Tối 8/12, tứ tấu Signum (Đức) đã kết thúc Liên hoan Âm nhạc châu Âu 2009. Bốn nghệ sĩ Kerstin Dill (violin), Annette Walther (violin), Xandi Van Dijk (viola) và Thomas Schmitz (violoncello) đã trình tấu các tác phẩm của Joseph Haydn, Wolfgang Rihm và Felix Mendelssohn Bartholdy. Đây là lần đầu tiên nhóm tứ tấu hàng đầu của Đức đến thăm và biểu diễn ở Đông Nam Á.
Gây ấn tượng mạnh nhất đối với khán giả là bản hòa tấu của một tác giả đương đại người Đức - Wolfgang Rihm (1952) - với những kỹ thuật trình diễn mới mẻ và kịch tính căng thẳng, day dứt, quyết liệt được thể hiện trên đàn dây - vốn là biểu tượng của sự dịu dàng.
Tứ tấu cho đàn dây "Movement" dẫn dắt người nghe bởi hàng loạt những sự chuyển động không ngừng nghỉ của cuộc sống. Cây violoncello Thomas Schmitz làm người dẫn chuyện và xung quanh nó là hành trình của những tiếng động từ sáng sớm tinh sương cho tới lúc ban chiều, có cả nỗi ngập ngừng khi đất trời vào tối, sự thở than cô quạnh của mỗi thân phận và cả những quẫy đạp gào thét không nguôi trong tâm tưởng mỗi người khi một mình hay lúc hiện diện giữa đám đông...
Khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ vẫn đầy chật người nghe nhạc như các chương trình khác của Liên hoan Âm nhạc châu Âu. Điều đó chứng tỏ sức hút của "thương hiệu" mà liên hoan đã xây dựng được qua hàng chục năm liên tục bền bỉ tặng vé miễn phí.
Tuy nhiên, đông chưa hẳn đã là vui. Nhiều người vẫn dẫn theo các em bé. Đây là điều tối kị khi đi thưởng thức giao hưởng, thính phòng. Bởi các em còn nhỏ nên chưa biết im lặng và thường làm ảnh hưởng đến khán thính giả xung quanh. Nhưng ngay cả người lớn cũng "thiếu chuyên nghiệp" bởi cứ hồn nhiên đến muộn, vô tư đi lại ngó nghiêng tìm chỗ trống. Do ảnh hưởng của thời tiết cộng thêm gió từ những chiếc quạt trần bật vù vù hết công suất, nhiều người đã nhiễm lạnh, và tiếng ho cứ nối nhau dai dẳng từ đầu đến cuối khán phòng.
Nhà hát Tuổi trẻ vốn dành cho sân khấu kịch cho nên quá hạn hẹp khi nhạc Jazz, World Music biểu diễn và cũng trở nên quá bất cập khi cần tinh tế như giao hưởng thính phòng. Tường và trần nhà hát không được thiết kế để tôn âm thanh mộc của những cây đàn quý giá cho nên đã nuốt hết những phần âm thanh đẹp đẽ nhất. Tiếng đàn của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất nước Đức với trình độ biểu diễn tầm thế giới bỗng nhiên trở nên khô khan với những đôi tai chuyên nghiệp. Trong không khí đó, lại thêm nhiều tràng pháo tay không đúng lúc vang lên giữa các chương nhạc - là lúc cần tĩnh lặng để nhạc công nhập tâm tuyệt đối với tinh thần của bản nhạc - khiến những khán giả "hồ hởi" bày tỏ sự "chưa đủ trình độ"...
Theo VietNamNet
|