Tạp chí Sông Hương -
Sái Tuấn: 'Không nên thần thánh hóa nhà văn'
10:43 | 18/01/2010
Gia nhập làng văn Trung Quốc từ khi 22 tuổi và khẳng định được tên tuổi trong dòng tiểu thuyết kinh dị, sau 10 năm, Sái Tuấn đã có 15 tác phẩm ở thể loại này.
Sái Tuấn: 'Không nên thần thánh hóa nhà văn'
Nhà văn Sái Tuấn. Ảnh: Sina.

Sau đây là bài trả lời phỏng vấn của anh với trang Tieba.

- Con đường văn học của anh đã bắt đầu như thế nào?

- Khi tôi mười mấy tuổi đã bắt đầu viết thơ, sau 20 tuổi viết tiểu thuyết, năm 2000 đã đăng khá nhiều tiểu thuyết ngắn và vừa trên mạng. Năm đó tôi được giải thưởng dành cho cây bút trẻ của "Bertelsmann - Văn học nhân loại". Tác phẩm được giải là Bắt cóc, còn đăng trên tờ tập san văn học Đương đại. Sau đó, tôi bắt đầu bước vào con đường viết tiểu thuyết kinh dị. Năm 2002 xuất bản bộ đầu tiên mang tên Virus. Sau đó các tác phẩm đều xuất bản trực tiếp chứ không đăng lên mạng như trước nữa.

- Trong ký ức của anh, ấn tượng đầu tiên về “văn học”,“sáng tác” là gì?

- Ban đầu tôi cảm thấy văn học vô cùng thần thánh, là cái gì đó cách mình rất xa. Nhưng sau đó, cùng với việc sáng tác, thì khoảng cách này ngày càng rút ngắn. Đến bây giờ tôi cảm thấy văn học không phải là điều gì đó quá thần bí nữa, tất cả đều phải dựa vào thực tiễn lâu dài, cộng thêm một chút giác ngộ. Không cần thiết phải thần thánh hóa những người viết văn, những tác phẩm vĩ đại nhất cũng chính là những tác phẩm có tính thực tế nhất.
 
- Trong các sáng tác của mình, anh có bao giờ nghĩ đến trách nhiệm của mình với độc giả hoặc với xã hội?

- “Văn dĩ tải đạo” - câu nói này có nhất định là đúng không? Văn học có nhất định phải “giáo hóa chúng sinh” hay sao? Ngược lại, tôi cho rằng, tác phẩm văn học nếu lấy việc gánh vác một trách nhiệm xã hội nào đó làm đầu thì sẽ mất đi rất nhiều tính văn học trong nó.

- Theo anh, xã hội hiện đại có cần đến những tác phẩm kinh điển nữa không?

- Cần, tôi từng đọc qua rất nhiều các tác phẩm kinh điển - những sáng tác đi cùng năm tháng và tất nhiên có tác dụng với thời đại của chúng ta hiện nay.

- Xin hãy dùng 5 từ để nhận xét về một tác phẩm văn học mà anh cho là có thể xếp vào hàng kinh điển?

- Vĩnh hằng, đẹp, đặc sắc, nhân đạo, lịch sử.

- Xin hãy dùng 5 từ để miêu tả một tác giả mà anh tôn trọng, thậm chí là tôn kính?

- Nhạy cảm, chính nghĩa, bác học, chính trực, thanh tịnh.

- Anh nhìn nhận thế nào về mâu thuẫn giữa các tác phẩm văn học và thị trường?

- Không hề có mâu thuẫn, những tác phẩm văn học có giá trị cũng có thể giành được thị trường. Đương nhiên, có rất nhiều sách thị trường bị rơi vào quên lãng rất nhanh và cũng có những tác phẩm có giá trị nhưng ngày càng bị mai một đi. Nhưng vàng thật không sợ lửa, thời gian sẽ chứng minh tất cả.

- Hiện giờ anh sống dựa chủ yếu vào nguồn thu nhập nào?

- Hầu hết thu nhập của tôi là dựa vào việc viết văn.

- Anh có quan tâm đến lượng tiêu thụ của tác phẩm không?

- Bây giờ thì tôi vẫn quan tâm, vì điều đó quyết định đến việc có bao nhiêu người có thể đọc được tác phẩm của tôi. Tất cả tác phẩm của tôi đã phát hành khoảng 2 triệu bản.

- Nếu như có ý kiến lấy năm 1980 làm mốc, những nhà văn sinh ra trước và sau đó, tạo ra 2 thái cực hoàn toàn khác nhau. Anh nhận định thế nào về vạch mốc này?

- Tôi không cho rằng sinh ra trước hay sau năm 1980 thì có vạch mốc gì, đó hoàn toàn là điều do các nhà phê bình vẽ ra. “Thời đại” tuy thực sự có tồn tại nhưng không thể lấy những năm 70, 80, 90 ra để phân định được. Mỗi tác giả có một nét riêng, họ có tư tưởng và suy nghĩ riêng của mình, đặc biệt là những tác giả xuất sắc sẽ đi cùng thời gian. Dùng năm sinh định nghĩa nhà văn thực sự là một điều sai lầm.

Nhà văn Sái Tuấn

Sái Tuấn sinh năm 1978, hội viên Hội nhà văn Trung Quốc, tác giả của những tác phẩm như: Virus, Thiên Cơ, Chung cư hoang vắng, Thần đang nhìn ngươi đấy, Mắt mèo… Hai cuốn Thần đang nhìn ngươi đấy và Mắt mèo đã được xuất bản và phát hành tại Việt Nam.

                                                                                                                    Theo eVan







Các bài mới
Các bài đã đăng