Affresco
Có lẽ cũng nên bỏ chút thời gian để tìm hiểu một kỹ thuật đặc biệt của tranh tường mà người Italia quen gọi bằng từ affresco, cho dù họ không phải là những người phát minh mà chỉ vì nhiều tác phẩm nổi tiếng vẽ kiểu affresco từ thời Trung Cổ ở La Mã còn được giữ lại. Affresco không phải là tranh tường đơn thuần, mà được vẽ bằng nước vôi đặc (pha màu) lên lớp vữa mới đắp còn ẩm (fresco). Nhờ phản ứng hóa học, màu được quyện chặt vào nền để đạt tuổi thọ cao, song họa sĩ cũng không có điều kiện sửa chữa những nhát cọ vẽ sai. Họa sĩ cần nhanh tay, vì vữa đã khô thì các mảng màu sẽ không ăn nhập vào nhau, tạo ra những gờ xấu xí mà chỉ cần nhìn nghiêng là có thể thấy. Ai chậm chạp thì vẽ tiếp lúc khô, khi ấy gọi là secco (khô). Các tác phẩm khổ lớn của Michelangelo, Raphael hay Domenico Ghirlandaio đều được hoàn tất trong nhiều tháng, tức là phải sử dụng cả hai kỹ thuật.
Ở ta thường dùng các từ “tranh nề” hoặc “tranh vữa” để gọi tranh fresco, song đó cũng chỉ là khái niệm học thuật chứ chẳng ai thực hành. Chớ nhầm rằng lớp vữa ẩm ở đây là loại mới trộn được đắp trên tường. Lớp vữa đặc biệt này được trộn riêng và giữ ẩm rất lâu trước khi đắp để triệt độ kiềm trong vôi. Thời xưa người ta giữ ẩm những mẻ vữa như thế từ 5 đến 10 năm để đợi một Michelangelo hay Raphael thiên tài ghé qua...
Kho báu trong nhà
Ông Tarcisio De Paolis sống cùng vợ ở
Civitavecchia , thành phố cảng xa Roma chừng một giờ ô tô. Năm 1972, trong lúc rỗi rãi, ông Tarcisio gõ lớp vữa ở tường phòng ngủ để xây thêm một buồng tắm mới rộng hơn và khám phá ra những nét vẽ lờ mờ mang phong cách Phục hưng. Là một công dân gương mẫu, ông báo cho Bộ Văn hóa Italia biết. Như dễ đoán, người dân Nam Âu nắng gió có những vui thú khác và chẳng ngó ngàng gì đến báu vật này. Bà Teresa De Paolis kể: “Họ vác dụng cụ đến đây, cạo mấy vệt trên tường để xem xét rồi đi mất, không thấy trở lại. Tôi sốt ruột đợi mãi, sau đó chúng tôi mua tấm thạch cao chặn đè lên”. Cũng có lần vài nhà khoa học đến xin vào xem nhưng bị ông bà từ chối.
Ngày nọ, phóng viên Alvaro Ranzoni giật mình khi tình cờ biết căn hộ nhà De Paolis ăn lấn vào một chòi gác cổ, hình như đó là một phần của pháo đài bảo vệ cảng phía Tây Roma ngày xưa. Ông tìm đến nghe chuyện của người chủ nhà Tarcisio De Paolis: “Thoạt tiên hình thanh kiếm của Thánh Petrus phát lộ. Sau khi gỡ thêm một ít vữa thì tôi thấy bàn tay và cả cánh tay hiện ra”. Khi toàn bộ bức fresco lộ ra, người ta dễ nhận thấy đây là phiên bản một cảnh trong bộ tranh tường Stanza Di Eliodoro ở . Nếu các nhà khoa học không nhầm thì tác giả của nó là Ugo Da Carpi, một học trò của danh họa Phục hưng Raphael (1483-1520). Raphael nổi tiếng nhờ bố cục tranh thánh rất hài hòa và ông cũng là người vẽ gương mặt Đức Mẹ được nhà thờ ưng ý nhất. Cho đến đầu thế kỷ 19, Raphael vẫn được coi là họa sĩ vĩ đại nhất mọi thời. Giáo hoàng phong ông làm tổng giám sát nhà thờ xứ Roma và nhiều công trình kiến trúc khác.
Khác thường
Bà Nicole Dacos, chuyên gia về Raphael và là giáo sư dạy lịch sử nghệ thuật tại Đại học Brussels (Bỉ), gọi tác phẩm được tìm thấy ở nhà De Paolis là “hoàn toàn khác thường”, vì trong lịch sử không có sự kiện nào tương tự. Theo bà Dacos, có thể một sĩ quan hoặc nhà quý tộc hay đi lại giữa Roma và
Civitavecchia đã sai vẽ phiên bản này. Ngày ấy
Civitavecchia là nơi mà hạm đội của Giáo hoàng đồn trú.
Stanza Di Eliodoro là một trong bốn phòng nghỉ của Giáo hoàng Julius II thời đó. Ngài sai Raphael và các học trò trang trí những căn phòng của mình bằng tranh tường. Hiện nay đó là một phần trong Bảo tàng
Vatican bên cạnh nhà nguyện Sistine.
Các phiên bản ở
Civitavecchia gần to bằng bản gốc và đã hư hại nặng, hiện sót lại chừng 50m², chỉ một số mảng còn nhận ra được rõ ràng. Do Bộ Văn hóa Italia quá lề mề mà ông bà De Paolis được ngủ ngon thêm gần 40 năm nữa, cho đến khi các chuyên gia rầm rập kéo đến nghiên cứu. Theo đề nghị của giáo sư Dacos, căn nhà này sẽ được cải tạo thành một bảo tàng nho nhỏ để giới thiệu bức fresco với quảng đại quần chúng.
Ông bà De Paolis tuyên bố rằng, dĩ nhiên họ sẽ vui lòng cống hiến căn nhà của mình cho mục đích cao cả trên, nếu được... bồi thường “một ngôi nhà nho nhỏ”. Chả gì thì họ cũng mến mộ Raphael và tin vào một điềm báo sớm: Ngày thành hôn hồi thập niên 1960, vợ chồng De Paolis đã được tặng chiếc đĩa treo tường có vẽ một cảnh trích từ Stanza Di Eliodoro!
Theo TT&VH Cuối tuần
|