Tạp chí Sông Hương -
Thiên tài Chaplin và nỗi ám ảnh từ bi kịch của người mẹ
10:53 | 07/12/2009
Trước đây người ta vẫn cho rằng, những nét bi kịch trong các bộ phim câm của Charlie Chaplin là “dư chấn” từ tuổi thơ đầy khốn khó lang thang trên đường phố ở London (Anh) và cái chết sớm của người cha do nghiện rượu. Nhưng theo cuốn sách mới xuất bản của nhà tâm lý Stephen Weissman, nguyên nhân chính gây nên nỗi buồn của Vua hề lại chính từ người mẹ xinh đẹp Hannah.
Thiên tài Chaplin và nỗi ám ảnh từ bi kịch của người mẹ
Nhiều nhân vật đã được Charlie Chaplin sáng tạo ra từ sự trưởng thành đầy khốn khó của mì

Weissman đưa ra các chứng cứ cho thấy bà Hannah - ngôi sao âm nhạc với nghệ danh Lily Harley - đã có một thời tuổi trẻ làm gái làng chơi và sau này phải chịu hậu quả đầy bi kịch. Người mẹ của Chaplin từng bị mắc bệnh giang mai - vốn không dễ dàng chữa khỏi trong thế kỷ 19 - và căn bệnh này đã khiến bà bị suy sụp nghiêm trọng tới mức phát điên. Điều đó đã ám ảnh Chaplin suốt cuộc đời.

Trong cuốn tự truyện mà Vua hề xuất bản năm 1964 có chương đầu hết sức cảm động mà ông viết về những cố gắng đầy khó nhọc của mình trong thời thơ ấu ở Nam London, nhưng Chaplin chỉ đổ lỗi đó là do tình trạng tâm thần của người mẹ. Hiện thực này đau buồn đến mức Vua hề giấu cả những người con của mình và chính vì thế mà người con gái lớn của ông - nữ diễn viên Geraldine Chaplin - từng có ý định ngăn cản việc xuất bản cuốn sách đào sâu vào quá khứ bi kịch đó.

Theo nghiên cứu của Weissman thì bà Hannah là con gái một người làm giày và rời khỏi nhà từ năm 16 tuổi. Bà đã tạo danh tiếng cho mình là một ngôi sao âm nhạc thính phòng trong thời Victoria . Hannah yêu diễn viên Charles Chaplin Sr., người mà bà đã gặp khi cả hai tham gia diễn xuất trong một vở opera. Vốn mơ mộng và thường nghĩ đến câu chuyện từ một người nghèo trở nên danh giá và giàu có của người vợ Hoàng đế Napoleon là bà Josephine, Hannah nói rằng mình bị Charles hấp dẫn bởi ông có nét giống với Hoàng đế Pháp. Nhưng ba năm sau đó, bà đã từ bỏ Charles và tới Nam Phi với người tình mới - Sydney Hawkes, nhân vật tự cho mình là một quý tộc giàu có.

Bà Hannah - mẹ của Charlie Chaplin

Nhưng cuốn sách của Weissman lại cho thấy thực ra Hawkes chỉ là một tên ma cô, kẻ đã đưa Hannah tới thành phố Witwatersrand và buộc bà làm việc như một gái làng chơi trong các phòng khiêu vũ để phục vụ những kẻ đào vàng hám sex. Cuộc sống giữa những người từ khắp thế giới tới đây tìm kiếm vận may vô cùng khắc nghiệt. Năm 1884, mặc dù đang mang thai đứa con của Hawkes nhưng Hannah đã quyết định trở về Anh và tìm kiếm Charles. Con trai của Hawkes - tên là Sydney - được sinh ra vào năm sau đó trong khi bà đã nối lại tình xưa với Charles và cùng làm việc trên sân khấu London. Năm 1886, họ kết hôn và sinh ra Charlie Chaplin vào năm 1889. Cậu con trai này vô cùng ngưỡng mộ mẹ và thường nhắc đến vẻ đẹp của bà với đôi mắt màu tím, mái tóc thẳng dài. Chaplin cũng thường trìu mến nhớ đến việc mẹ mình đã thể hiện các vai diễn như thế nào, trong đó có nhân vật gái điếm hạng sang thế kỷ 17 Nell Gwyn, người tình của Vua Charles II.

Nhưng Hannah không phải là một nữ diễn viên sang trọng hay người vợ chung thủy như con trai bà từng tưởng tượng. Vì chỉ một thời gian ngắn sau đó, bà lại rời bỏ cha của Chaplin, lần này là đi theo một diễn viên nổi tiếng hơn - Leo Dryden - và có con với ông ta. Sau khi Dryden từ bỏ Hannah và mang theo đứa con trai, bà buộc phải trở lại với sân khấu nhưng trình diễn ở những nhà hát nhỏ hơn để kiếm tiền nuôi hai cậu con trai. Bà thậm chí còn đem cầm cố những bộ phục trang lộng lẫy để chi trả tiền thuê nhà. Cuối cùng sự nghiệp của Hannah kết thúc trong một đêm diễn khi nữ nghệ sĩ này bị mất giọng, khiến khán giả la ó đuổi bà rời khỏi sân khấu. Đứng sau cánh gà, cậu bé Chaplin 5 tuổi đã chứng kiến toàn bộ sự việc. Nhưng nhờ có tài bắt chước, cậu bé đã “thế” vào chỗ của mẹ và hoàn thành màn diễn.

Trong những tháng tiếp theo, Chaplin phải đối diện với thực tế tồi tệ hơn. Bà Hannah bắt đầu bị chứng đau nửa đầu. Những cơn đau đầu thường kéo dài tới một tháng khiến bà không thể trông nom được hai con trai và chúng bị đưa vào nhà tế bần. Năm lên 7 tuổi, Chaplin bị đưa tới trại trẻ mồ côi, nơi mà ông rất ghét. Khi đã hồi phục sức khỏe, Hannah đón các con về nhưng từ đây bà đã trở thành một người khác. Bị ám ảnh với sức khỏe tồi tệ, bà cố gắng đến với tôn giáo để tìm cách chữa bệnh. Và thay vì đứng trên sân khấu, buổi tối bà diễn những cảnh trong Kinh thánh cho các con trai xem ở nhà. Tất nhiên, thời điểm ấy, Chaplin chẳng hề nghĩ mẹ mình có điều gì đó không ổn. Năm 1898, bà bị chẩn đoán mắc chứng loạn thần kinh giai đoạn ba. Năm 1921, anh em Chaplin đưa mẹ sang California (Mỹ) và đến năm 1928 thì bà qua đời.

                                                                                                               Theo TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng