Tạp chí Sông Hương -
Những nẻo đường tự vấn và bản ngã nghệ sĩ
09:49 | 29/01/2010
Những nẻo đường tự vấn - Triển lãm tập hợp 14 tác phẩm của 10 nghệ sĩ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhà tổ chức hy vọng đây không chỉ là cuộc trưng bày các tác phẩm đẹp của những hoạ sĩ thành danh, mà còn là cuộc trưng bày sự đa dạng của bản ngã nghệ sĩ Việt.
Những nẻo đường tự vấn và bản ngã nghệ sĩ
Chân dung Tranh của Phương Quốc Trí

Tự vấn là thao tác tinh thần diễn ra thường xuyên trong mỗi nghệ sĩ. Là người sáng tạo đồng nghĩa với việc luôn tự vấn: Mình đang làm (nghệ thuật) gì? Làm cho ai, vì cái gì? Mình thực sự độc đáo, thực sự tìm tòi trong phương cách biểu hiện và xứng đáng được ghi nhận? v.v...

Mỹ thuật đương đại Việt Nam trong khoảng thời gian 20 năm qua, đang phát triển rộng, trải dài với nhiều khuynh hướng ấn tượng, hiện thực, siêu thực, trừu tượng, biểu hiện, biểu hiện - trừu tượng, pop-art, video art, sắp đặt và trình diễn... Trong bối cảnh đa dạng, có phần bề nổi này, dường như cá tính nghệ sĩ là cái đáng xem xét lại.

Chính vì trăn trở đó, Âu Cơ gallery đã tổ chức một triển lãm lấy sự tự vấn của nghệ sĩ làm trung tâm. Hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, Giám đốc mỹ thuật của gallery này diễn giải:

Chiếc hộp màu hồng Sắp đặt của Nguyễn Xuân Long


- Theo chúng tôi, hiện có nhiều tác giả - tác phẩm lặp lại cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề bằng những biểu hiện bên ngoài của nền mỹ thuật phương Tây.

Ngoài ra, người nghệ sĩ đang bị tác động mạnh bởi thị trường nghệ thuật. Nghệ thuật đương đại Việt đang thiếu những Cá tính - Sự dấn thân; Bản ngã- Sự hướng nội hay Sự hướng nội - Bản ngã và Cộng đồng... hàng loạt vấn đề được đặt ra.

Cũng theo hoạ sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, từ việc tìm câu trả lời, Âu Cơ gallery ủng hộ và đồng hành cùng những cách nhìn, chủ kiến của những nghệ sĩ đi tìm chính bản thân mình, để góp phần phát hiện, khẳng định các bản sắc cá nhân nghệ sĩ riêng biệt.

“Những nẻo đường tự vấn” là triển lãm tập hợp 14 tác phẩm (gồm 9 tranh khổ lớn chất liệu mầu dầu, sơn mài, acrylic, 1 tượng chất liệu sắt + sơn mài + kính và 4 tác phẩm sắp đặt chất liệu giấy, nhựa, kính, vải, tre, gỗ...) của các nghệ sĩ Đặng Thị Khuê, Vũ Hồng Nguyên, Phạm Trần Lê, Nguyễn Xuân Long, Trần Nhật Thăng, Oanh Phi Phi (Hà Nội), Nguyễn Sơn, La Như Lân, Lã Huy, Phương Quốc Trí (Thành phố Hồ Chí Minh). Họ cho khán giả thấy những bản ngã đa dạng ở người nghệ sĩ.

Đối thoại Sắp đặt của Đặng Thị Khuê


Một Nguyễn Xuân Long đau đớn bên trong cái vỏ diêm dúa của tác phẩm (Chiếc hộp màu hồng). Chiếc ghế xô pha (chất liệu giấy tỏa ánh sáng hồng, bồng bềnh như trên mây (chất liệu bông), như một thiên đường yên ổn cho những con người ẩn náu, từ góc an toàn này, họ nhìn ra thế giới qua một màn hình thông tin chồng đống, chen lấn và rơi vãi.

Nguyễn Xuân Long nói: “Tôi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nào cũng có tin về các cuộc xung đột và chiến tranh trên khắp thế giới nhưng dường như không ai mấy lưu tâm đến những tin này.

“Quan tâm làm gì?”, người ta sẽ nói vậy, nhất là giới trẻ. Nhìn rộng ra, con người thường có xu hướng không nghĩ đến những nỗi đau khổ của người khác khi bản thân mình được sống trong cảnh yên bình và có cuộc sống tiện nghi.

Miền hạnh phúc -Tranh của Lã Huy


Nhưng hãy luôn cảnh giác! Đừng quá thỏa mãn với những gì mình đang có!”.

Gần như trái ngược lại với tinh thần và cách biểu hiện rất đương đại này, là những tác phẩm của Trần Nhật Thăng (acrylic trên toan) và Vũ Hồng Nguyên (sơn mài).

Đây là những hoạ sĩ trẻ thành danh với bút pháp trừu tượng và tại triển lãm lần này, họ vẫn tiếp tục đưa ra những tác phẩm trừu tượng mang đậm dấu ấn cá nhân.

Triển lãm “Những nẻo đường tự vấn” kéo dài tới ngày 30-01-2010.

                                                                                                                     Theo TP





Các bài mới
Các bài đã đăng