Tạp chí Sông Hương -
Người đàn bà đẹp nhất thế giới
09:14 | 01/12/2009
Cách đây 500 năm dĩ nhiên người ta không tổ chức thi hoa hậu nhiều như ngày nay, song dường như có sự đồng thuận lớn khi chọn nàng Vệ Nữ của danh họa Sandro Botticelli thời Phục hưng làm người phụ nữ đẹp lý tưởng.
Người đàn bà đẹp nhất thế giới
Tác phẩm La Nascita Di Venere (Vệ Nữ ra đời) của Sandro Botticelli

Một bậc thầy khó tiếp cận

Không chỉ cuộc đời Sandro Botticelli (1445 - 1510) là một ẩn số lớn, mà các bức họa của ông cũng vậy. Nhưng chắc chắn hậu thế không đặt kỳ vọng nhiều vào việc giải mã các bí mật đó, vì đơn giản tranh của ông là một bữa tiệc lớn về thị giác cho người đời chiêm ngưỡng chứ không phải để nghiên cứu. Thậm chí còn là một niềm phấn khích khi người ta đặt thêm vài dấu chấm hỏi nữa về tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của Botticelli.

Một trong những sự kiện hy hữu là lần đầu tiên từ khi danh họa này qua đời cách đây ngót 500 năm, có một triển lãm tranh của ông trên đất Đức. Bảo tàng nghệ thuật Galleria degli Uffizi ở Florence (Italia) đã có một ngoại lệ lớn khi đồng ý cho thành phố Frankfurt am Main mượn một số lượng đáng kể tác phẩm của Botticelli, và không quên nhắc rằng sự kiện này khó thể lặp lại. Tiếc rằng bức Vệ Nữ ra đời phải ở lại Florence, bởi nó quá quý hiếm và mỏng manh để được rời khỏi Italia. Ai muốn chiêm ngưỡng tác phẩm này thì phải cất công sang tận đất nước bên bờ Địa Trung Hải.

Ít nhất là người Đức được phép vui mừng đón hơn 40 tác phẩm của Botticelli và một số nghệ sĩ cùng thời, không chỉ từ Florence, mà còn từ Vienna, Washington, Amsterdam, London, Berlin, Paris và Roma. Một lý do không nhỏ là Bảo tàng Staedel từ 200 năm nay có uy tín quốc tế lớn lao. Chính nơi đây sở hữu bức Vẻ đẹp lý tưởng của phụ nữ của Botticelli do Johann David Passavant mua năm 1849, thời điểm mà nghệ sĩ Italia còn chưa được đưa lên đỉnh cao hội họa.

Huyền thoại lãng mạn

Triển lãm tranh Botticelli đồng thời cũng là một câu chuyện đầy chất thơ được kể lại cho đời sau. Câu chuyện này bắt đầu với một nhân vật tên là Giuliano De' Medici (Bảo tàng Washington cho mượn chân dung Giuliano để triển lãm, dự đoán do Sandro Botticelli vẽ sau khi Giuliano qua đời). Gia đình Medici sống giàu có bằng nghề tín dụng ở thế kỷ 15. Ngay khi chưa được đặt chân vào giới quý tộc, họ đã tổ chức một cuộc đấu kiếm theo hình thức cung đình để kỷ niệm Giuliano đầy tuổi trưởng thành. Dĩ nhiên người thắng cuộc được sắp xếp là Giuliano và anh trai Lorenzo.

Theo đúng tập quán hiệp sĩ trong các dịp tương tự, Giuliano phải chọn một “nữ hoàng sắc đẹp” để hiến tặng giải thưởng vừa giành được của mình. Cô gái hạnh phúc đó tên là Simonetta Vespucci với vẻ đẹp duyên dáng được truyền tụng khắp thành Florence. Nhưng mối tình thầm kín này buộc phải giữ bí mật vì Simonetta đã yên bề gia thất, và nhất là không còn sống được bao lâu trên thế gian này. Ngày 26/4/1476, Simonetta qua đời vì lao phổi.

Hai năm sau đó, cũng vào một ngày 26/4, Giuliano bị hạ sát vì lý do chính trị. Anh trai của Giuliano là Lorenzo nhờ Botticelli vẽ chân dung em mình để gây dựng một không khí huyền bí xung quanh người em yểu mệnh.

Vô tình hay hữu ý, trong tất cả các chân dung phụ nữ mà Botticelli vẽ từ ngày đó trở đi đều ẩn một số nét của Simonetta. Trong bức Vẻ đẹp lý tưởng của phụ nữ tại Bảo tàng Staedel cũng vậy: Người đẹp chụp một tấm lưới lên tóc, thứ đồ trang sức ấy trong tiếng Italia là “tổ ong” (vespaio) - một liên tưởng đến cái họ Vespucci của Simonetta.

Họa sĩ của phái đẹp

Nhiều dữ kiện mà người ta biết về Botticelli (hay gán cho ông) bắt nguồn từ các ghi chép hồi năm 1568 của Giorgio Vasari, một người viết tiểu sử nghệ sĩ. Vào thời điểm đó thì Botticelli cũng đã qua đời gần 60 năm rồi, độ chính xác e chừng không cao, và nhất là có sự lo ngại về tính khách quan: Có nhiều lý do để đoán rằng Giorgio Vasari thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của Botticelli một cách thiếu thiện chí, chỉ vì muốn đề cao sự đóng góp của Michelangelo vào ánh hào quang thời Phục hưng.

Ví dụ Vasari viết rằng Botticelli là một người không được học hành tử tế, hoặc ông xa lánh nhà thờ Thiên Chúa khi chọn đề tài cho tranh của mình, mãi đến giai đoạn cuối đời mới chú ý tới chủ đề tôn giáo. Thực tế, hầu hết tranh của Botticelli hiện trưng bày ở Frankfurt đều mang đề tài tín ngưỡng, cho dù các motif thần thoại được chú ý hơn sau này. Đặc biệt các nhân vật phụ nữ trong bối cảnh thần thoại đều đẹp mê hồn và có một sức lan tỏa mạnh mẽ.

Một điều khó lý giải là người ta không được xem “nàng Vệ Nữ sinh ra từ bọt biển” bằng cặp mắt của một nhà giải phẫu cơ thể. Vì càng xem lâu thì càng rối trí hơn: cổ của nàng quá dài, đầu nàng nghiêng thiếu tự nhiên, vai trái xuôi xuống một vị trí mà không ai làm theo nổi. Vậy mà tổng thể bức tranh vẫn khiến người xem như bị bỏ bùa, không rời mắt được.

“Có thể”, nhà nghiên cứu văn hóa Ernst Gombrich phỏng đoán, “chúng ta nên nói là những quyền tự do mà Botticelli tự cho phép mình có được để tạo ra nét duyên dáng đã tăng thêm vẻ đẹp hài hòa của thân thể nàng Vệ Nữ. Ông đã sáng tác ra một tạo vật vô cùng mỏng manh và dịu dàng, một tặng vật được sóng đại dương xô đến bến bờ của chúng ta”.

                                                                                                 Theo TT&VH Cuối tuần






Các bài mới
Các bài đã đăng