Bị chê tới bến vẫn thu bộn tiền
Vai trò của giới phê bình đang bị giảm sút nghiêm trọng khi những nhận xét của họ về một bộ phim, dù xấu đến đâu cũng chẳng làm khán giả để tâm. Bằng chứng? Có ngay!
"Trăng non", phần tiếp theo của loạt phim "Chạng vạng" vừa ra mắt khán giả toàn cầu hôm 20/11 bị giới phê bình "đánh" cho tơi tả. Trang IMDB chỉ chấm "Trăng non" 4,5/10, và hầu hết những cây bút "đinh" của các tạp chí nổi tiếng chỉ xếp phim này vào hạng C, Chicago Sun-Times và New York Post gay gắt hơn khi ghi điểm D to tướng.
Mặc kệ, dân tình vẫn cứ ùn ùn kéo đến các rạp chiếu phim để "cúng tiền" cho nhà sản xuất. Dù mới công chiếu được vài ngày, "Trăng non" đã chễm chệ ngồi ở vị trí 12 trong top 100 phim có doanh thu cao nhất năm 2009 tại thị trường Bắc Mỹ với 153 triệu USD (tính đến hết ngày 24/11). Cho dù giới phê bình tha hồ bĩu môi dè bỉu, các bậc cha mẹ thì ra sức cấm cản con cái tới xem "Trăng non" vì lo ngại bộ phim truyền đi những thông điệp xấu thì các khán giả trẻ vẫn xếp hàng vào rạp để bỏ tiền mua vé xem phim.
Điều tương tự xảy ra với trường hợp của bộ phim bom tấn "Transformers 2" công chiếu mùa Hè vừa rồi. Bộ phim này bị các nhà phê bình chê lấy chê để và thậm chí cho điểm C-, tức là chẳng có giá trị nghệ thuật gì hết.
Đạo diễn Michael Bay khi ấy đã lên báo "hờn dỗi" rằng sẽ chẳng làm tiếp "Transformers 3" hay các bộ phim thương mại tương tự nữa vì quá mệt mỏi với những nhận xét của giới phê bình.
Dù bị các chuyên gia phim ảnh coi không ra gì nhưng "Transformers 2" vẫn thu tiền về như nước. Ngay ngày mở màn, "Transformers 2" đã thu được 108,9 triệu USD từ tiền bán vé. Và tính đến ngày 15/10, khi bộ phim đã hoàn thành việc trình chiếu trên toàn cầu, "Transformers 2" vẫn vững vàng ở ngôi đầu trong top 10 bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2009 tại Bắc Mỹ với 402 triệu USD.
Dường như giới phê bình và truyền thông không còn đóng vai trò quá lớn đối với sự thành bại của một dự án phim thương mại nữa. Bằng chứng là cách đây không lâu, hãng
Paramount
đã quyết định đưa bộ phim "G.I. Joe: The Rise of Cobra" ra rạp mà không cần chiếu ra mắt báo giới cũng như giới phê bình trước như thông lệ.
Lãnh đạo Paramount chống chế rằng sở dĩ hãng đưa ra quyết định "vuốt râu hùm" ấy là vì họ đang cố gắng bảo vệ G.I. Joe: The Rise of Cobra khỏi những lời chỉ trích bất lợi như đã từng chĩa vào bộ phim Transformers 2 trước đó. Paramount lo ngại những nhận xét không hay về phim sẽ làm khán giả quay lưng lại với G.I. Joe: The Rise of Cobra. Và đúng như dự đoán, bộ phim này chỉ được giới phê bình cho điểm C-. Tuy vậy, nó vẫn thu về hơn 300 triệu USD trên toàn cầu.
The Proposal và Night at the Museum 2 cũng có cảnh ngộ tương tự. Hai bộ phim này đều bị giới phê bình chấm điểm C nhưng rốt cuộc đều có mặt trong top 10 những bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2009 tại thị trường Bắc Mỹ. Những nhận xét không hay ho của các nhà phê bình rõ ràng chẳng ảnh hưởng gì lắm đến doanh thu của các bộ phim Hollywood. Các bộ phim bị chê bai từ Transformers 2 đến The Proposal cũng ăn khách chẳng kém gì những cái tên được giới phê bình tung hô cỡ Up (điểm A-). Và đáng chú ý là trong số 10 phim có doanh thu cao nhất năm chỉ có duy nhất một phim được giới phê bình cho điểm A, còn lại 5 phim điểm B và 4 phim bị chấm điểm C, thậm chí C-.
Khi nào thì Hollywood cần "nhờ vả" giới phê bình?
Trong thời đại mà bất cứ ai cũng có thể trở thành ngôi sao, nhờ Internet và những mạng xã hội như Twitter, Facebook, bất cứ ai cũng có thể trở thành một nhà phê bình phim thì chuyện một vài nhà phê bình tên tuổi nhận xét chẳng mấy hay ho trên báo về bộ phim họ ưa thích thì khán giả vẫn cứ kéo đến rạp như thường. Khán giả ngày nay quan tâm đến thể loại phim mình yêu thích, quảng cáo phim nào hấp dẫn hơn là phụ thuộc vào định hướng của các nhà phê bình. Và, ý thức được điều đó, các hãng phim cũng đổ nhiều tiền hơn vào các chiến lược tiếp thị cho bộ phim sao cho hấp dẫn được càng nhiều khán giả càng tốt thay vì đau đầu tìm cách nịnh nọt các nhà phê bình.
Các mạng xã hội đang dần trở thành kênh thông tin quảng bá hữu hiệu cho bộ phim. Bằng chứng là 25/12 tới bộ phim nhạc kịch ’Nine’ của Rob Marshall với sự góp mặt của dàn sao nổi tiếng bậc nhất của Hollywood là Daniel Day-Lewis, Penelope Cruz, Marion Cotillard, Nicole Kidman, Kate Hudson, Judi Dench... sẽ ra mắt nhưng tuyệt nhiên người ta chẳng thấy nhận xét gì quan trọng về nó trên The New York Times, Los Angeles Times...
Đơn giản là mọi thông tin về bộ phim đều đã được post lên trang Ain’t it Cool News. Thông tin về "Nine" do Tobby, một người làm trong ngành công nghiệp âm nhạc đăng tải. Dù chẳng phải là một nhà phê bình chuyên nghiệp nhưng Tobby đã có một bài bình luận sắc sảo về bộ phim khiến dân tình phải lao đi mua vé trước.
Song, nói một cách công bằng, các nhà phê bình và những kênh chính thống đang dần mất đi vai trò quan trọng của mình đối với sự thành bại của phim nhưng không có nghĩa là họ đã chết. Rất nhiều bộ phim, nhờ có những đánh giá tích cực của giới phê bình đã tìm thấy công chúng đích thực của mình. Ví dụ như bộ phim kinh phí thấp được nhắc đến nhiều trong thời gian qua là ’Precious’.
’Precious’ được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết viết năm 1996, Push: A Novel, của Sapphire. Nếu như không có những nhận xét đáng chú ý của giới phê bình thì chắc chắn sẽ không có cảnh khán giả đến rạp xem phim đông như hồi cuối tháng 11 và mang về cho nhà sản xuất 20 triệu USD, kinh phí xếp vào dạng cao với một bộ phim độc lập.
Ngoài việc ’Precious’ được gắn mác nhà sản xuất nổi tiếng là bà hoàng truyền hình Mỹ Oprah Winfrey, thì dàn diễn viên vô danh cũng như nội dung phim "khó xem" không thể kéo khán giả đến rạp nếu không nhờ giới phê bình "can thiệp" cho dù ’Precious’ có giành chiến thắng tại 2 LHP quốc tế lớn là Sundance và Toronto 2009. Trong khi quyền kiểm soát với các bộ phim thương mại đang dần mất đi thì vai trò của giới phê bình vẫn được duy trì phát huy tối đa mỗi khi mùa giải thưởng lớn như Oscar hay các LHP hàng đầu cỡ Cannes, Berlin, Venice, Toronto, Sundance... diễn ra.
Điều này lại càng cần hơn cả với những phim tranh giải Oscar. Những nhận xét trên trang web chuyên đánh giá phim ảnh như Rottentomatoes và metacritic vẫn được coi là thước đo tin cậy về chất lượng một bộ phim.
Theo VietNamNet
|