Tạp chí Sông Hương -
Người biểu diễn có quyền đến đâu?
14:21 | 02/02/2010
Năm 2009, ca sĩ Mỹ Tâm “đòi” được một số dịch vụ nhạc mạng trả tiền quyền biểu diễn, khi họ sử dụng ca khúc do chị thể hiện. Tuy nhiên, có những trường hợp cũng biểu diễn nhưng không được giữ quyền đối với màn biểu diễn. Sự khác nhau nằm ở đâu?.
Người biểu diễn có quyền đến đâu?
Không phải cứ tham gia biểu diễn thì có quyền khai thác màn biểu diễn (Ảnh minh họa).

Theo ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, cho đến nay, quyền của người biểu diễn vẫn là một khái niệm còn xa lạ, mù mờ với nhiều người, dù quyền này được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

“Không thể tìm cả trăm người để xin phép”

Sau khi ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM đưa các tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên lên sóng truyền hình với mục đích quảng bá, theo ông Phan Huy Thục, Phó hiệu trưởng, trường bị dư luận phê phán nặng nề, cho rằng tự ý bán tác phẩm mà không có sự đồng ý của những người đóng góp trong đó.

Tuy nhiên, ông Vũ Mạnh Chu cho rằng, nếu trường là đơn vị đầu tư (đồng nghĩa là đơn vị sở hữu) thì được độc quyền cho phép hoặc bán sản phẩm cho một đơn vị khác sử dụng lại mà không phải xin phép những người có quyền liên quan, cụ thể là các sinh viên trong vai trò diễn viên, đạo diễn. Quyền liên quan trong trường hợp này chỉ là nhận thù lao theo mức thỏa thuận.

“Một tác phẩm nhiều khi có đến cả trăm người tham gia, không thể tìm cả trăm người để xin phép sử dụng mà chỉ cần được sự đồng ý của đơn vị/cá nhân sở hữu tác phẩm là đủ. Riêng tiền thù lao thì phải được trả đầy đủ cho những người tham gia”, ông Chu nói.

Thực tế, không phải lúc nào cũng phải có sự cho phép của người biểu diễn thì mới được sử dụng tác phẩm. Theo ông Vũ Ngọc Hoan, cục phó Cục bản quyền, điều này đã quy định trong Điều 33 Luật SHTT. Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, như phục vụ công tác chính trị, quyền biểu diễn có thể không thuộc về người biểu diễn.

Ai cũng muốn miếng bánh to

Ông Huỳnh Tiết, Giám đốc Bến Thành Audio cho rằng luật vẫn chưa sát thực tế. Trước thời điểm Luật SHTT (2005) ra đời, khi sản xuất album, công ty này đề nghị rất nhiều ca sĩ khi sản xuất và ăn chia nên theo tỉ lệ trên tổng lợi nhuận, nhưng không ca sĩ nào dám làm, mà chỉ muốn được nhận tiền một lần.

Nhưng sau khi Luật SHTT ra đời, công ty lại phải trả tiền cho ca sĩ khi các album đó được sử dụng lại (bán cho các bên khác). “Nên chăng chia sự điều chỉnh của Luật này theo từng giai đoạn, trước vào sau năm 2005”, ông Tiết đề nghị.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Mạnh Chu, “dù là trước hay sau thời điểm 2005, các album đó khi được sử dụng lại thì nhà sản xuất, tác giả bài hát vẫn nhận được tiền, nên không có lý gì “đá” ca sĩ ra”.

Một trong những nguyên nhân khiến quyền người biểu diễn “chưa được hiểu hoặc cố tình hiểu khác đi”, theo lời ông Vũ Mạnh Chu, vì một “miếng bánh” giờ đây phải chia cho rất nhiều bên (nhà sản xuất, người biểu diễn, tác giả…), không phải chỉ một bên như trước. “Ai cũng muốn được miếng bánh to nhất”, bà Nguyễn Thị Thu Dung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội ghi âm Việt , nói.

Về vần đề này, ông Samuel Shu Masuyama (Hiệp hội Người biểu diễn Nhật Bản), cho biết nếu không có thỏa thuận nào khác trong hợp đồng, quyền lợi của người biểu diễn và nhà sản xuất tại Nhật Bản là 50/50. Nếu kinh phí đầu tư của nhà sản xuất cao thì tỉ lệ có thể là 60/40.

Đây là một tỉ lệ không nhỏ, nên khi phải sớt lại một phần lớn miếng bánh cho người khác, thì sự không đồng thuận của những bên trước đây được ăn trọn miếng là không quá khó hiểu.

Sau khi giúp Mỹ Tâm “đòi” được tiền các dịch vụ nhạc mạng, luật sư Lê Quang Vy đang hướng dẫn một số ca sĩ khác thu thập bằng chứng để bảo vệ quyền lợi cho họ. Ông cho biết quá trình này không gặp sự phản đối của nhiều đơn vị như trường hợp của Mỹ Tâm trước đây.

                                                                                                               Theo ĐV





Các bài mới
Các bài đã đăng