Năm 2009, chỉ riêng Ðài Truyền hình Việt đã phát sóng khoảng 1.000 tập phim truyện truyền hình mới. Số lượng phong phú, đề tài mà các nhà làm phim theo đuổi khá đa dang, nhưng chất lượng phim chưa tương xứng và hiệu quả xã hội không cao. Hầu như mở các kênh từ analog, truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, v.v, kênh nào cũng thấy có PTTH Việt Nam, nhiều đến mức tưởng như bão hòa và số phim hay không nhiều. Theo nhà biên kịch Ðoàn Minh Tuấn: "Phần lớn PTTH Việt là phim hiện thực chứ đâu phải phim cổ tích mà nhân vật lại dễ khóc đến thế? Trên màn ảnh nhỏ, nông dân khóc, công nhân khóc, bộ đội khóc, doanh nhân cũng khóc. Khán giả không thích thư giãn bằng tiếng khóc mà thích những nhân vật mạnh mẽ, có quyết tâm, có nghị lực vượt qua khó khăn, vượt lên nỗi đau để đương đầu với thử thách...". Trong các bộ phim, khó tìm thấy đôi mắt dịu dàng, sâu thẳm thủy chung và đầy tin cậy. Ða số diễn viên trong phim của ta, nam cũng như nữ, già cũng như trẻ, đều có ánh mắt dữ tợn, nhiều cảnh phim: con nhìn cha uất hận, vợ nhìn chồng như muốn thiêu cháy, sếp nhìn thư ký đầy nham hiểm, đối tác nhìn nhau đầy âm mưu. Nhiều phim sa vào chi tiết khá vụn vặt như chuyện nói xấu nhau của phụ nữ ở văn phòng, người nọ tìm cách hại người kia. Phim thì dài tập nhưng không để lại ấn tượng đối với người xem, không có gì để chiêm nghiệm và rút ra bài học.
Xem một số bộ phim, khán giả thấy lo lắng vì văn hóa công sở và lối ứng xử của giới trẻ hiện nay. Bên cạnh những bộ phim nhẹ nhàng, đơn giản và mang tính giải trí thu hút sự chú ý của người xem thời gian qua như: Cô gái xấu xí, Bỗng dưng muốn khóc còn lại, phần lớn phim "mới bật máy thu hình đã muốn tắt". Ðạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: "Có rất nhiều nguyên nhân giải thích cho việc nhiều phim dở mà ai cũng kể ra được như đầu tư tài chính thấp kém, thiếu các điều kiện sản xuất, trình độ chuyên môn của đội ngũ sáng tác, diễn viên kém...". Vấn đề này được nói đi nói lại khá nhiều, nhưng trước hết theo ông, để có phim chất lượng tốt, các cơ quan quản lý (Ðài THVN) cần có những chủ trương rành mạch, cách đầu tư phù hợp, phải có kế hoạch đề tài để giao nhiệm vụ cho các đơn vị sản xuất, bảo đảm được tỷ lệ cần thiết cho mảng đề tài xã hội, tránh tình trạng thiên về phim giải trí đơn thuần, phim tuổi teen.
Song song với dòng phim giải trí, hiện có một dòng phim tạm gọi là phim chính luận, trực tiếp đề cập những vấn đề chính trị, xã hội đang được nhiều người quan tâm. Những bộ phim thuộc dòng chính luận về đề tài nông thôn thời gian qua cũng được nhiều người quan tâm như: Chuyện làng Nhô, Ðất là người, Ma làng, Gió làng Kình, về thành thị có: Ðèn Vàng, Luật đời, Cảnh sát hình sự (Cổ cồn trắng, Chạy án). Mức độ thành công của mỗi bộ phim sau khi phát sóng khác nhau nhưng cùng mang một âm hưởng chung. Ðó là các nhà làm phim dám nói thẳng, nói thật những vấn đề nhức nhối và mặt trái của xã hội. Dòng phim chính luận đã bám sát cuộc sống, làm thỏa mãn người xem bởi đã chỉ ra được mặt được và chưa được của một bộ phận cán bộ, lãnh đạo cả ở thành phố và nông thôn.
Ðại diện cho BHD, đơn vị sản xuất bộ phim Bỗng dưng muốn khóc, Cô gái xấu xí bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng, muốn khuyến khích sản xuất được phim hay cần có cơ chế tài chính riêng cho từng thể loại, không nên chia đều như hiện nay, nhất là đối với các phim dành cho thiếu nhi và phim chính luận. Bất luận phim ở thể loại nào, muốn hấp dẫn người xem trước hết phải bằng cốt truyện, trong đó có những tính cách, lối ứng xử thú vị, cách giải quyết vấn đề khiến người xem phải tò mò theo dõi. Ðể chất lượng PTTH ngày một nâng cao, ngoài yếu tố con người, kỹ thuật, công nghệ làm phim cần phải có cơ chế khuyến khích bằng lợi ích cụ thể. Nhưng quan trọng nhất là cần phải nâng cao chất lượng PTTH, nhà sản xuất cần cho ra đời những bộ phim chất lượng, đi vào những vấn đề của cuộc sống chứ không nên chạy theo nhu cầu quảng cáo thuần túy.
Theo ND
|