Tạp chí Sông Hương -
Giới thiệu sách: Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới
08:50 | 12/01/2010
"Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" của tác giả Nhật Bản Haruki Murakami là một hành trình xuống thế giới ngầm mang màu sắc Kafka dưới lòng Tokyo hiện đại.
Giới thiệu sách: Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới

"Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" được xây dựng bằng các chương xen kẽ nhau, với hai câu chuyện được kể lại dưới góc nhìn của hai nhân vật xưng “tôi”.

Câu chuyện thứ nhất diễn ra tại Tokyo, một toán sư được mời đến làm việc cho một nhà khoa học lập dị đang nghiên cứu dự án điều khiển âm thanh trong tự nhiên. Toán sư này là người làm cho Hệ thống, một tổ chức rộng lớn chuyên bảo vệ dữ liệu, đối lập với nó là Nhà máy – tổ chức của các ký hiệu sư chuyên xâm nhập dữ liệu.

Ngoài Nhà máy, bọn ma đen – những sinh vật ghê rợn sống trong bóng tối cũng thèm khát chiếm hữu công trình của nhà khoa học nọ. Để chống lại, toán sư nhận nhiệm vụ mã hóa dữ liệu bằng phương pháp đặc biệt nhất của Hệ thống – sử dụng các tầng ý thức sâu mà chính anh cũng không tự nhận biết được. Bất ngờ nhà khoa học biến mất, anh không còn cách nào khác là dấn thân vào cuộc phiêu lưu dưới lòng đất hòng tìm ra ông, trước thời điểm “thế giới lụi tàn”.

Bối cảnh của câu chuyện thứ hai là một vùng đất kỳ lạ được gọi là Chốn tận cùng thế giới. Được bao quanh bởi bức tường thành chỉ có chim bay qua được, con người ở vùng đất này sống lặng lẽ, không khổ đau, không lo lắng, vì họ đã bỏ lại cái bóng của mình ngoài tường thành.

Nhân vật “tôi” có nhiệm vụ là đọc các “giấc mơ xưa” tại thư viện, nhưng do mới tách ra khỏi cái bóng của mình chưa lâu, anh vẫn còn khả năng gợi lại ký ức, vẫn cảm thấy bất an trong xứ sở hoàn hảo này. Anh đứng trước hai lựa chọn, hoặc dấn thân vào những hiểm nguy vô hình để tìm đường thoát ra, hoặc ở lại và vĩnh viễn từ bỏ tâm hồn mình, một khi cái bóng đã chết hẳn…

Hai nhân vật có liên quan gì đến nhau, chốn tận cùng thế giới nằm ở đâu, và thế giới lụi tàn sẽ dẫn đến điều gì? Những câu hỏi siêu hình về số phận, về bản sắc con người trong xã hội bị thống trị bởi các tổ chức bí hiểm đầy sức mạnh – là chủ đề quen thuộc mà Murakami sẽ tiếp tục sử dụng trong Biên niên kí chim vặn dây cót, Kafka bên bờ biển…

Một tác phẩm khoa học giả tưởng, truyện trinh thám và bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hậu hiện đại kết hợp trong cuốn tiểu thuyết dung lượng đồ sộ. Murakami đã hợp nhất Đông - Tây, bi - hài, sự thờ ơ và lòng trắc ẩn, ngôn ngữ lóng thông tục và các tư tưởng triết học siêu hình trong câu chuyện đặc sắc về toán sư 35 tuổi li hôn trong hành trình đi xuống thế giới ngầm mang màu sắc Kafka dưới lòng Tokyo hiện đại.

Kết quả là "Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" với những tưởng tượng sáng tạo phóng túng và một trạng thái lắng đọng sâu xa của tâm thức, góp phần tạo nên thành công lớn làm gia tăng đáng kể lượng độc giả của Haruki Murakami trên toàn thế giới.

"Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới" đã được trao giải văn học Tanizaki uy tín của Nhật Bản.

Thông tin xuất bản

- Tên tác phẩm: Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới
- Tên tác giả: Haruki Murakami
- Tên dịch giả: Lê Quang (dịch giả của: Tình ơi là tình – Elfriede Jelinek, Đo thế giới- Daniel Kelhmann, Người đọc- Bernhard Schlink…)
- Nhà xuất bản: Công ty VH&TT Nhã và NXB Hội Nhà Văn
- Giá bìa: 100.000

                                                                                                              Theo LĐĐT






Các bài mới
Các bài đã đăng