Trong hàng chục tham luận tại Hội nghị Quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (5-10/1), các đại biểu quốc tế đã phản ánh khá cụ thể "đời sống" của tác phẩm văn học Việt trên thị trường sách nước ngoài.
Theo đó, sách văn học Việt thường rất khó bán ở nước ngoài. Vấn đề kinh tế, lợi nhuận là một trong những yếu tố khiến nhiều nhà xuất bản ngại ngần khi đầu tư vào sách Việt . Tại Hàn Quốc, nơi Việt Nam có mối quan hệ giao lưu văn hóa rất chặt chẽ, số đầu sách văn học Việt xuất bản ở đây cũng khá ít ỏi. Theo thống kê của giáo sư Ahn Kyong Hwan (Đại học Chosun), từ 1992 đến 2009, chỉ có khoảng 13 đầu sách văn học Việt Nam được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc với số lượng hạn chế như: Nhật ký trong tù (2.000 bản năm 2003), Truyện Kiều (1.000 bản năm 2004)...
Ông Gunter Giesenfeld Vorsitzender, Chủ tịch hội Hữu nghị Đức - Việt, dù rất yêu văn học Việt Nam vẫn thật lòng thừa nhận, sách văn học Việt xuất bản ở Đức thường chỉ in không quá 1.000 bản và hiếm khi bán hết. Tháng 10/2008, một cuốn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vừa được giới thiệu tại Đức với 1.000 bản in, nhưng đến nay mới bán được khoảng 200 bản. Ông giải thích: "Thị trường sách Đức dành thị phần rất nhỏ cho sách dịch. Chính vì vậy, nhà xuất bản thường chỉ để mắt đến các tác phẩm thuộc hàng best-seller nhằm mang lại lợi nhuận".
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với các thị trường sách Mỹ, Thụy Điển, Trung Quốc. Giáo sư người Trung Quốc Chúc Ngưỡng Tu cho biết: "Năm 2008, Trung Quốc xuất bản 275 nghìn đầu sách với tổng số in là 7 tỷ cuốn. Trong đó, sách văn học dịch chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Trung Quốc chủ yếu dịch các tác phẩm cổ điển nổi tiếng và những đầu sách của các tác giả đoạt giải Nobel". Cuốn Ông cố vấn của nhà văn Hữu Mai được ông dịch sang tiếng Trung, là một trong những tác phẩm thành công về mặt doanh thu. Nhưng NXB ở Trung Quốc đã phải tìm cách "câu" độc giả với cái tên "thương mại" hơn: Tuyệt đối bí mật - vụ án gián điệp lớn nhất trong cuộc chiến Việt Nam.
Ông Styrbjorn Gustafsson - giám đốc NXB Trana, Thụy Điển - nhận định, cánh cửa dành cho văn học vùng Á - Phi vào Thụy Điển là rất hẹp, bởi: "Thụy Điển đang sống trong một căn phòng mà cửa sổ chỉ mở về phía thế giới Anh - Mỹ".
Sách khó bán, số lượng bản in ít ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của dịch giả. Và thực tế này chi phối đến tình yêu dành cho những tác phẩm văn học Việt . Giáo sư Chúc Ngưỡng Tu phân tích: "Tiền nhuận bút cho văn học dịch thông thường chỉ có 40 - 60 tệ (100.000 - 160.000 đồng) cho một nghìn chữ, trong khi mức thù lao làm dịch vụ phiên dịch kinh tế cao tới 200 - 300 tệ (500.000 - 800.000 đồng). Dịch văn học đã không nuôi nổi miệng ăn thì phải là người say mê văn học Việt và có tình cảm gần gũi đất nước này mới có nhiệt tình dịch".
Xuất phát từ thực tế này, khi đề xuất giải pháp cho quảng bá văn học Việt , nhiều đại biểu quốc tế đã gặp gỡ ở một giải pháp: đầu tư kinh phí lập quỹ hỗ trợ văn học dịch. Ông Chúc Ngưỡng Tu nói: "Có lắm vấn đề cần được giải quyết để giới thiệu văn học Việt ra nước ngoài. Nhưng xét cho cùng thì vẫn phải quay lại với một câu nói gần như trở thành tục ngữ là: Vấn đề đầu tiên là tiền đâu". Ông đề nghị lập quỹ dịch thuật, tài trợ ban đầu cho dịch giả và nhà xuất bản, đồng thời thành lập giải thưởng văn học dịch, vinh danh các dịch giả có đóng góp lớn với văn học Việt .
Dịch giả Lady Borton (Mỹ) cũng cho rằng, việc hỗ trợ văn học dịch là một điều cần thiết trong bối cảnh văn học Việt Nam chưa đủ hấp lực để "hữu xạ tự nhiên hương" như hiện nay.
Chia sẻ ý kiến này, ông Gustafsson lấy ví dụ về cách làm của Thụy Điển. Nhằm khắc phục tình trạng chạy theo best-seller, bỏ rơi những tác phẩm chất lượng nhưng khó bán của các nhà xuất bản, hội đồng nghệ thuật Thụy Điển đã hỗ trợ cho một số tác phẩm có chất lượng cũng như việc dịch văn học Thụy Điển ra nước ngoài. Một đất nước có tới 6 giải Nobel Văn học nhưng vẫn chi tiền để quảng bá văn học nước mình ra thế giới.
Tất nhiên, yếu tố vật chất, như trong mọi lĩnh vực khác, đóng vai trò quan trọng trong việc xuất khẩu văn học. Nhưng điều kiện tiên quyết, theo các dịch giả, vẫn là giá trị và chất lượng của bản thân nền văn học Việt . Giáo sư Chúc khẳng định: "Tác phẩm giới thiệu ra nước ngoài phải là tác phẩm hay và mang đậm sắc thái dân tộc Việt ... Nếu tác phẩm có nội dung chung chung, tầm thường thì không thể gây hứng thú cho họ được".
Chính vì vậy, dù ít, cũng đã có những tác phẩm văn học Việt khẳng định được sức sống của mình ở xứ lạ. Đó là những trường hợp thành công của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và các tác giả được xuất bản sang Thụy Điển gần đây như: Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Thị Vàng Anh, Ma Văn Kháng... Điều này đã khích lệ các nhà làm sách Thụy Điển tìm đến Việt với niềm hy vọng lớn về những giá trị văn hóa, văn học ở một đất nước bé nhỏ.
Theo eVan
|