Tạp chí Sông Hương -
Quảng cáo vỉa hè thành cảm hứng cho họa sĩ nước ngoài
11:10 | 15/01/2010
Triển lãm Đây không phải là quảng cáo của họa sĩ Australia Ian McIntosh diễn ra tại Hà Nội từ 14 đến 23.1 là kết quả sau nhiều năm anh sống và làm việc tại Việt Nam. 20 bức tranh độc đáo mang đến một góc nhìn, xúc cảm riêng của tác giả về cuộc sống trong suốt mấy thập kỷ.
Quảng cáo vỉa hè thành cảm hứng cho họa sĩ nước ngoài
Họa sĩ Ian McIntosh.

Ian McIntosh đặt chân đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1992 trong một chuyến du lịch ngắn, rồi liên tục quay trở lại, khi thì với tư cách khách du lịch, khi thì làm họa sĩ tự do.
 
Đầu tiên anh thích chép lại các hoa văn, họa tiết bằng chì trên giấy dó. Anh đến các đền, đình, nhà thờ, nhà dân và các các cửa hàng trên phố ghi lại những họa tiết trang trí của những tấm bia tưởng niệm, bức tường, cánh cửa…Theo anh, những vật dụng dù đơn giản đều có cách thiết kế độc đáo thể hiện sự phong phú trong sáng tạo của người Việt.

Đi nhiều, anh phát hiện ra sự thay đổi của đất nước này không chỉ nằm ở những điều to tát mà ngay trên đường phố tập nập người qua lại với rất nhiều những tấm biển quảng cáo.

Anh chuyển hướng vẽ tranh đa chất liệu có sử dụng yếu tố quảng cáo. Ian giải thích lý do "khoái" chất liệu quảng cáo là vì “thông qua đây, có thể thấy được sự phát triển của một đất nước”. Ví như, ngày xưa người ta sử dụng hình ảnh chai bia để quảng cáo thứ nước uống này nhưng bây giờ là một đám bạn bè cùng vui vẻ nâng cốc. Đó còn là sự thay đổi về văn hóa, chứng tỏ con người gần nhau hơn. Cách đây mấy chục năm, chiếc xe đạp còn rất quý, nhưng hiện tại xe máy và ô tô là phương tiện giao thông được quảng bá rầm rộ nhất. Nó chứng tỏ sự phát triển không ngừng của cuộc sống.

Một tác phẩm trong triển lãm.


Trong những bức tranh của anh, mọi người thường thấy hình ảnh của những cô gái đẹp. Mỗi lần gặp họ anh không chỉ ngắm nhìn mà luôn tự hỏi: không biết cô ấy nghĩ gì? sau nụ cười rạng rỡ, vẻ đẹp duyên dáng kia là tâm trạng thế nào? Ian quan sát kỹ thì thấy phụ nữ Việt rất vất vả trong cuộc sống và công việc, vì thế anh ngưỡng mộ họ.

Những cô gái trong tác phẩm được Ian vẽ thêm tâm trạng bằng chính những dòng chữ. Chẳng hạn, bên bức ảnh một cô gái mặc áo cưới, anh viết suy nghĩ của mình (và cũng chính là của cô): mình trang điểm thế này đã đẹp chưa? Sau này béo lên thì sao? Sau khi sinh con, đi làm trở lại, ai sẽ chăm con mình? Đối với anh, mỗi bức tranh đều chứa đựng những nỗi tiềm ẩn, băn khoăn không dễ diễn đạt bằng lời.


Ian McIntosh còn sử dụng nhiều trang báo được dán chồng lên nhau để thể hiện những quan sát về Việt . Anh bảo, ra phố bây giờ thấy quá nhiều thông tin khiến mình cứ rối mù lên. Song với anh, mỗi thứ chứa đựng sự thú vị riêng, ví như những tấm biển lộn xộn, đa màu sắc như thế dưới con mắt người ngoại quốc trông lại giống như.... giai điệu một bài thơ.

Và anh muốn sắp đặt sự bối rối ấy thành những trang nhật ký mang tính hình tượng về cuộc sống, hôm nay là hiện tại, ngày mai sẽ thành quá khứ.


Có người bảo, vẽ tranh như McIntosh thì quá dễ, cứ lấy ảnh rồi viết chữ lên là thành tác phẩm nghệ thuật. Anh bảo, có rất nhiều cách để một họa sĩ thể hiện, nhìn vậy thôi nhưng không dễ làm đâu. Ngay trong ngày khai mạc đã có người hỏi mua liền hai bức tranh nhưng họa sĩ "kiêu", bảo, làm nghệ thuật vì chỉ muốn có thêm bạn chứ không nghĩ sẽ làm giàu.

                                                                                                       Theo VietNamNet





Các bài mới
Các bài đã đăng