Tạp chí Sông Hương -
Oscar 2010 sẽ tiếp tục tôn vinh giá trị sự thật?
16:02 | 30/11/2009
Không mấy khó để nhận thấy bước chân của Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột), một bộ phim đánh thẳng vào những vấn nạn bần hàn của một bộ phận người dân nghèo của một xã hội thời hiện đại, vẫn còn lưu dấu tại giải Oscar 2010.
Oscar 2010 sẽ tiếp tục tôn vinh giá trị sự thật?

Và điều đó khiến cho những ứng viên của giải thưởng Oscar năm nay có thể không nằm trong danh sách phim bom tấn hay đứng đầu danh sách về doanh thu nhưng vẫn đủ sức thuyết phục khán giả yêu điện ảnh là có cơ hội chiến thắng. Điều này được thể hiện rõ nét qua danh sách 10 ứng viên sớm của giải Oscar năm nay.

Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến bộ phim Precious: Based On the Novel “Push” by Sapphire (Precious-ảnh) của đạo diễn Lee Daniels. Bộ phim đã giành được giải thưởng Cadillac People’s Choice (Phim được khán giả yêu thích nhất) tại Liên hoan Phim Quốc tế Toronto 2009 (TIFF), dù không hề có kỹ xảo điện ảnh hoành tráng, những pha hành động nghẹt thở hay dàn siêu sao hạng nặng.

Bộ phim là một câu chuyện về cô bé Claireece (Precious) Jones, một cô bé có cuộc sống khắc nghiệt khi bị mẹ đẻ ngược đãi, bố đẻ xâm hại tình dục dẫn đến 2 lần mang thai. Cô trở thành kẻ béo phì, xấu xí, nghèo khổ, thất học, cau có, không có tình yêu. Bộ phim không có cái kết có hậu như thường thấy, ngoài việc Jones tìm được cơ hội để thể hiện bản thân trong một chương trình giáo dục tương tác.

Thế nhưng, chính bức tranh xã hội xám xịt đủ sức thọc sâu vào lương tri của mỗi người và cũng chỉ dẫn cho những ai không đủ khả năng, trình độ và can đảm bước qua bản thân mình. Dù chọn bối cảnh phim là khu phố Harlem (khu người da đen ở Mỹ) vào thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng người xem vẫn tin rằng những câu chuyện kể trong phim không hẳn là hư cấu mà nó vẫn hiện diện đâu đó trong một xã hội hiện đại, văn minh.

Dẫu vậy, con đường đi đến chiến thắng của Precious không hẳn thênh thang. Bởi 9 ứng viên khác trong danh sách đề cử đều nhận được những phản hồi tích cực từ khán giả và những đánh giá cao của giới chuyên môn.

Dù phong cách, thể loại, chủ đề (khai thác những vấn đề vĩ mô hay chỉ chạm nhẹ vào một mảnh ghép, một sự việc hết sức bình thường trong cuộc sống thường nhật) của những bộ phim này có khác nhau nhưng sự chân thực và tính thời sự luôn là yếu tố nổi bật.

Minh chứng rõ nét là The Hurt Locker (của đạo diễn Kathryn Bigelow), một bộ phim được đánh giá hay nhất từ trước đến nay về đề tài chiến tranh của điện ảnh Mỹ. An Education, một bộ phim tâm lý của đạo diễn Lone Scherfig đề cập về tâm lý của một cô bé dậy thì luôn phải trăn trở, xáo trộn khi quyết định có những trải nghiệm tình dục với người đàn ông gấp đôi tuổi mình.

Trong khi đó, A Serious Man (của anh em nhà đạo diễn Joel and Ethan Coen) kể về người thầy giáo tốt bụng, bị giằng xé bởi những chuyện không hay mà người thân của ông gây ra... Hay cái phức tạp, khó khăn của một vị giám đốc hãng phim thành đạt trong việc dung hòa các mối quan hệ với những người phụ nữ quanh ông như mẹ, vợ, người tình, nhân viên... trong phim Nine của đạo diễn Rob Marshall.

Có lẽ còn quá sớm để có thể nói ai trong những ứng viên này được tôn vinh tại lễ trao giải Oscar 2010 (dự kiến diễn ra vào ngày 7-3 -2010 tại Nhà hát Kodak, Los Angeles, Mỹ) nhưng với những hiệu ứng xã hội mạnh mẽ từ thông điệp gửi đi của các bộ phim này, cho thấy chiều hướng tôn vinh giá trị về những câu chuyện sự thật, gần gũi với đời sống của giải Oscar năm nay là có thể.

                                                                                                           Theo NLĐO
 

Các bài mới
Các bài đã đăng