Tạp chí Sông Hương -
Lý lịch bằng ảnh của một thuộc địa
09:09 | 29/01/2010
Nếu kinh đô Thăng Long có một ngàn năm tuổi, thì thành phố Hà Nội mới có hơn 120 tuổi (từ năm 1888) khi vua Đồng Khánh trao cho Pháp lập một “thành phố nhượng địa” (chữ của nhà sử học Dương Trung Quốc). Và người Pháp, ngay lập tức, với ý thức nghiên cứu thực chứng đã có những bộ ảnh hết sức chân thực về cuộc sống bấy giờ của người Hà Nội.
Lý lịch bằng ảnh của một thuộc địa
Ảnh chủ đề áo yếm tại triển lãm

Công chúng sẽ nhìn thấy những bộ ảnh ấy tại triển lãm “Để hiểu hơn về một Hà Nội xưa” do tạp chí Xưa và nay phối hợp với Thư viện Hà Nội tổ chức từ 25 – 31.1 tại 47 Bà Triệu.

Tiến sĩ dân tộc học Đào Thế Đức, thư ký toà soạn tạp chí Xưa và nay cho biết, trong số hơn 100 chủ đề được trưng bày trong triển lãm này, những tác phẩm về sinh hoạt hàng ngày thu hút người xem hơn cả.

Câu hỏi về áo yếm

Một chủ đề được người xem quan tâm và đặt nhiều dấu hỏi là áo yếm. Trong nhiều tấm bưu ảnh là những phụ nữ mặc áo yếm trong sinh hoạt đời thường: khi trò chuyện trong nhà, khi tưới cây, khi hút thuốc… Điều kỳ lạ với người xem là độ “hở hang” của những phụ nữ này. Trái với quan niệm “hiện hành” của nhiều người về sự kín đáo của người Hà Nội, phần lớn người trong ảnh đều mặc áo yếm mà hở ngực. Chiếc yếm chỉ che kín phần giữa ngực, còn hai bầu ngực thì lại hoàn toàn lộ ra! Hở hơn cả câu ca dao “Đàn ông đóng khố đuôi lươn. Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh”!

Về điều này, ông Lê Cường, hội viên hội Khoa học lịch sử nói: “Điều này chứng tỏ, nho giáo đã không chạm tay đến tất cả mọi người trong xã hội. Và trong dân gian, tín ngưỡng phồn thực vẫn có sức sống riêng. Điều này không chỉ thể hiện rõ qua những cảnh yêu đương trên những thạp đồng Đào Thịnh, bia chùa Tứ Liên mà còn tồn tại trong sinh hoạt thường ngày. Và ngay cả những người có ý thức nho giáo thì các cụ cũng chỉ nho lúc đông người thôi. Điều đó xin được khẳng định là không hề dung tục”.

Ông Cường cũng cho rằng không nên nghi ngờ về tính “dàn dựng” phi thực tế của bộ ảnh này bởi chúng được xây dựng trên tinh thần dân tộc học rất rõ nét. Tuy nhiên, chính vì thế, bên cạnh tính tư liệu, nó không tránh khỏi cái nhìn về người Việt như một dân tộc lạc hậu.

“Sắp xếp chân thực”– dòng chảy khác của nhiếp ảnh

Cũng đánh giá cao tính chân thực của các tác phẩm trong triển lãm, nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo nhận xét: “Những bức ảnh ở đây thể hiện rất rõ tâm thế của một “nước lớn” khi tiếp cận những thông tin lý lịch bằng hình ảnh của các thuộc địa của mình. Với những tấm bưu thiếp đẫm ý thức quảng bá du lịch, người xem sẽ hiểu, xứ chồng con mình đang sống là như thế này”.

“Các tác phẩm được chụp bởi những tay máy chuyên nghiệp và điều quan trọng là họ rất tôn trọng văn hoá. Chẳng hạn, nếu như rất nhiều người có thể sẵn sàng bạ đâu chụp đó, đặt ngay một chiếc bình cổ xuống đất để chụp thì với những nhiếp ảnh gia chưa biết tên này, họ sẽ đặt nó trên một mặt bàn trang trọng tương xứng với đồ vật. Xem ảnh để thấy rằng đôi khi với vốn kiến thức và ý thức ít ỏi, chính chúng ta tự hạ bệ văn hoá của chúng ta. Tất cả rất chân thực”. Về ý thức “sắp xếp chân thực” mà ông Bảo nhắc tới, có bộ ảnh học thêu có bức chụp mấy chục người xếp thành nhiều hàng từ cao xuống thấp, trên tay cầm khung thêu. “Trên thực tế, chẳng ai ngồi như vậy để học thêu cả, song nó cho ta hình dung rõ một trường học thêu có thể có bao nhiêu học viên, và khi tới trường họ ăn vận thế nào”, ông Bảo nói.


Rõ ràng, những phục trang dân tộc, những tái hiện sinh hoạt đời thường cho thấy tính lịch sử, tính giới thiệu và cũng cho thấy một dòng chảy nhiếp ảnh khác có giá trị riêng mà không cần phải chờ khoảnh khắc đẹp… Cũng có thể gặp tư duy phân tích ở bộ ảnh Nghề người mẫu. Dựa trên một loạt ảnh sinh hoạt khác nhau, người xem có thể gặp cùng một khuôn mặt. Bộ ảnh cũng chứng tỏ nghề người mẫu ảnh ở Việt đã xuất hiện từ rất sớm, ngay khi người Pháp tiếp nhận Hà Nội.

“Rõ ràng, nhiếp ảnh có nhiều dòng chảy khác nhau. Và sắp xếp để có tư liệu chân thực cũng là một trong số những dòng đó”, ông Bảo khẳng định.

Mặc dù vậy, ông Đào Thế Đức cũng cho biết cuộc trưng bày “Để hiểu hơn về một Hà Nội xưa” ngoài việc để công chúng biết thêm về quá khứ, còn có mục đích phát hiện thêm những tư liệu qua đóng góp của họ trước khi bộ ảnh được xuất bản thành sách. Vì trên thực tế, những tấm ảnh này vẫn còn nhiều chú thích sai hoặc chưa có chú thích.

                                                                                                            Theo SGTT








Các bài mới
Các bài đã đăng