Ông chứng kiến một nửa chặng đường 75 năm thăng trầm của ngôi trường văn chương gần như là duy nhất trên thế giới hiện nay. Vài ngày gặp mặt, qua lời kể của ông và đồng nghiệp, đồng thời tìm hiểu thêm những tư liệu mà hai ông cung cấp, chúng tôi phần nào hình dung được đời sống văn chương của giới trẻ Nga đương đại gắn liền với sự hoạt động của ngôi trường này.
Ngôi trường huyền thoại
“Căn nhà hai tầng cũ kỹ sơn màu kem nằm ở góc đại lộ lọt thỏm giữa khu vườn vàng vọt” chính là trường Đại học văn chương A.M.Gorky được Bulgakov miêu tả trong “Nghệ nhân và Margarita”. Người ta gọi đó là “ngôi nhà của Griboedov”. Lại còn kể, có người cho rằng, chính trên tầng hai của tòa nhà, văn hào Nga từng đọc trích đoạn tác phẩm “Khổ đau vì trí tuệ” cho người cô của mình nghe.
Lại nữa, cách đây hơn 200 năm, Aleksandr Gertsen đã sinh ra ở đây. Những người cổ súy cho tinh thần “không thể đào tạo được nhà văn trên giảng đường” đã mỉa mai rằng, có lẽ đó là nhà văn duy nhất của Nga được sản sinh ra từ căn nhà cũ kỹ này!
Nhưng giáo sư Boris Tarasov không đồng tình với nhận định ấy. Ông nhắc đến tên rất nhiều tác phẩm của các nhà văn Nga gần đây được viết trong thời kỳ còn là học viên: “
Jericho
êm đềm” (Oleg Zobern), “Lời im” (Vasili Popov)…
Từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 11, theo lời mời của trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhà văn, giáo sư Boris Nikolaevich Tarasov - hiệu trưởng và nhà văn, giáo sư Vladimir Pavlovich Smirnov- Chủ nhiệm bộ môn văn học Nga đương đại - đại diện cho trường Đại học văn chương A.M.Gorky đã sang Việt Nam để tham dự buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình văn học).
|
Boris Tarasov sôi nổi kể về những nhân vật vĩ đại trong văn học Nga đã từng giảng dạy, nói chuyện ở trường. Đời sống văn học Nga thế kỷ XIX, XX với tất cả những đại diện tiên phong cho các trường phái, quan niệm, hướng đi trong sáng tác đều có mối liên hệ mật thiết với mái trường này. Những Gertsen, Chaadaev, Gogol, Baratynsky, rồi Block, Esenin, Maiakovsky. Dưới căn nhà ngang trong địa phận của trường, Pasternak, Mandenstam, Andreev từng sống, Gorky từng ghé qua…
Tarasov cho rằng, phần hồn của các nhà văn vẫn vương vấn nơi này, nên nếu người ta bảo đây là ngôi nhà của những hồn ma quả cũng không sai. Nhưng ông tin, chính những âm hồn thi sĩ hay hồn thơ của họ lại là một trong những “ma lực” hấp dẫn những người trẻ tràn đầy ý tưởng sáng tạo đến với trường, để được hàng ngày đi giữa những hành lang hẹp, đến với những điều cụ thể của khoa học, là gốc rễ cho những lớn lao mà họ đang hướng tới.
Những người theo đuổi nghiệp văn, họ là ai?
Trên trang web của trường, tôi đọc được dòng tâm sự của Aleksey Rudevich, sinh viên năm thứ 4, một trong những tên tuổi bắt đầu được nhắc tới trong làng văn học Nga đương đại. Khi vào trường, anh nộp bài tiểu luận “Một ngày của cái thang máy” - một trong số những đề tài được lựa chọn.
Cách thi vào trường của anh cũng đặc biệt. Đang là sinh viên năm thứ ba khoa Ngôn ngữ học của một trường đại học ở Irkusk, anh bỏ ngang, sau khi gửi thơ của mình đến trường Gorky và được các thầy chấp nhận, gửi giấy mời học.
Anh kể: “Tôi thích nhất những buổi thảo luận chuyên đề vào thứ Ba hàng tuần. Tôi tham dự chuyên đề về thơ của Evgheny Rein, người mà Brodsky coi là thầy. Ở đó các thầy có khi đề nghị học viên viết một bài thơ của Pushkin theo cách khác, cách của mình. Thật thú vị”.
Học viên theo học trường Gorky ở nhiều độ tuổi. Cho tới 50 tuổi, bạn vẫn có thể là sinh viên của trường. Ông Tarasov cho biết: “Đối với những học viên ở vùng sâu vùng xa, bao giờ chúng tôi cũng tạo điều kiện tốt nhất, thậm chí, như đối với tỉnh Irkutsk chẳng hạn, chúng tôi tiến hành đào tạo từ xa, để các em học tại chỗ và chỉ về Matxcơva để trả thi”.
Học bổng nhà nước không nhiều, trên dưới 20$ một tháng, vì thế sinh viên luôn phải tìm cách làm thêm. Họ có thể vừa thực tập vừa làm thêm ở các tòa báo, tạp chí, nhà xuất bản. Đó cũng là cách để đưa tác phẩm của mình đến với công chúng. Aleksey Rudevich chẳng hạn, làm thêm ở kênh truyền hình NTV.
Tuy nhiên, nhà văn cũng nhắc đến một thực trạng, là dường như học sinh phổ thông, kể cả những em đã quyết tâm lựa chọn con đường gắn bó với văn chương, thi vào Trường Gorky, cũng hầu như nắm các kiến thức về văn học cổ điển rất kém.
“Thế kỷ vàng” trong văn học Nga các em muốn bỏ qua, hào hứng hơn đôi chút với “thế kỷ bạc” và hăm hở muốn ngay lập tức xây dựng những điều mới mẻ, những cách tân, phá cách, mong muốn tìm hiểu những trường phái sáng tác mới trong văn chương đương đại. Nhiều em hiểu biết khá nhiều, nhưng là một “nồi lẩu” văn hóa lõng bõng. Nhiệm vụ của trường là làm cho “nồi lẩu” ấy được đầy đặn và có hệ thống hơn.
Sinh viên giờ đây không hiểu sao có vẻ ít đọc đi, mặc dù không phải là tất cả. Nhưng nhiều em phát biểu rằng, không muốn bị ảnh hưởng của các bậc tiền nhân, muốn nhấn mạnh sự độc đáo, và cho rằng, nếu có tài, thì cái tài đó phải “tự phát” chứ không nên “học tập” cách viết của một ai.
“Có thể học mà trở thành nhà văn?”
Đến dự buổi lễ kỷ niệm 30 năm trường viết văn Nguyễn Du, nghe diễn văn phát biểu của nhà văn Văn Giá, Trưởng khoa Sáng tác và Lý luận phê bình văn học trường ĐH Văn hóa HN, ông Tarasov rất tâm đắc với triết lý đào tạo của khoa:
Tạo cho học viên một tri thức nền phong phú để họ bước vào văn chương, từ tâm thế một người “muốn viết, khao khát được viết” chứ không phải từ áp lực “phải viết, nhất thiết phải viết” như trước nữa. Giáo sư Tarasov cho rằng, tài năng do Trời phú, nhà văn không do nhà trường nhào nặn nên, nhưng người có văn tài có thể học được nghề viết, kỹ năng hiểu những cơ chế nội tại của việc tổ chức một văn bản văn học.
Ở trường Gorky, sinh viên được học một cách bài bản về nghề, đồng thời có được học vấn ngữ văn cần thiết, đáp ứng cả những yêu cầu của nhiều ngành nghề khác, ngoài việc trở thành tác gia văn học.
Ông hiệu trưởng nhấn mạnh: “Nhà văn càng đào sâu học hỏi, suy nghĩ, anh ta càng trường lực hơn trong văn chương. Đó là trường hợp của Shakespeare chẳng hạn. Với những cách tân, tôi cho rằng, ngay từ những thế kỷ trước cũng có nhiều trường phái độc đáo nhưng do không có nền sâu nên người viết cạn vốn rất nhanh, dù có một thời gian rất nổi.
Vì thế, khi tiến hành dạy các em so sánh thi pháp của Shakespeare, Dostoevski, Sorokin, Belov, Rasputin, Prigov… và nhiều nhà văn khác, chúng tôi cùng các em tìm hiểu những mảng hiện thực đã được thi pháp ấy khai thác”.
Tốt nghiệp trường Gorky, trong văn bằng các cử nhân nhận được sẽ không ghi là “nhà văn” hay “nhà thơ” mà là “người lao động văn chương”! Phần lớn những cử nhân văn chương của trường đều tìm được việc làm tại các tòa báo, các nhà xuất bản hay hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, dịch thuật. Đương nhiên không phải tất cả họ đều trở thành nhà văn, nhà thơ và họ có sống được bằng nghề hay không, đó lại là một câu chuyện khác!
Tạo cơ hội cho nhà văn trẻ
Nhà văn Roman Sechin (SN 1971), từng là học viên của Trường, nhận xét: “Khi tôi học ở đây, từ năm 1996 đến 2001, rất hiếm khi có cơ hội được in ấn xuất bản tác phẩm tại trường. Những năm gần đây tôi mới thấy nhà trường chú trọng đến điều đó.
Gần đây nhất có một tuyển tập “Năm nhân năm” do nhà văn Aleksandr Rekemchuk, người hướng dẫn các cuộc hội thảo chuyên đề về văn xuôi, biên tập và giới thiệu.
Trong tuyển tập có sự xuất hiện của hơn 30 tác giả là sinh viên và những cử nhân đã tốt nghiệp của trường. Nhưng, tôi cũng nhớ, tuy không được in ở trường, nhưng các tác phẩm truyện ngắn, truyện vừa của sinh viên vẫn thường được thầy giới thiệu với các nhà xuất bản “xịn” nhất.
Ngay từ những năm học đầu tiên, rất nhiều người trong chúng tôi có tác phẩm được xuất hiện với công chúng như Margarita Sharapova, Valery Bylinsky, Aleksei Ivanov, Valentina Yurchenko...”.
Trong tuyển tập “Năm nhân năm” mà nhà văn Sechin nhắc đến, phần lớn các tác giả thuộc lứa tuổi 8x.
Ngoài ra, chúng tôi còn được giáo sư Tarasov giới thiệu về một tập thơ của nhóm “Đối thoại”, gồm những tác phẩm của các nhà văn trẻ đang theo học chuyên ngành Thơ. Họ đặt tên nhóm của mình như vậy, với ý niệm, văn chương là một cuộc đối thoại giữa người viết và độc giả, để tìm được tiếng nói chung, sự đồng cảm ở nhiều vấn đề của thời đại.
Trong những tác phẩm được in, bắt gặp những cố gắng thay đổi giọng điệu. Những cuộc đối thoại của các thi sĩ trẻ mang trong mình suy ngẫm của thế hệ, những thất vọng, hoang mang, vô định của những con người đang khao khát tự khẳng định mình, tìm một giá trị riêng của mình trong cuộc sống.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo Việt Nam trong buổi lễ kỷ niệm 30 năm trường viết văn Nguyễn Du, hai nhà văn Nga có phát biểu rằng, nền văn học Nga đương đại bây giờ chưa có những tên tuổi nào nổi bật, xứng tầm với các bậc tiền nhân.
Thế nhưng, cái cách hai ông trân trọng nhắc đến những sinh viên của mình, cách hai ông nâng niu cuốn thơ mong mỏng của nhóm “Đối thoại” mà tặng cho một độc giả Việt Nam với những lời giới thiệu ưu ái, tôi hiểu rằng, họ vẫn có những kỳ vọng lớn lao vào lớp trẻ, vào một thế hệ cầm bút mới ở Nga.
Bối cảnh hiện thực đa chiều và phức tạp “làm khó” các tác giả, nhưng nhất định vẫn có những tài năng trụ lại với văn chương, ghi tiếp những dòng sáng giá trong lịch sử văn học Nga.
Còn bây giờ, một điều có thể chắc chắn rằng, tốt nghiệp trường Đại học văn chương mang tên A.M Gorky, ít nhiều họ cũng sẽ có ảnh hưởng tới đời sống văn học nước Nga.
Họ chính là những nhà văn được sản sinh ra từ giảng đường giữa những bức tường cổ của ngôi nhà có những “âm hồn văn chương” cư ngụ…
Hiện nay, trường Gorky mỗi kỳ tuyển sinh hàng năm nhận 60 sinh viên theo hệ nhà nước chính quy và 70 sinh viên hệ nhà nước hàm thụ. Thường “hệ số tranh đua” là 10-16 người/một suất học. Muốn trở thành sinh viên của trường, ngoài kỳ thi đại học chung, bạn còn phải trải qua một kỳ thi năng khiếu sáng tác, nghĩa là phải gửi các tác phẩm thơ văn, kịch, phê bình hoặc tác phẩm dịch thuật đến hội đồng thi.
|
Theo TP
|