Theo ông Nguyễn Đăng Chương - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), vì quá bận nên Hội diễn năm 2009 phải bước sang năm 2010 mới có thể tổ chức.
Hội diễn năm nay quy tụ 11 đơn vị tham gia với 23 tác phẩm đặc sắc đã được lựa chọn kỹ lưỡng. Trong đó, có những vở diễn đáng chú ý như: Huyền Trân công chúa (Nhà hát tuồng Việt ), Dời đô (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng), Đắng trong hạnh phúc (Đoàn ca kịch Quảng )…
“Sẽ có nhiều thay đổi trong tiêu chí giải thưởng năm nay. Cụ thể là trong số 13 tác phẩm, BTC sẽ gút lại 1/3 để xét trao giải. Ngoài ra, 30% số diễn viên (những người có tên nhân vật được phân vai) cũng sẽ được gút vào danh sách trong gần 700 người tham gia lần này được xét để trao giải diễn viên xuất sắc” - Ông Chương cho hay.
Ông Chương cho biết thêm, đây là hoạt động trọng tâm của ngành NTBD nhằm hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ngoài ra, mục đích của hội diễn còn để các đơn vị nghệ thuật gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm.
“Vậy nhu cầu thưởng thức tuồng của khán giả sẽ được quan tâm ra sao trong dịp hội diễn cũng như dịp Tết và thời gian tới?”.
“Làm sao nghệ thuật tuồng hút khán giả, đó cũng là trăn trở của chúng tôi hiện nay. Không thể nói rằng khán giả quay lưng với tuồng, mà các đơn vị phải soi lại mình đã có vở tuồng nào thực sự chất lượng, tác phẩm nào hay để phục vụ khán giả. Đó là bài toán cực kỳ khó trong thời gian này” - Ông Nguyễn Đăng Chương nói.
NSND Trần Đình Sanh - GĐ nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, bùi ngùi: “Nói thật, đời sống của anh em diễn viên nghệ thuật tuồng hiện rất khổ. Phải yêu nghề lắm và cố gắng nhiều, tay trái nuôi tay phải thì mới trụ được. Âu đó cũng là tình hình chung của nghệ thuật tuồng cả nước”.
Theo ông Trần Đình Sanh, tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, có thể khán giả ngày càng ít hơn, nhưng một điều an ủi là ngày càng nhiều khán giả chất lượng.
“Nghĩa là số khán giả này thực sự yêu thích tuồng, đa phần là học sinh. Chúng tôi đã đào tạo nghệ thuật tuồng tại 6 trường PTTH, không có tham vọng biến các em thành diễn viên tuồng, nhưng đưa được niềm đam mê, nét đẹp của nghệ thuật tuồng vào lớp trẻ là quý lắm rồi” - Ông Sanh chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Chiến - Phó GĐ Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, toàn bộ 13 vở diễn của hội diễn lần này sẽ được diễn tại nhà hát Trưng Vương, không bán vé.
“Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn những hàng ghế tốt để phục vụ khán giả. Giấy mời cũng đã được chuẩn bị sẵn, ai có niềm đam mê thưởng thức nghệ thuật tuồng đều được nhận giấy mời. Ngay tại tiền sảnh nhà hát Trưng Vương. Nói chung là mời và nhiệt liệt chào mừng khán giả tới xem”.
Cũng theo ông Chiến, trong các ngày tại hội diễn (8 đến 15-1), Sở VH-TT&DL Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện để các đoàn tuồng về diễn tại cơ sở, địa phương. “Chúng tôi sẽ kết nối, tạo điều kiện nơi ăn chốn ở, đi lại, địa điểm… để nghệ thuật tuồng đến với công chúng” - ông Chiến nói.
Theo TP
|