Tạp chí Sông Hương -
Một thảm họa của thế giới mỹ thuật
08:49 | 13/01/2010
Vào ngay những ngày đầu năm 2010, thế giới mỹ thuật nhận được những tin không vui: liên tục mấy vụ trộm tác phẩm của các danh họa Picasso, Degas, Rousseau… đã xảy ra tại Pháp nhưng chưa tìm ra manh mối thủ phạm.
Một thảm họa của thế giới mỹ thuật
Bảo tàng Isabella Stewart Gardner

Trong lịch sử từng có nhiều vụ trộm cắp tranh quy mô lớn mà không tài nào tìm được kẻ gian, điển hình là vụ trộm tại Bảo tàng Isabella Stewart Gardner ở Boston (bang Massachusetts, Mỹ) cách đây gần tròn 20 năm, hiện đang được báo chí nhắc lại.

Đó là vụ đánh cắp tác phẩm mỹ thuật lớn nhất từ trước tới nay. Tài sản bị mất là ba bức tranh của Rembrandt, một tranh của Vermeer, một tranh của Govaert Flinck, một tranh của Manet cùng năm bản phác thảo chì của Degas và một cái bình bằng đồng thời nhà Thương (năm 1100-1200 trước Công nguyên). Tổng giá trị 13 tác phẩm này vào năm 1990 ước tính lên đến 500 triệu USD.

Hai mươi năm sau, dù đã có những nỗ lực truy tìm dấu vết kẻ gian nhưng Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) vẫn bó tay và có lẽ vụ này sẽ mãi mãi là một bí ẩn. Bảo tàng Isabella Stewart Gardner cũng đã treo giải thưởng năm triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin chính xác để có thể tìm lại các tác phẩm và quyết không để vụ trộm đạo thế kỷ đi vào quên lãng.

Gian phi giả danh cảnh sát

Sáng sớm ngày 18-3-1990, cả thành phố Boston nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày lễ thánh St. Patrick. Có hai kẻ mặc sắc phục cảnh sát đến Bảo tàng Gardner khi mà toàn bộ lực lượng an ninh của Boston đang bận rộn với lễ kỷ niệm lớn, sẽ có hàng trăm ngàn người dân đổ ra đường phố.

Hai kẻ gian đã nghiên cứu rất kỹ về kiến trúc bảo tàng, về các tác phẩm cũng như thời điểm để tiến hành vụ trộm. Chúng biết rõ vị trí của hệ thống báo động tại bảo tàng được nối liền với trạm cảnh sát và một khi làm tê liệt hệ thống đó thì chúng có đủ thời gian để thoải mái lấy đi những tác phẩm quý hiếm. Các nhân viên bảo vệ bảo tàng đều không được vũ trang và khi người bảo vệ tại vị trí báo động bị hai kẻ đạo tặc khống chế thì mọi việc đã diễn ra trót lọt như chúng đã dự tính.

Khi cảnh sát đến hiện trường, trên các bức tường chỉ còn lại những cái khung tranh! Kẻ gian đã không để lại một dấu vết nhỏ nào để có thể tiến hành cuộc điều tra ngoài những chi tiết về vóc dáng, màu tóc, màu mắt của chúng theo lời kể của các nhân viên bảo vệ đã bị chúng khống chế.

Trước giải thưởng năm triệu USD của bảo tàng, đã có hàng ngàn thông tin được gửi về các cơ quan chức năng nhưng tiếc là chúng chẳng giúp gì được cho việc điều tra, thậm chí nhiều thông tin còn trái ngược, mâu thuẫn nhau, khiến thực hư càng thêm rối rắm. Bí ẩn vẫn là bí ẩn và thời gian cứ thế trôi đi.

Mất mát lớn của thế giới nghệ thuật

Cuốn sách của Ulrich Boser viết về
vụ trộm cắp ở Bảo tàng Gardner


Đã có một cuốn sách của nhà báo Ulrich Boser được xuất bản viết về vụ trộm này, có tên là Trộm đạo ở Bảo tàng Gardner : Chuyện kể về vụ đánh cắp tác phẩm mỹ thuật lớn nhất thế giới không tìm được manh mối.

Tác giả bắt đầu câu chuyện bằng việc giới thiệu nữ chủ nhân của bảo tàng, bà Isabella Steward Gardner - một phụ nữ giàu có bậc nhất của Boston cuối thế kỷ XIX, người đã dành cả cuộc đời để sưu tầm các tác phẩm quý hiếm và xây dựng bảo tàng mang tên mình với mong muốn các tác phẩm tại đó sẽ góp phần giáo dục thẩm mỹ và được công chúng thưởng ngoạn rộng rãi.

Trong bộ sưu tập lớn của bảo tàng này có những kiệt tác cực kỳ quan trọng đối với lịch sử mỹ thuật nhân loại như bức Bão trên biển Galilee của Rembrandt (vẽ năm 1633), là tác phẩm duy nhất được nhà danh họa thời Phục hưng vẽ cảnh biển hoặc bức Buổi hòa nhạc của Vermeer (vẽ trong các năm 1658 - 1660), là một trong 34 tác phẩm của họa sĩ bậc thầy người Hà Lan thời kỳ Baroque còn lưu giữ được cho tới ngày nay.

Thế nhưng hai kiệt tác đó đều đã không cánh mà bay. Sự mất mát lớn đến nỗi các nhà sử học nghệ thuật cho rằng đó không chỉ là thảm họa của riêng Bảo tàng Gardner, mà của cả thế giới mỹ thuật và nếu hai tác phẩm ấy vĩnh viễn không tìm lại được thì chẳng khác nào người ta mãi mãi không còn được nghe bản giao hưởng số 5 của Beethoven hoặc những giai điệu jazz của Louis Armstrong!

Điều đáng lo nhất của các chuyên gia mỹ thuật là liệu các tác phẩm bất tử có tuổi thọ mấy thế kỷ ấy sẽ ra sao nếu như chúng không được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp, cũng như cần được giám định thường xuyên về chất lượng mà chỉ có các bảo tàng lớn mới thực hiện được. Hai mươi năm qua đủ để những tác phẩm ấy bị thời gian hủy hoại!

Bức Buổi hòa nhạc của Vermeer

 

Bức Bão trên biển Galilee của Rembrandt


Cũng trong cuốn sách của Boser, một số nghi can và nghi vấn về vụ đánh cắp đã được nêu ra căn cứ vào các cuộc điều tra của thám tử Harold Smith - người đã qua đời năm 2005. Trong số các nghi can hàng đầu có James “Whitey” Bulger - trùm băng đảng tội ác khét tiếng Winter Hill Gang của Boston và là kẻ bị FBI truy nã gắt gao nhất, rồi tới Thomas “Slab” Murphy - một thành viên của tổ chức khủng bố IRA (Bắc Ireland), chỉ huy nhóm du kích Warrenpoint và thứ ba là Myles Connor - một kẻ trộm sừng sỏ nhất còn sống cùng một số gương mặt khác, trong đó có cả nhân viên FBI và cảnh sát Boston bị biến chất hay các luật sư chuyên bào chữa cho bọn tội phạm. Song tất cả vẫn chỉ là những giả định.

Bức Tại nhà Tortoni của Manet

 

Bức Phong cảnh với tháp đá của Govaert Flinck (vẽ năm 1638)


Mới đây nhất, David Hosp - một luật sư của Boston trong khi tìm kiếm tư liệu để viết một cuốn tiểu thuyết về vụ trộm tranh tại Bảo tàng Gardner đã xới lại các báo cáo của cảnh sát, các bài viết trên báo chí thời đó và phỏng vấn những người có liên quan với sự kiện. Vụ trộm ấy vẫn tạo được nguồn cảm hứng cho những ai muốn truy tìm tung tích những bảo vật của nhân loại đã bị biến mất một cách lạ lùng giữa thanh thiên bạch nhật, bất chấp các kỹ thuật điều tra hình sự tiên tiến nhất.

Nếu đến tham quan Bảo tàng Isabella Stewart Gardner những ngày này, bạn sẽ thấy ở vị trí của các tác phẩm đã mất là những tấm lụa thêu kim tuyến phủ lên các khung tranh, như một cách để tang cho các tác phẩm bất hủ!

                                                                          Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần






Các bài mới
Các bài đã đăng