Tạp chí Sông Hương -
Xã hội hoá giải thưởng văn chương: Để tránh "độc quyền đánh giá"
09:55 | 29/01/2010
Sau hai năm trình làng, giải thưởng thơ Bách Việt sẽ trở lại vào ngày 29.1. Điều đáng nói là hai năm Bách Việt (và trước đó một năm là giải thưởng thơ nữ Lá Trầu) chọn, đồng hành cùng thơ, thì cũng chính là 3 năm liên tiếp giải thưởng Hội Nhà văn VN (công bố gần như cùng thời điểm) mất mùa thơ.
Xã hội hoá giải thưởng văn chương: Để tránh
Những ấn phẩm thơ của Bách Việt.

Vậy thì thơ Việt 3 năm qua, thực ra là đang được mùa hay mất mùa?

Ông Lê Thanh Huy - GĐ Cty sách Bách Việt (chủ sáng kiến giải thưởng thơ Bách Việt) trò chuyện với chúng tôi.

109 đề cử - đó có là tín hiệu để nghĩ là thơ Việt không thể mất mùa? Có thể nói gì về hai tập thơ đã được chọn?

Ông Lê Thanh Huy -
Giám đốc Cty sách Bách Việt.

- Hai tập thơ được chọn vào chung khảo giải thưởng thơ Bách Việt (GTTBV) 2009 là "Với tay ngắt bóng" của "nhà thơ nằm viết" Đỗ Trọng Khơi và "Hai bầu trời" của nữ tác giả Khánh Phương.

"Nhỏ nhoi trên chiếc xe lăn, tù túng ở chốn quê, quẩn quanh góc đời hẹp (...), nhưng cái nhìn từ cái tôi bé nhỏ đã giúp Đỗ Trọng Khơi vượt lên sự bé nhỏ của cái tôi để suy cảm về phận mình trong thế gian, phận người trong trời đất..." là lời khen mà Ban thẩm định dành cho người "với tay ngắt bóng". Còn sáng tạo của tác giả "Hai bầu trời" thì được khen ở những thi ảnh, thi pháp lạ...
 
Một trong những phàn nàn của dư luận về giải thưởng Hội Nhà văn VN là bao năm vẫn chủ yếu chừng ấy con người "cầm cân nảy mực"... Vậy thành phần Ban thẩm định GTTBV năm nay có gì thay đổi?

- Ban thẩm định giải thơ Bách Việt hiện vẫn chưa có sự thay đổi nào qua 2 năm tổ chức, gồm các nhà thơ: Giáng Vân (Trưởng ban), Ý Nhi, Thi Hoàng, Phùng Tấn Đông, Nguyễn Bình Phương. Tôi không có bình luận nào về thành phần BGK của giải thưởng Hội Nhà văn VN, nhưng theo tôi, nên có sự đổi mới, thay thế một phần BGK sau một số năm nhất định, để giải vừa có tính ổn định, vừa có sự đổi mới.

30 triệu đồng là giá trị GTTBV. Việc tăng giá trị giải thưởng hằng năm có được Bách Việt đặt ra để tăng "thương hiệu" của giải?

- Tôi nghĩ 30 triệu đồng cho một giải thưởng thơ không phải là quá thấp, bởi đó cũng là một nguồn động viên khá lớn với những người làm thơ ở thời buổi hôm nay.

Vì sao Bách Việt lại chọn thơ, trong khi thơ không phải là thứ "đắt hàng" và trước đó đã có giải thưởng thơ nữ Lá Trầu?

- Việc chọn thơ làm hoạt động đầu tiên trong loạt các giải thưởng sẽ thực hiện của Bách Việt có lý do khá đơn giản: Chúng tôi muốn bắt đầu ở thể loại khó khăn nhất, không ai muốn làm nhất. Khi đã "chinh phục" được cái khó nhất, chúng tôi sẽ tự tin hơn để mở tiếp các giải khác (văn xuôi - đã mở, văn học dịch, lý luận phê bình - sẽ mở trong những năm tới).

Chọn thời điểm công bố giải hằng năm gần như cùng lúc với giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn VN, anh không sợ bị giải thưởng thuộc kênh "chính thống" này "át vía" sao?

- Tôi nghĩ rằng ai có việc của người đó, mình cứ làm sao cho tốt việc của mình chứ lo "chính thống" với "át vía" làm gì? Cứ làm đi, rồi đến một ngày nào đó, biết đâu cái "phi chính thống" lại được công nhận và tin cậy hơn "chính thống" thì sao?

- Xin cảm ơn anh!

                                                                                                                  Theo LĐ







Các bài mới
Các bài đã đăng