cũng rất thu hút độc giả thế giới. Tuy nhiên, cũng như các tác phẩm văn học, thể loại này cũng đối mặt với những thách thức tương tự.
Theo eVan
|