Không làm phim về nông thôn là có lỗi với nông dân
Không phải người gốc HN nhưng cũng đã sinh sống trên mảnh đất này hơn 50 năm, từ khi mới 10 tuổi. Chưa từng cuốc đất, cày bừa nhưng gương mặt nhìn không khác hình ảnh những lão nông. Gặp ông lần đầu khi ông bắt tay làm Ma làng 1, sau đó là Gió làng Kình… trong tôi luôn lặp đi lặp lại cái ý nghĩ, nếu không là đạo diễn, chắc Nguyễn Hữu Phần đã được các đạo diễn khác mời đóng vai lão nông cùng với các nghệ sĩ như Văn Hiệp, Trần Hạnh… Ở ông có nét thuần hậu, hiền lành và đặc biệt là nụ cười tươi, luôn nhiệt tình trước đủ những thắc mắc từ báo giới.
Được khán giả yêu mến gọi là ông Phần “ông thôn” thậm chí là ông “Ma làng” khi về các miền quê, vùng sâu, vùng xa. Sau “Gió làng Kình”, về hưu, ông chuyển sang làm Gameshow, tưởng ông gác ý định làm phim về nông thôn nhưng vừa rồi, gặp trong Liên hoan truyền hình toàn quốc 2010, ông lại “khoe”: “Đang chuẩn bị kịch bản cho Ma làng 2. Giữa năm nay sẽ khởi quay”.
Từng đạo diễn nhiều phim ăn khách như “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Có lẽ nào anh lại quên”, “Mảnh đời của Huệ”, “Ngọt ngào và man trá”… nhưng thời kỳ ấy, khán giả chưa có thói quen quan tâm đến các đạo diễn mà chỉ biết đến diễn viên vì thế, Nguyễn Hữu Phần vẫn là cái tên lạ đối với công chúng yêu thích truyền hình, điện ảnh.
Hướng đi mới của ông là tìm đến đời sống của người nông dân, những bước chuyển mình trong đời sống của con người, làng quê. Sau “Đất và người”, “Ma làng”, “Gió làng Kình” đầy ấn tượng, khán giả đã quen với cái tên ông Phần “nông thôn”, ông Phần “Ma làng”. Ông bộc bạch: “Nông thôn hiện nay là vấn đề lớn nhất của đất nước Việt , những chuyển biến xã hội đang ảnh hưởng lớn nhất vẫn là ở nông thôn. Người nông dân từ việc chỉ kiếm ra ngày vài nghìn đồng đến việc lo làm giàu là vấn đề rất lớn, người nông dân cũng đang bị bức xúc rất lớn vì mình đang nghèo thế này, có một người ở thành phố về nông thôn mua một mảnh đất rất lớn, xây biệt thự cả vài tỉ bạc rồi thuê chính những người nông dân trông nom, trông ngứa mắt lắm chứ! Người thì làm không ra mà người thì để tiền như thế! Cho nên cái khát vọng làm giàu ở nông thôn đang cao, họ lao đi làm vàng, tìm trầm, có những thôn quê chỉ còn bà già, trẻ con. Và tôi cho rằng khi họ bọ sốc vì chuyện làm giàu thì họ không bình tĩnh, gây ra nhiều mâu thuẫn, phá bỏ mối quan hệ họ hàng, làng xóm và rất phức tạp. Nếu đề cập được đến những vấn đề này thì khán sẽ rất đông và người nông thôn nhìn ra vấn đề, tác động đến đến họ. Có lẽ họ sẽ bình tĩnh, họ sẽ tính đến việc đi học nghề khi có tiền...
Hơn thế nữa, nông thôn là đề tài mà ai cũng quan tâm. Có đến 80% dân VN là nông dân (bây giờ có thể ít hơn), rồi ai cũng có một vùng đất, một miền quê để quan tâm, để nhớ về. Không làm phim về nông thôn là thiếu sót, là có lỗi với nông dân”.
Cũng e ngại sẽ bị coi là ăn theo phim trước, nên dù bạn bè, khán giả có thúc giục làm Ma làng phần 2 nhưng ông “Ma làng” cứ lần lữa mãi. Ông cho hay: “Trăn trở nhiều và cuối cùng quyết định làm phim “Làng Bâm Dương 10 năm sau”. Điều quan trọng là khán giả xem sẽ hiểu đó chính là Ma làng phần 2, nhân vật vẫn là những nhân vật như thế. Nếu Ma làng kết thúc vào những năm 90 thì sau 10 năm thay đổi ra sao, những nhân vật trước đây giờ thay đổi như thế nào?”
Nông thôn vẫn nhức nhối trong Ma làng 2
‘Tôi cho rằng thời đổi mới có nhiều vấn đề rất hay cho những người làm nghệ thuật, không chỉ với phim ảnh. Những vấn đề nông thôn đặt ra ấy cần đến những quyết sách lớn để làm đời sống người nông dân ổn định’- Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ- “Những dự án đất đai, kinh tế, sân gôn đã lấy hết đất trồng trọt của của dân. Những người nông dân cả đời lam lũ bỗng chốc trong tay có tiền tỷ. Không ai bảo họ làm gì để có nghề nghiệp, có thu nhập, họ xây nhà, mua xe và trong bỗng chốc nhà cửa tan nát vì con nghiện ngập, bố cờ bạc...Và cả những mánh khóe ăn hối lộ của một số quan chức nông thôn ăn theo các dự án đất đai….Kịch bản của “Làng Bâm Dương 10 năm sau” sẽ có những nhân vật tích cực thời kỳ bao cấp trước kia, chủ trương làm khoán 10, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân thì nay lên chức cao, có quyền hành trong tay và anh ta lại phụ trách rất nhiều dự án về đất đai, kinh tế... và trở thành một nhân vật tiêu cực kinh khủng hơn Ma làng kia rất nhiều. Ví dụ như người nghèo nhất trước kia giờ có thể trở thành một người giầu nhất... tất cả mọi cái chỉ cần lật ngược lại một chút là thay đổi cả một thế hệ và nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn của thời kỳ này và nhiều ma của thời kỳ này”.
Ông tiếp tục “bật mí”: “Anh Tân là người tích cực nhất ở Ma làng phần một. 10 năm sau ở làng Bâm Dương, anh ta lên chức, làm phó chủ tịch huyện phụ trách dự án của làng đó, xã đó, anh bắt đầu cho các doanh nghiệp vào và cũng ăn đút lót, hoa hồng... Tôi cho rằng một người tốt thành người hư hỏng, tham nhũng còn kinh khủng hơn cả những nhân vật tiêu cực trong Ma làng. Như ông Tòng hay một ông nào đó ở Ma làng chỉ tham nhũng đến 7 cây vàng, còn anh này tham nhũng đến cả trăm cây, không thô bỉ như vai Tòng ngày xưa mà anh Tân này sẽ rất mánh khóe, khôn ngoan mà bề ngoài vẫn giữ được vẻ đạo mạo, trong sáng và ít nhiều vẫn có được sự kính trọng của mọi người (khi mà mọi chuyện chưa được phát giác).
Cô Ló vẫn là một vai chính diện. Đanh đá với thế lực quan xã ăn tham nhũng thôi, thực chất cô ấy vẫn là người tốt. Và ở thời kỳ đổi mới, đất nhà cô ấy thành dự án sân gôn và cô ấy có bạc tỉ trong tay, giàu nhất làng thì cô ấy sẽ làm thế nào. Tôi cũng đặt vấn đề là sự giàu có ở nông thôn hôm nay cũng rất là bộc phát và cũng rất nguy hiểm với người nông dân, ví dụ như chúng ta chưa có văn hóa tiêu tiền, chưa bao giờ có một triệu thì tự dưng có một tỉ đồng trong tay thì người ta sẽ không bình tĩnh nữa, người ta sẽ mua sắm, bố đi đánh bạc, mẹ đi ăn chơi... Và cuối cùng là họ không có văn hóa tiêu tiền, có nhiều tiền một lúc cũng rất nguy hiểm, họ đang làm cho cả một gia đình hư hỏng hoặc cả một dòng họ mâu thuẫn.
Có thể có người cho rằng tôi hơi tàn nhẫn với các nhân vật nhưng thực tế cuộc sống là như vậy, những người nông thôn có thể một người từng là người tốt, nhưng khi ở một ví trí nào đó, có quyền lực trong tay họ có thể dễ dàng biến thành người xấu. Những cơ chế tạo điều kiện cho họ tham nhũng, tạo điều kiện để họ mất đi những bản chất tốt đẹp. Trong Ma làng thực chất cũng là cơ chế bao cấp tạo ra đủ những loại tiêu cực và trong thời đổi mới cũng sinh ra những tiêu cực của nó chứ. Chúng tôi cũng muốn cảnh báo với mọi người rằng ngay trong thời bây giờ, khi kinh tế phát triển và hội nhập, nhiều nhà giàu lên, nhiều người có công ăn việc làm nhưng ma cũng rất nhiều, và chúng ta vẫn phải chống lại những con ma này...
Về kịch bản, anh Trịnh Thanh Phong, Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Hà Giang đang hoàn thành, sau đó tôi sẽ chuyển thể kịch bản khoảng 25 tập và dự định khởi quay giữa năm 2010. Dàn diễn viên tôi vẫn giữ nguyên những diễn viên cũ, bối cảnh cũng như vậy nhưng có thêm một vài ngôi nhà xây, những nhân vật có rồi, 10 năm sau họ như thế nào, phát triển ra sao... Đó là sự liên tục, chứ giờ tôi đi viết một kịch bản khác, không có sự liên tục, không có sự so sánh thì khán giả dễ thắc mắc. Tôi cũng đã ngỏ lời với ê kíp cũ, họ cũng đã nhận lời và rất hào hứng nhưng hiện nay có một vướng mắc là cô Mưa đang có bầu, hy vọng cuối năm cô ấy vẫn tham gia được.”
Hy vọng khán giả đang bội thực với phim giải trí trong thời gian qua sẽ được thoả lòng với Ma làng 2 của Nguyễn Hữu Phần. Ông cũng tin tưởng: “Tôi cũng rất lo lắng và thận trọng để làm làm sao cái này hơn hẳn cái kia và để khán giả không chê trách mình là thấy hay thì ăn theo thôi. Nhưng tôi tin những tính cách nhân vật làm cho chuyện phim trở nên hấp dẫn, hay hơn và sẽ thu hút được khán giả”.
Theo Toquoc
|