Tạp chí Sông Hương -
Cải lương xứ Bắc - "giữ lửa" giữa cơn khủng hoảng
14:35 | 15/01/2010
Tại Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2009, cải lương xứ Bắc đã làm khán giả phía Nam phải trầm trồ thán phục vì phong cách chuẩn mực và nghiêm túc của mình.
Cải lương xứ Bắc -



Cảnh trong vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long (Nhà hát Cải lương Trung ương), huy chương vàng hội diễn, giải Đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Hoàng Quỳnh Mai.

1. Nhiều năm nay, sân khấu cải lương lâm vào khủng hoảng. Cải lương mất dần sức sống ngay tại nơi khai sinh ra nó. Thế mà thật đáng quý khi trên đất Bắc, cải lương vẫn được duy trì, lặng lẽ thôi nhưng lúc nào cũng tàng chứa một sức sống mạnh mẽ đến không ngờ. Nhiều người phương Nam ra thăm xứ Bắc đều kết luận: “Có đi mới thấy người miền Bắc cũng mê cải lương không kém gì dân miền Nam”.

Cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2009 của HTV lần đầu mở rộng ra phía Bắc chỉ hy vọng tạo hương vị mới lạ tăng sức thu hút cho cuộc thi. Vậy mà không khí nhộn nhịp của vòng sơ tuyển tại Hà Nội đã khiến BTC đến từ TP.HCM phải ngỡ ngàng. Chất giọng tốt, đồng đều lại vượt trội về mặt sắc vóc, thường bị xem là điểm yếu của nghệ sĩ cải lương hiện nay, của các thí sinh đã “làm khó” BGK rất nhiều. Hai cô gái xinh đẹp Nông Thị Gấm (dân tộc Tày) và Ninh Thị Như Quỳnh (dân tộc Cao Lan) dù phải dừng bước sớm ở vòng chung kết cũng đã giúp nhiều khán giả miền Nam biết được người Bắc vẫn hát được vọng cổ, hát “ngọt” nữa là khác.

Đến Hội diễn Sân khấu Cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra tại TP.HCM vừa qua thì cải lương đất Bắc đã chinh phục được khán giả miền Nam. Những Đế đô sóng cả, Trọn đời trung hiếu với Thăng Long, Lễ mở xiêm áo, Đại thần Thăng Long của hai đơn vị Thủ đô là Nhà hát Cải lương Trung ương và Nhà hát Cải lương Hà Nội đem đến một phong cách sang trọng, chuẩn mực nhưng vẫn đẫm chất “trữ tình cải lương”.

Không được đầu tư mạnh tay như hai “anh cả đỏ”, các đoàn tỉnh (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa...) lại làm khán giả thú vị với phong cách mộc mạc, hồn nhiên của cải lương “cổ điển”.

2. Tại kỳ thi Tài năng đạo diễn sân khấu trẻ 2007, Triệu Trung Kiên và Hoàng Quỳnh Mai nổi lên là 2 gương mặt đầy triển vọng cho cải lương xứ Bắc với phong cách dàn dựng sáng tạo, hiện đại. Hai năm sau, cả hai đạo diễn trẻ đã tự tin bước vào thi tài cùng những “cây đa, cây đề” trong làng sân khấu cả nước như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSƯT Trần Ngọc Giàu, Hữu Lộc... Và giải đạo diễn xuất sắc nhất dành cho Hoàng Quỳnh Mai (vở Trọn đời trung hiếu với Thăng Long) là sự tưởng thưởng cho nỗ lực của sức trẻ cũng như sự tin tưởng vào thế hệ tương lai của ban lãnh đạo Nhà hát Cải lương Trung ương (“trẻ hóa” đội ngũ làm nghề cũng đang là xu hướng của nhà hát).

Triệu Trung Kiên ngày càng tỏ ra là một cây bút táo bạo khi khai thác những “mảng mờ” trong lịch sử với kịch bản như “một câu chuyện trinh thám” Đế đô sóng cả.

Linh hồn của một vở cải lương là tài ca diễn của người nghệ sĩ và những cái tên như: Mạnh Hùng, Thu Trang, Hoàng Viện, Hồng Nhung, Thiên Hoa... cũng kịp để lại dấu ấn đẹp trong lòng khán giả phương Nam bởi giọng ca khỏe khoắn, diễn xuất tinh tế và ngoại hình sân khấu sáng đẹp.

Với lực lượng nghệ sĩ trẻ đẹp, ca hay, diễn giỏi, sân khấu cải lương phía Bắc sẽ tiếp tục “giữ lửa” cho sân khấu cải lương bằng sự trẻ trung, tươi mới của mình.

                                                                                                           Theo TT&VH







Các bài mới
Các bài đã đăng