Tạp chí Sông Hương -
Nhà văn Mạc Ngôn: Đổi đời nhờ... dịch giả
09:03 | 14/01/2010
Mạc Ngôn thừa nhận nhờ ngôn ngữ, ông đã được đổi đời từ nông dân trở thành một nhà văn. Và cũng nhờ các dịch giả trong và ngoài nước, ông trở thành một nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Trả lời phỏng vấn, nhà văn chia sẻ một kinh nghiệm thú vị trong việc tìm đường đến với độc giả quốc tế.
Nhà văn Mạc Ngôn: Đổi đời nhờ... dịch giả

* Tác phẩm đầu tiên của ông được dịch ra tiếng nước ngoài là cuốn nào? Năm bao nhiêu?

- Đó là tiểu thuyết Cao lương đỏ. Lúc đó là năm 1988. Thời đó rất ít tiểu thuyết Trung Quốc được dịch ra tiếng nước ngoài.

* Hiện tại tác phẩm nào của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất?
 
- Các tác phẩm như Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Tửu quốc… đều được dịch nhiều, hầu hết đã được dịch ra tất cả các ngôn ngữ chính ở châu Âu và châu Á như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật…

* Các tác phẩm của ông đến với độc giả nước ngoài bằng con đường nào? Họ tự tìm đến ông để xin mua bản quyền, hay do các NXB ở Trung Quốc chủ động giới thiệu tác phẩm của ông ra nước ngoài?

- Thời gian đầu là do các dịch giả Trung Quốc, tiếp đó là những người đại diện mua bản quyền của các NXB nước ngoài. Tôi gặp gỡ các độc giả nước ngoài phần lớn tại các cuộc họp báo giới thiệu tác phẩm, các buổi diễn thuyết hoặc ký tặng tác phẩm. Cũng có một số độc giả viết thư cho tôi hoặc tới Trung Quốc tìm tôi để làm luận văn.

* Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và vị trí của dịch giả?

- Họ là những người quan trọng nhất. Một dịch giả xuất sắc không chỉ cần ngoại ngữ giỏi mà tiếng mẹ đẻ cũng phải giỏi. Tiếng mẹ đẻ có giỏi, họ mới truyền tải hết tinh thần trong các tác phẩm của tôi khi dịch sang tiếng nước khác.

* Dịch giả ở Trung Quốc có được coi trọng không và đời sống của họ có được đảm bảo bằng nghề không?

- Các dịch giả ở Trung Quốc thường làm việc chuyên nghiệp cho một cơ quan cụ thể. Cơ quan đó sẽ trả lương, phân nhà, giải quyết những vấn đề chủ yếu trong cuộc sống của họ. Nếu chỉ dựa vào việc dịch sách, cuộc sống của họ vẫn bảo đảm, tuy nhiên phần lớn cuộc sống của các dịch giả vẫn rất kém.

* Ông đánh giá ra sao về văn học Trung Quốc đương đại?

- Tôi cho rằng trong vòng 30 năm trở lại đây, văn học Trung Quốc đương đại đã đạt những thành tựu huy hoàng. Như tiểu thuyết của tôi chẳng hạn, cũng không thua kém gì các tiểu thuyết của phương Tây. Tôi cho rằng văn học của tôi đã trở thành một bộ phận của văn học thế giới. Tôi đã viết ra những tiểu thuyết mang đậm nét đặc sắc của văn hóa Trung Hoa, dù có một số nhà phê bình Trung Quốc chuyên trị đả kích tôi. Nhưng trái lại điều đó lại minh chứng được tầm quan trọng của tôi.

* Sách Trung Quốc được dịch ra khá nhiều thứ tiếng, đặc biệt là sách văn học, theo ông, đó là nhờ đâu?

- Thời gian đầu, phim ảnh có tác dụng rất to lớn. Chẳng hạn như tiểu thuyết Cao lương đỏ của tôi gây được sự chú ý của văn đàn thế giới là bởi bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này được giải quốc tế. Trong mấy năm gần đây, sách của tôi được dịch ra các ngôn ngữ khác nhiều là bởi do đề tài và phong cách độc đáo, đặc biệt, gây nên sự chú ý của các nhà phiên dịch và sự yêu thích của độc giả phương Tây.

* Ông có đọc sách văn học nước ngoài không, ông thích văn học của nước nào, tác giả nào?

- Thực ra số tác phẩm văn học nước ngoài được tôi yêu thích quá nhiều. Rất nhiều người cho rằng tôi thích văn hóa châu Mỹ - Latin. Kỳ thực tôi thích nhất văn học Nga, chẳng hạn các tác phẩm: Chiến tranh và hòa bình, Tội ác và trừng phạt, Sông Đông êm đềm…
 

* Ông có biết tới văn học Việt hoặc nhà văn Việt nào không?

- Vô cùng tiếc. Vì tôi vẫn mong có cơ hội gặp gỡ độc giả Việt nhưng tới giờ vẫn chưa có điều kiện. Tôi cũng hy vọng được đọc các cuốn văn học Việt đã được chuyển ngữ sang tiếng Hoa, nhưng cho tới giờ vẫn chưa thấy có cuốn nào. Hay là có thể có mà tôi tìm chưa ra.

* Xin ông cho biết kế hoạch trong năm mới 2010?

- Tôi sẽ viết một vở kịch mới, đồng thời cũng chuẩn bị cho việc viết tiểu thuyết mới.

* Cám ơn ông, và chúc ông một năm mới tốt lành.

Theo TT&VH Cuối tuần





Các bài mới
Các bài đã đăng