Tạp chí Sông Hương -
Viacheslav Tikhonov sống mãi với “mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”
10:48 | 07/12/2009
Người Nga dùng từ “vĩ đại” để nói về ông, một diễn viên điện ảnh Xô Viết. Báo chí gọi ông là “trí thức của nền điện ảnh Nga”, rằng “ông và nhân vật của ông đã trở thành huyền thoại” của lịch sử văn hóa văn nghệ đất nước, rằng “ông là cả một thời đại”, “là lương tâm, là đạo đức” của nền nghệ thuật Xô Viết...
Viacheslav Tikhonov sống mãi với “mười bảy khoảnh khắc mùa xuân”
Nghệ sĩ Tikhonov.

Dân Nga còn gọi ông là Shtirlits hay Isaev, tên của sĩ quan tình báo Xô Viết trong bộ phim “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” (1973, đạo diễn Tatiana Lioznova). Họ còn thêu dệt rất nhiều giai thoại xung quanh nhân vật này. Những chuyên gia kinh tế thị trường nhanh nhạy không ít lần dùng hình ảnh Shtirlits để quảng cáo cho sản phẩm của mình. Gương mặt khắc khổ, nét mặt đăm chiêu, mắt sáng, lạnh và nghiêm – người nghệ sĩ Xô Viết đã khắc họa một hình ảnh điển hình cho người chiến sĩ quên mình vì Tổ Quốc, một anh hùng Liên Xô, đẹp, sắc sảo và cũng vô cùng lãng mạn.

Và bây giờ, cả nước Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ đang ngậm ngùi đưa tiễn người nghệ sĩ huyền thoại ấy về cõi thiên thu. Anh hùng lao động Liên Xô, nghệ sĩ nhân dân Liên Xô Viacheslav Vasilievich Tikhonov (1928-2009) qua đời vào chiều ngày 4-12-2009, hưởng thọ 81 tuổi. Hôm qua, gần hai ngàn nghệ sĩ Nga có mặt tại “Cung điện ảnh Matxcơva”, kỷ niệm 20 năm liên hoan phim quốc tế “Chòm tinh tú” đã dành năm phút mặc niệm tưởng nhớ người diễn viên tài hoa này. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, Thủ tướng Nga Vladimir Putin, cựu sĩ quan KGB, và những nhân viên tình báo quốc gia Nga đều cảm thấy sự mất mát lớn khi người nghệ sĩ thể hiện vai người tình báo viên huyền thoại Isaev qua đời.

“Những nghệ sĩ như Tikhonov dường như ngày càng ít đi”

Tatiana Lizionova, đạo diễn phim “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” đã thốt lên như thế, khi nghe tin Tikhonov qua đời. Cái tin ấy khiến bà bị lên một cơn huyết áp cao.

Tikhonov - hoàng thân Bolkonsky trong “Chiến tranh và hòa bình”


“Nghệ sĩ như Tikhonov”, ý đạo diễn muốn nói đến những nghệ sĩ hết lòng với vai diễn, với độc giả, có trách nhiệm với từng hành động, lời thoại, cử chỉ, ánh mắt của nhân vật. Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Tikhonov làm việc với hầu hết những nghệ sĩ danh tiếng của nền điện ảnh nước nhà, và được họ đánh giá rất cao. Đó là Sergei Gherasimov, Tatiana Lizionova, Sergei Bondarchuk, Stanislav Rostotsky, Mikhail Shveitser, Nokita Mikhalkov, Eldar Riazanov… Nhiều người trong số họ phát biểu rằng, Tikhonov biết giấu mình đi để nhân vật nổi bật lên, để sống cuộc sống của họ trên màn ảnh.

Nhà văn Aleksandr Kostuynin có kể lại, sau chuyến đi thăm nhà Tikhonov ở ngoại ô Matxcơva, rằng ở đó có tấm bảng gỗ đề như cột mốc trên đường cao tốc: “Pavlov Posad 60 km, Penkovo 440 km, Berlin 1750 km”. Đó là những địa danh gắn liền với cuộc đời của Tikhonov, với sự nghiệp diễn viên của ông. Pavlov Pasad – nơi ông sinh – một thành phố cổ ngoại thành Matxcơva. Penkovo – địa danh trong bộ phim đầu tiên đem đến cho Tikhonov sự yêu mến của khán giả và sự công nhận của giới phê bình điện ảnh, “Chuyện ở Penkovo”, trong đó Tikhonov thủ vai một anh chàng lái máy kéo. Berlin – đương nhiên rồi, đó là nơi đã xảy ra câu chuyện nổi tiếng của sĩ quan tình báo Isaev – Shtirtlits. Những vai diễn đã trở thành thân phận của chính người diễn viên như vậy đó!

Năm 1945, khi thi vào trường đại học điện ảnh toàn Nga, Tikhonov bị đánh trượt, nhưng lại được giáo sư Biblikov nhận vào học dự thính. Vị giáo sư đã nhìn ra bản chất diễn viên chân chính trong chàng thanh niên cả thẹn, lúng túng, hay đỏ mặt khi đọc một đoạn ngụ ngôn Krylov này. Và người học trò đặc biệt ấy đã không phụ lòng ông. Tikhonov học như điên, tham gia hầu hết các vở kịch sinh viên, làm thơ và đọc thơ của mình trên diễn đàn sinh viên, trong các buổi lễ hội…, rồi trở thành một diễn viên “vĩ đại” của nền điện ảnh Xô Viết. Xin điểm qua một vài vai diễn đáng nhớ của ông:

Khán giả Việt Nam, ngoài “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” (vai diễn được nhận giải thưởng nhà nước Nga năm 1976), “TASS được quyền tuyên bố”, “Họ chiến đấu vì Tổ Quốc”, “Taras Shevchenko”, “Con Bim trắng tai đen” (vai diễn được nhận giải thưởng Lenin năm 1980) còn biết đến Tikhonov trong “Gắng sống đến thứ hai” (1968, đạo diễn: S. Rostotsky, vai diễn được nhận giải thường nhà nước năm 1970), một bộ phim cảm động về nghề giáo. Tikhonov vào vai thày giáo dạy sử Melnikov, đồng thời cũng là chủ nhiệm lớp 9B. Thày không chỉ giảng bài, thày còn khuyến khích trò nói ra ý kiến của mình, khiến được chúng tìm đọc thêm sách vở bằng cách tranh luận rất nghiêm túc. Thày cũng có khi xử sự sai, quyết định không đúng, nhưng thày biết cách để trò thấy được cái tâm sáng của một nhà sư phạm qua biết bao cố gắng hiểu trò. Mà đối với những đứa trẻ mới lớn, điều này mới quan trọng làm sao! Nhiều người cho rằng, Tikhonov vào vai này còn sống động và đáng nhớ hơn cả vai Shtirlits. Họ nhớ giọng nói xúc động đầy ấn tượng của thày giáo khi kể với học sinh câu chuyện tình 40 phút và hàng trăm bức thư của một nhân vật lịch sử mà các em đang học, nhân vật chỉ được ghi vẻn vẹn 15 dòng trong sách giáo khoa! Đặc biệt là cảnh thầy giáo đọc cho một cô giáo khác nghe bài thơ của cậu học sinh bị coi là cá biệt. Đọc xong, thầy bỏ kính, mắt long lanh, từ đó phát ra một thứ ánh sáng đẹp và ấm áp – ánh sáng của tình người.

Năm 1967, Tikhonov thủ vai hoàng thân Bolkonsky trong bộ phim dã sử “Chiến tranh và hòa bình” của đạo diễn Bondarchuk. Tikhonov là diễn viên không thụ động, còn Bondarchuk là đạo diễn gạo cội và khá “rắn” so với các đạo diễn Xô Viết thời đó. Vì thế, trong thời kỳ quay bộ phim này, giữa hai người có một “cuộc chiến nhỏ” rất căng thẳng. Bondarchuk hay quát tháo, Tikhonov không chịu được điều ấy. Tikhonov hay đề xuất những chi tiết mà ông cho là cần thiết cho vai diễn của mình, Bondarchuk cương quyết phủ nhận những sáng tạo ấy. Tikhonov là người dễ bị tổn thương, nhưng lại biết cách kiềm chế và chịu đựng những tổn thương một cách âm thầm. Đó có lẽ là lý do duy nhất khiến hai người làm việc được với nhau trong “Chiến tranh và hòa bình”, rồi sau, trong “Họ chiến đấu vì Tổ Quốc”. Và sự chịu đựng, nỗ lực của người nghệ sĩ đã không uổng: “Chiến tranh và hòa bình” được trao giải Oscar!

Theo lời kể của nhà văn Anatoly Korolev, ban đầu, đạo diễn từ chối không trao vai này cho Tikhonov vì … đôi bàn tay! Bàn tay rắn rỏi lam lũ của một người công nhân, hợp với vai thợ điện, thợ tiện nhiều hơn là một vai quý tộc. Thêm nữa, đôi bàn tay ấy lại có những dấu mực xanh của hình xăm chữ “Slava” (Tên của Viacheslav, cũng có ý nghĩa là “Vinh quang”), đánh dấu một thời trẻ trung nông nổi của chàng thanh niên, người đã sớm tự lập từ thời nhỏ - 13 tuổi vào trường học nghề, sau đó làm việc một thời gian tại một nhà máy quân sự! … Nhưng cuối cùng, vai diễn vẫn về tay Tikhonov, và anh đã thể hiện một hoàng thân Bolkonsky không chê vào đâu được, chỉ có đôi bàn tay của “hoàng thân” luôn đeo một đôi găng trắng!

Sau này, năm 1973, khi Tikhonov vào vai Shtirlits, tất cả các đoạn quay cận cảnh, đặc tả đôi bàn tay người sĩ quan tình báo, người ta đều phải dùng đến diễn viên đóng thế.

Như trên đã nói, “Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân” và nhân vật chính của bộ phim vẫn còn cho những hình dung sống động ở thời điểm ngày hôm nay. Hàng trăm truyện tiếu lâm được bịa ra, hàng trăm giai thoại kỳ lạ được kể, gắn với nhân vật Shtirlits và đối thủ trực tiếp của ông là Schellenberg. Tikhonov rất bất ngờ khi biết nhân vật của mình và chính mình trở thành đề tài hài hước lưu truyền trong dân chúng. Những truyện kiểu như: “Shtirlits nhận được mật thư, giải mã lá thư, đọc kỹ và… đột nhiên đứng dậy vươn vai, bẻ tay răng rắc, khịt mũi, nở nụ cười hết cỡ. Trong thư viết: “Tikhonov, vai diễn đạt lắm, bây giờ có thể thư giãn đôi chút được rồi đấy!”… ban đầu khiến ông hơi khó chịu, nhưng sau, ông lại thích thú sưu tầm chúng.

Phải nói thêm là, phim của Lioznova là một trong số ít những phim thời ấy vượt qua được định kiến ấu trĩ cố hữu là “quân địch” lúc nào cũng xấu, dốt và thô tục, “quân ta” lúc nào cũng tuyệt vời. Chính những kẻ như sĩ quan SS Schellenberg hiện trên màn ảnh với vẻ rắn rỏi, thông minh, đầy nghị lực đã tạo nên một áp lực lớn cho Tikhonov. Vai diễn của ông phải rắn rỏi hơn, thông minh hơn, nghị lực hơn để có thể thắng kẻ thù trong nhiều ván cờ, mà thể hiện lại rất nhún nhường và tinh tế.

Tikhonov là diễn viên quen thuộc không chỉ với thế hệ người xem Xô Viết mà với điện ảnh đương đại của Nga, ông cũng vẫn có nhiều gắn bó. Ông không ngại tham gia các tiểu phẩm của tạp chí truyền hình trẻ em Eralash. Gần đây nhất, ông có vai Chúa Trời trong “Andersen. Cuộc đời không tình yêu” (2006) và “Mệt mỏi vì mặt trời” (sẽ ra mắt công chúng vào tháng 5-2010). Ông làm việc đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, vì “không thế, không sống bình thường được”.

Đạo diễn Astrakhan , người dựng bộ phim “Phòng chờ” (1995) đã nói về ông như thế này: “Khi ông xuất hiện trong khuôn hình, lập tức bộ phim có không khí!”. Đạo diễn Drruzhinina, người dựng “Chuyện ở Penkovo” đã xúc động nói khi nghe tin ông mất: “Tikhonov sống trong sáng và chết như thiên thần. Ngày ông qua đời là ngày lễ của đạo chính thống giáo. Chỉ những người tốt mới chọn ngày này để ra đi…”

Trong vai người thầy giáo dạy sử Melnikov


Nghệ sĩ nổi tiếng ngại… sự nổi tiếng!

Hai năm trước, trong một lần phải nằm viện hai tháng, Tikhonov đã rất vui mừng khi người ta chữa bệnh cho ông không mất tiền vì kính trọng ông như một nghệ sĩ lớn. Không phải ông “keo kiệt”, mà vì ông rất nghèo! Những năm gần đây, nghệ sĩ Tikhonov 80 tuổi, sống khiêm tốn, tằn tiện tại căn nhà ngoại ô Matxcơva của ông, chi tiêu chủ yếu trông vào đồng lương hưu nghệ sĩ. 80 năm ngày sinh của mình, ông cũng chỉ tổ chức kỷ niệm cùng vợ Tamara Ivanovna, con gái Anna và hai cháu trai sinh đôi của mình. Ông chưa từng kêu ca về “sự nghèo”. Ông sống thanh bạch và khiêm nhường đã quen, nhiều năm nay. Thậm chí, ra đường, đi chợ cũng tránh đám đông - nghệ sĩ nổi tiếng ngại sự… nổi tiếng.

Nghệ sĩ nhân dân Ukraine Raisa Nedashkova kể trên tờ «Ngày nay » ( ) về cuộc gặp mặt với Tikhonov, thần tượng của bà từ nhỏ: “Năm 1989, tôi được Tikhonov trao giải thưởng “Nika”, và tôi đã ôm hôn ông, nói: “Ước mơ của tôi thế là đã thành hiện thực!”. Ông là thần tượng của tôi, một người thật đẹp! Tikhonov khi ấy đỏ mặt. Ông là một người hiền hậu, trí thức và khiêm nhường vô cùng”.

Cuộc sống riêng tư của Tikhonov cũng bình lặng, không có “scandal tình ái” như nhiều diễn viên nổi tiếng khác. Trong đời, ông có hai người đàn bà. Người vợ đầu tiên, Nonna Mordiukova, ông gặp khi tham gia đóng bộ phim khởi đầu nghiệp diễn: “Đội cận vệ đỏ” (1948). Lấy nhau, khi Tikhonov đang là sinh viên năm thứ 4 trường Đại học điện ảnh, họ sống khá chật vật trong một căn nhà nhiều hộ. Cuộc hôn nhân kéo dài 13 năm, năm 1963 thì tan vỡ. Năm 1968, Tikhonov xây dựng gia đình với Tamara, một phiên dịch viên tiếng Pháp.

Ngay từ khi đôi trẻ yêu nhau, các đạo diễn, bạn diễn đã bảo: “Chẳng mấy chốc mà tan đàn sẻ nghé thôi” vì họ là những tính cách quá khác nhau. Nonna mạnh mẽ và đam mê, Tikhonov bình tĩnh và giản dị hơn. Dù thế nào, họ vẫn từng yêu nhau say đắm và có những ngày hạnh phúc. Nhưng cuộc sống phức tạp giữa hai nghệ sĩ dưới một mái nhà, sự lo lắng về cơm áo gạo tiền, những va chạm cỏn con hàng ngày đã dần khiến tình yêu lùi lại xuống hàng thứ hai của những điều đáng quan tâm. Nonna đã có những đêm khóc thầm trong những ngày lễ, những ngày sinh nhật của mình mà chồng chẳng hề một lời chúc mừng, không một bông hoa tặng vợ. Tikhonov vô tâm, hoặc coi nhẹ những nghi lễ câu nệ “hình thức” như thế. Có dư luận rằng, Nonna đã từng phản bội Viacheslav. Không biết sự thật thế nào, nhưng sau khi li dị, hai người hầu như cắt đứt mọi quan hệ. Con trai Vladimir của hai người, năm ấy 13 tuổi, đã rất đau khổ vì sự chia tay của cha mẹ. Cậu sớm rơi vào con đường nghiện hút và năm 1990, Vladimir qua đời vì sốc thuốc. Cả hai người đều có một thời gian dài suy sụp tinh thần sau cái chết của con trai. Tikhonov cho rằng, số phận bi thảm của Vladimir một phần do ông gây ra! Những ngày cuối đời, Tikhonov thổ lộ rằng, khi nằm xuống, ông muốn được mai táng bên cạnh con trai, ở nghĩa trang Novodevichie. Và chỉ mấy ngày nữa thôi, ông sẽ được toại nguyện.

Cho đến cuối đời, Nonna Mordiukova vẫn mang trong tim tình yêu với Tikhonov, khắc khoải mong ông tha thứ. Theo lời kể của em gái Nonna, hai người đã bỏ qua cho nhau những chuyện không hay, vào những ngày cuối cùng trước khi Nonna qua đời (7-2008), họ đã gọi điện trò chuyện với nhau.

Cách đây không lâu, trên kênh truyền hình “Rossia” chiếu bộ phim tài liệu về nghệ sĩ Tikhonov, với cái tên theo ông là kỳ lạ: “Nhân vật cuối cùng, Viacheslav Tikhonov”. Sao lại nhân vật? Hay anh hùng… cuối cùng? (Trong tiếng Nga, hai từ này đồng âm). Ông nói: “Chúng ta có biết bao nhiêu nhân vật tuyệt vời, và vẫn sẽ còn có…” Trong bộ phim đó, Tikhonov đã nói khá nhiều, đã “dùng rất nhiều năng lượng và sức lực” của mình để hồi tưởng lại quãng đời nghệ sĩ đáng tự hào, đáng nhớ.

Đó là hình ảnh cuối cùng, gần nhất, mà công chúng được nhìn thấy ông. Là lần đầu tiên và lần cuối cùng ông nói về mình nhiều đến thế.

                                                                                                     Theo VietNamNet





Các bài mới
Các bài đã đăng