Cho đến nay đã có gần 900 di sản văn hóa và thiên nhiên được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Bên cạnh đó, còn có vô số các di sản khác đã qua thử thách của thời gian và được đánh giá cao về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Các di sản kiến trúc và khảo cổ vẫn được coi là một niềm tự hào của nhiều quốc gia song chúng cũng đang bị sự biến đổi khí hậu toàn cầu đe dọa.
Peter Brimblecombe, chuyên gia về khí quyển thuộc Trường Đại học (Anh), nói rằng tác động của sự biến đổi khí hậu đến các di sản văn hóa chưa ăn sâu vào ý thức của công chúng. Ông cho biết việc mặt nước ngầm tại Anh hạ thấp khiến các đường hầm cổ bị khô nứt, còn sự thay đổi chu trình phân bố mưa ở sa mạc Sahara gây hại tới những công trình kiến trúc lớn được xây bằng bùn. Song việc gì cũng có hai mặt - trong một số trường hợp, sự biến đổi khí hậu lại làm lợi cho các di sản. Chẳng hạn, mức độ sương mù ở Anh hiện nay đã giảm so với trước. Như vậy thì các công trình kiến trúc tại nước này đỡ bị thời tiết ẩm ướt và băng giá làm xuống cấp.
Viện Fraunhofer của Đức đang thực hiện công trình nghiên cứu mang tên Khí hậu đối với văn hóa. Ralf Kilian, chuyên gia giàu kinh nghiệm ở Viện Fraunhofer, cho biết nhóm những nhà khoa học do ông phụ trách đang theo dõi tình trạng của các nhà thờ ở bang Bavaria và trên bờ biển Thụy Điển sẽ đánh giá ảnh hưởng của khí hậu đối với vật liệu xây dựng. “Chúng tôi sẽ thẩm định mức độ hư hại và cố gắng tìm hiểu mối liên quan giữa việc này với sự biến đổi khí hậu”, Kilian giải thích.
Viện Fraunhofer hiện đang hợp tác nghiên cứu với các đối tác của 16 nước. Kilian nói: “Chúng tôi muốn tìm hiểu đặc điểm khí hậu ở các nước khác nhau và các công trình lịch sử ở đó phải phải đối diện với những vấn đề gì”.
Ông Brimblecombe thì quan tâm tới việc đặt nền tảng cho thế hệ những nhà nghiên cứu mai sau về tác động của biến đổi khí hậu đối với các di sản thế giới. “Chúng ta phải để lại dữ liệu cho các nhà khoa học tương lai. Họ sẽ thấy rõ sự ấm lên của trái đất ảnh hưởng tới các di sản thế giới ra sao”.
Theo TT&VH
|