Đạo diễn kiêm tác giả kịch bản Paresh Mokashi nói rằng ông không mong muốn gì hơn là được quảng bá các bộ phim tiếng Marathi tại sự kiện điện ảnh lớn nhất hành tinh. “Trở thành đại diện cho điện ảnh Ấn Độ đua tranh đề cử Oscar cũng vinh dự chẳng kém gì việc đoạt tượng vàng. Tôi vô cùng vui mừng”, Mokashi thổ lộ.
Mokashi, vốn là diễn viên sân khấu, cho biết ý tưởng làm bộ phim này nảy sinh sau khi ông đọc cuốn tiểu sử về Phalke: “Tôi vô cùng ấn tượng với cuốn sách đó và lập tức bộ phim về Phalke đã hiện lên ngay trước mắt. Hầu hết người Ấn Độ coi Phalke là cha đẻ của điện ảnh nước nhà, nhưng ngoài điều đó thì họ chẳng biết gì hơn nữa. Họ không biết ông ấy đã trải qua những gì trong quá trình làm bộ phim đầu tiên và phải vật lộn với những khó khăn nào”.
Đối với nhiều người, điện ảnh Ấn Độ là Bollywood. Nhưng nền công nghiệp điện ảnh tiếng Hindi có thể sẽ khác nếu không có sự hiện diện của Phalke. Ông làm bộ phim truyện đầu tiên của Ấn Độ vào năm 1913 - khai sinh ra nền công nghiệp điện ảnh hiện trị giá tới 109 tỷ rupee (2,4 tỷ USD), mỗi năm sản xuất hơn 1.000 phim và thu hút khoảng 3 tỷ khán giả đến rạp.
Nghệ thuật thứ bảy du nhập Ấn Độ vào năm 1896 với buổi chiếu phim đầu tiên tại khách sạn Watson ở Mumbai. Các bộ phim trình chiếu sau đó chủ yếu liên quan đến thời sự và được nhập khẩu nhằm thu hút người nước ngoài ở Ấn Độ cùng một số ít cư dân bản địa giàu có. Lúc đó, Phalke, cựu nhiếp ảnh gia thất thế trong thời buổi khó khăn, tình cờ tới xem một buổi chiếu phim câm và ông đã bị cuốn hút ngay lập tức. Kết quả là Phalke đã nỗ lực để làm được bộ phim truyện đầu tiên của Ấn Độ mang tựa đề Raja Harishchandra. Đây là bộ phim câm kể về một vị vua trong thần thoại Hindu. Phim được phát hành vào năm 1913 và lập tức thu hút rất nhiều người xem. Phalke đưa tác phẩm của mình tới London (Anh) sau khi Thế chiến I bùng nổ nhưng đã từ chối một hợp đồng làm phim ở đây. “Tôi phải làm phim ở đất nước mình để có thể tạo dựng được một nền công nghiệp điện ảnh cho Ấn Độ”, Phalke tuyên bố.
Sau khi đọc xong cuốn tiểu sử về Phalke, Mokashi đã ráo riết làm bộ phim phản ánh những khó khăn mà cha đẻ nền điện ảnh Ấn Độ phải đối mặt. Phalke đã đầu tư 35.000 rupee vào tác phẩm điện ảnh đầu tay của mình - một khoản tiền lớn ở Ấn Độ hồi đầu thế kỷ 20. Giống như Phalke, Mokashi cũng không hề chuẩn bị vốn liếng cho bộ phim đầu tay và thế là ông phải trở về nhà để quyên góp tiền. “Bộ phim có kinh phí 40 triệu rupee và chẳng ai sẵn sàng đầu tư cho nó vì trong đó không có những gương mặt ngôi sao hay các màn ca vũ, xảo thuật. Nói tóm lại, chẳng hề có thứ gì đảm bảo thành công cho bộ phim, nhưng tôi vẫn thấy cần đầu tư khoản tiền lớn vào một tác phẩm điện ảnh tiếng Marathi”, Mokashi cho biết.
Các bộ phim tiếng Marathi - thổ ngữ được dùng phổ biến ở bang
Maharashtra
, miền Tây Ấn Độ - từng phát triển rất hưng thịnh tại Mumbai, giờ là “tổng hành dinh” của Bollywood. Tuy nhiên, dần dần chúng đã suy yếu trước sự cất cánh của điện ảnh tiếng Hindi đầy hào nhoáng. Đến năm 2004, dòng phim tiếng Marathi đã xuất hiện trở lại khi tác phẩm điện ảnh có kinh phí nhỏ Shwaas trở thành đại diện chính thức của Ấn Độ đua tranh đề cử Oscar.
Sau Shwaas, lứa đạo diễn tuổi 30 và 40 ở
Maharashtra
đã lao vào làm phim. “Giờ đây, chúng tôi đang chứng kiến dòng phim này trở lại thời kỳ hưng thịnh với nhiều gương mặt và ý tưởng mới”, Mokashi phấn khởi nói.
10 PHIM ĂN KHÁCH NHẤT BẮC MỸ CUỐI TUẦN QUA
1. Avatar: 48,5 triệu USD 2. Sherlock Holmes: 16,6 triệu USD 3. Alvin And The Chipmunks: The Squeakquel: 16,3 triệu USD 4. Daybreakers: 15 triệu USD 5. It’s Complicated: 11 triệu USD 6. Leap Year: 9,2 triệu USD 7. The Blind Side: 7,8 triệu USD 8. Up In The Air: 7,1 triệu USD 9. Youth In Revolt: 7 triệu USD 10. The Princess And The Frog: 4,7 triệu USD
|
Theo TT&VH
|