Tạp chí Sông Hương -
Hoạ sĩ thiên tài và những vụ scandal thế kỷ
15:39 | 03/02/2010
Năm 16 tuổi, trong nhật ký, Salvador Dali đã viết: "Tôi sẽ trở thành thiên tài. Cả thế giới sẽ biết đến và ái mộ tôi. Có nhiều người sẽ căm ghét, không hiểu tôi. Nhưng tôi sẽ là một thiên tài, tôi chắc là như vậy".
Hoạ sĩ thiên tài và những vụ scandal thế kỷ
Danh hoạ Salvador Dali cùng vợ - Gala.

Những tưởng đó chỉ là ước vọng vu vơ của một đứa trẻ bắt đầu tập làm người lớn! Ai dè, mấy chục năm sau, tên tuổi của cậu thiếu niên đó đã trở nên lẫy lừng thế giới. Salvador Dali không chỉ nổi tiếng bởi những bức tranh siêu thực gây nhiều tranh cãi mà còn bởi cả những vụ scandal của một người đàn ông đẹp trai, phong tình... Cùng với Pablo Picasso, Salvador Dali là một họa sĩ siêu thực nổi tiếng nhất thế kỷ XX.

Siêu thực là một khuynh hướng nghệ thuật bắt nguồn từ chủ nghĩa tượng trưng và phân tâm học, đặt phi lý tính lên trên lý tính, chủ trương giải phóng con người khỏi mọi xiềng xích xã hội, thể hiện nội tâm và tư duy tự nhiên, không bị gò bó bởi lý trí, lôgíc, luân lý, mỹ học...

Những tác phẩm của các họa sĩ siêu thực thể hiện mọi trạng thái tâm lý, không phân biệt thực hay mộng, tỉnh hay điên, đúng hay sai…Trường phái này được sáng lập bởi những thanh niên bị sốc bởi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất. Những sáng tác của họ đều có chung quan điểm chống lại tất cả những gì liên quan tới chiến tranh. Họ muốn quay về với thiên nhiên hoang dại, cảnh vật điêu tàn, mộng mị, siêu hình, dị đoan… Và Salvador Dali chính là một trong những đại biểu xuất sắc nhất của trường phái này. Tên tuổi của ông gắn liền với hai kiệt tác "Sự dai dẳng của ký ức" và "Ma ảnh về một khuôn mặt và tô trái cây trên bờ biển".

Đối với những người không am hiểu về siêu thực, đó là hai bức tranh nhảm nhí, rắc rối đến độ không thể nào hiểu nổi. Nhưng đối với những người đã có chìa khóa để "đọc" tranh siêu thực sẽ cảm nhận được nhiều điều thâm thúy. Trong "Sự dai dẳng của ký ức", những chiếc đồng hồ méo mó, bị chảy mềm ra được họa sĩ dùng để thể hiện ký ức, những sự giằng xé trong tâm can, những giấc mơ nối liền với thực tại với hàng triệu năm về trước và hàng triệu năm chưa đến. Ba chiếc đồng hồ, ba phạm trù "thời gian" giằng xé nhau, không tương thích nhau, biểu thị một quá khứ chênh vênh, một tương lai mong manh không nằm trong tầm tay với của con người. Chỉ hiện tại luôn đè nặng lên bức chân dung méo mó dường như đang tan chảy trên nền nâu của đất núi, màu vàng của ráng mây và màu xanh thẳm của bầu trời… Đó là kết quả của hơn hai mươi năm theo đuổi hội họa siêu thực của một thanh niên luôn ấp ủ những ý tưởng mà trong con mắt của một số người là hết sức ngông cuồng.

Một hoạ phẩm của danh họa Salvador Dali.


Salvador Dali sinh ngày 11/5/1904, trong một gia đình công chức. Cha ông là chưởng khế. Ngay từ khi còn là một đứa trẻ "ăn chưa nên đọi, nói chưa nên lời", Dali đã có rất nhiều mơ ước. Đầu tiên là mơ ước trở thành một đầu bếp giỏi. Kế đến là khẳng định sẽ trở thành một Napoleon thứ hai, một thiên tài của xứ sở đấu bò tót… Cậu bé Dali đã từng ghi trong nhật ký "Khó ai có thể thu hút sự quan tâm của cả thế giới về một vấn đề nào đó trong suốt 30 phút. Còn tôi, tôi sẽ làm cho mọi người quan tâm hằng tháng, hằng năm"…

Năm 24 tuổi, sau khi bị đuổi khỏi Viện Mỹ thuật San Fernandino vì có thái độ và những hành động kỳ quái, ngông cuồng, Dali tham gia một nhóm họa sĩ siêu thực tại Tây Ban Nha. Niềm say mê đối với phân tâm học của Freud, sự kết hợp giữa tài năng thiên bẩm với lối tư duy mạch lạc, phóng khoáng, không bằng lòng với những gì mình đã thấy, khiến Dali vẽ nên những tác phẩm khác biệt với các họa sĩ siêu thực cùng thời. Bằng việc trình làng những tác phẩm đầu tay: "Những ngày đầu xuân", "Sự hòa hợp của những tâm hồn” và "Kẻ hoang tàng vĩ đại"… giới hội họa Tây Ban Nha đã liên tiếp phải sửng sốt bởi cái tên Salvador Dali. Họ cho rằng tranh của Dali đã thực sự mở rộng biên giới của sự tưởng tượng. Có thể thấy điều đó qua hình ảnh những chú hươu cao cổ, những chú lùn tí hon, những côn trùng khổng lồ và những thân hình quỷ quái… ở tuổi ba mươi, những điều mà Salvador Dali từng ghi trong nhật ký năm 16 tuổi đã trở thành hiện thực: Một Salvador Dali thiên tài, một Salvador Dali bị nhiều người "căm ghét và hiểu lầm"…  

Ngay trong giới nghệ thuật Tây Ban Nha cũng có rất nhiều người đã không thể thông cảm với "máu" nghệ sĩ trong con người Dali. Họ gán cho Dali đủ "tội": ngông cuồng, khoác lác, nói năng lung tung, luôn gây những hành động quá khích để thu hút sự chú ý của công chúng. Theo họ, sự ngông cuồng của Dali thể hiện trước hết ở cách cầm cọ vẽ. Thay vì những cây cọ mềm mại, đắt tiền, Dali thường sử dụng một khẩu súng cổ để bắn màu vào những tờ giấy trắng trên giá vẽ, hoặc là đổ màu vào những bát súp ăn dở… để vẽ những "kiệt tác". Họ còn cho rằng, Dali là người gây nên nhiều scandal nhất trong giới hội họa Madrit.

Tháng 12/1934, lần đầu tiên đến Mỹ, Dali đã mang theo chiếc bánh mì hình chiếc gậy dài tới 5 mét. Khi tàu cập bến cảng New York, ông đã dùng chiếc bánh mì đó để vẫy chào công chúng. Ngày hôm sau, trong dạ tiệc do một nhà triệu phú tổ chức, Dali cải trang thành một... xác ướp biết đi. Vài năm sau đó, khi xuất hiện trong một buổi triển lãm tranh tại London, Dali lại "mặc" một bộ đồ lặn bằng thép nặng tới 50 kg và chỉ có thể thở bằng một ống dẫn dưỡng khí, khiến cả thủ đô London kéo đến chiêm ngưỡng. Rủi thay, khi đang say sưa phát biểu, Dali bỗng ngã nhào. Tưởng đấy lại là một trò đùa ngông khác của ông, chẳng ai đến giúp đỡ, khiến ông suýt mất mạng. May mà người vợ trẻ của Dali kịp yêu cầu các nhân viên bảo vệ đến giúp.

Tuy nhiên, rất nhiều người hoạt động nghệ thuật ở Madrit cho rằng, tất cả các vụ scandal đó của Dali là "quá nhỏ" so với chuyện yêu đương của chàng họa sĩ đa tài, đa tình. Số là khi còn trai trẻ, Dali với thân hình gợi cảm, tài năng xuất chúng đã lọt vào mắt xanh của một người cùng giới: nhà thơ Garcia Lorca. Lorca cũng là một chàng trai đa tài, đã từng học Luật, làm thơ, viết kịch, vẽ tranh và đặc biệt rành về âm nhạc, giỏi guitar.

Năm 1923, Lorca đã gặp Dali, khi đó Lorca 25 tuổi, còn Dali mới 19. Ngay từ phút đầu gặp gỡ, Lorca đã bị choáng bởi vẻ đẹp đến mê hồn về hình thể của Dali. Về phần mình, chàng hoạ sĩ siêu thực cũng bị sốc bởi những vầng hào quang đang tỏa quanh thi sĩ trẻ. Giữa hai người đã nảy sinh một mối quan hệ còn lớn hơn cả tình bạn. Lorca đã từng viết bài thơ nổi tiềng nhan đề: "Thơ tặng Salvador Dali" và trở thành khách mời thường xuyên và thân thiết của gia đình Dali. Mối tình giữa một thi sĩ danh tiếng, trẻ tuổi với họa sĩ siêu thực đã khiến dư luận không ngớt bàn tán, dị nghị. Chỉ có điều, Lorca thì cố tình lảng tránh dư luận bằng cách im lặng, còn Dali lại tìm mọi cách để phủ nhận. Đã hơn một lần Dali khẳng định: "Lorca là một người đồng tính và yêu tôi say đắm. Anh đã cố quan hệ với tôi hai lần nhưng tôi vô cùng bực tức. Vì tôi không phải là người lưỡng tính và tôi cũng không thích thú với việc đó"...

"Mối tình" bất thường này đã tồn tại trong suốt 5 năm. Đó là những năm đẹp nhất của cả hai người thanh niên hào hoa, tài giỏi. Hai người đã từng có những khoảnh khắc đẹp nhất bên bờ biển, trong những ngày hè thơ mộng. Họ từng chia sẻ với nhau tất cả: niềm tin, hy vọng, cảm hứng nghệ thuật và bí mật đời tư. Họ cảm thấy đã tìm thấy tình bạn thực sự bởi những tâm hồn đồng điệu… Cho đến khi Dali hợp tác với nhà sản xuất phim Bunuel làm một bộ phim siêu thực "Un Chien Ardalou" thì tình bạn giữa hai người đã hoàn toàn kết thúc. Lorca cho rằng Dali đã phản bội và xúc phạm mình khi đem những điều thầm kín của hai người cho thiên hạ bình phẩm.

Sau gần một thế kỷ, mối tình dang dở giữa Lorca và Dali đã gợi cảm hứng cho các nhà làm phim xây dựng một tác phẩm điện ảnh về thiên tình sử của những người đồng tính: bộ phim "Little Ashes". Đây là bộ phim được hợp tác giữa điện ảnh hai nước Anh và Tây Ban Nha, kể lại câu chuyện tình say đắm và dang dở giữa Garcia Lorca và Salvador Dali. Trong phim có cảnh Lorca ngủ với một cô gái, còn Dali thì nhòm qua khe cửa…

Philippa Goslett - tác giả kịch bản cho rằng bộ phim sẽ gây nhiều tranh cãi cho các nhà viết tiểu sử, đồng thời khẳng định mối tình đồng tính giữa họa sĩ và nhà thơ là có thực: "Qua rất nhiều khảo sát đã được thực hiện, có thể nhận thấy rằng đã có chuyện gì đó xảy ra. Đây là điều không thể nghi ngờ. Bắt đầu bằng tình bạn, mối quan hệ dần trở nên thân thiết và dần chuyển sang những đụng chạm về thân thể. Nhưng Dali cảm thấy khó có thể theo đuổi mối tình này. Đây chính là bi kịch lớn nhất của Dali. Ông ấy bị ám ảnh bởi Lorca suốt cả cuộc đời. Ông ấy không ngừng nói về người bạn đồng tính, nói nhiều hơn cả về vợ trẻ trung xinh đẹp".

Rõ ràng là Dali đã cố vẫy vùng để "thoát" ra khỏi mối tình bất thường đó. Và trợ thủ đắc lực của họa sĩ trong cuộc trốn chạy này chính là Gala Eluard một phụ nữ Nga có vẻ đẹp cực kỳ quyến rũ, rất mê tranh siêu thực. Trước khi trở thành vợ của Salvador Dali, Gala Eluard đã từng kết hôn với nhà thơ Pháp nổi tiếng Paul Eluard - một người bạn thân thiết của Dali.

                                                                                                               Theo VNCA





Các bài mới
Các bài đã đăng