Tạp chí Sông Hương -
Sốt vì Gặp nhau cuối năm
15:38 | 04/02/2010
Vốn là giấy mời, nhưng ra đến thị trường “chợ đen”, vé xem chương trình Táo quân 2010 – Gặp nhau cuối năm của VTV được chào từ 500.000 đến 3 triệu đồng một cặp vẫn không có mà mua. Một chương trình phát sóng mà cung không đủ cầu, tại sao?
Sốt vì Gặp nhau cuối năm
Các nhân vật chính của GNCN 2010 vẫn do các “cây hài” phía Bắc đảm nhiệm. Ảnh: Lương Trần

Lần đầu tiên, chương trình Gặp nhau cuối năm (phát sóng vào tối 30 tết Canh Dần) thực hiện hai buổi ghi hình (tối 30 và 31.1) tại cung Văn hoá hữu nghị (Hà Nội). Lý do cũng chỉ vì áp lực… giấy mời. Nhu cầu được xem chương trình lớn đến mức nhiều người thuộc nhà đài cũng không chen chân kiếm vé được nên đơn vị tổ chức (trung tâm sản xuất phim truyền hình – đài Truyền hình Việt ) phải “nối dài” thêm một buổi diễn, ghi hình. Vậy mà vẫn cứ… sốt vé!

Cánh phóng viên ráo riết săn vé cũng không được, đành dùng nhiều mẹo để lọt vào hội trường. Chỗ ngồi của cung văn hoá đều kín, hàng trăm người phải đứng hai bên cánh gà theo dõi buổi chầu của các táo trước Ngọc Hoàng. Đạo diễn chương trình Đỗ Thanh Hải cũng buộc phải tắt máy từ chiều thứ bảy vì… không có khả năng cung cấp vé. Đến buổi ghi hình tối chủ nhật, tình trạng khan vé tiếp tục diễn ra và khán phòng tiếp tục kín như ngày hôm trước.

Tuy không được hứa hẹn về một buổi “chầu trời” gay cấn hơn mọi năm nhưng chính hiệu ứng từ các năm trước đã khiến Gặp nhau cuối năm trở nên ăn khách hơn rất nhiều show diễn đình đám thời gian qua. Tính trào lộng, châm biếm và phần nào đó là tinh thần “nhìn thẳng, nói thật” chính là yếu tố đầu tiên góp phần tạo nên “thương hiệu” của Gặp nhau cuối năm và gây căng thẳng về vé!

Nhân năm mới Canh Dần 2010, chương trình Gặp nhau cuối năm vẫn đem tới “truyền thống” châm biếm, đả kích vừa sâu cay vừa hài hước. Các vấn đề nổi cộm trong năm qua đã được phản ánh qua các nhân vật chính là Táo giao thông, Táo tiền vàng, Táo quy hoạch, Táo dân – sinh – cộng đồng, Táo giáo dục. Nhân vật Gia Cát Dự tiếp tục được khai thác sau khi được công chúng hoan nghênh sau lần xuất hiện năm ngoái với tài dự báo ở đâu thì… gây hoang mang ở đó. Tuyến nhân vật phụ hoàn toàn mới làm nên nét mới mẻ của chương trình và cũng giúp yếu tố châm biếm thêm màu sắc. Đó là nhân vật thần cúng (khi có nhiều vấn đề hệ trọng mà các táo “bó tay” thì đành nhờ… thầy), hai cô “chân dài” Ngân và Hàng (phụ giúp việc đút” phong bì cho Táo tiền vàng), hay các nhân vật Xăng, Sữa, Gạo, Nước nhảy sạp loạn xạ mà không cách gì “hãm phanh”; trong khi đó, có hò hét khản cổ hai nhân vật Lương và Hưu cũng chẳng buồn nhúc nhích… Chêm vào các bàn trình tấu của các táo là các màn múa và tiên nữ… đu bay đã giúp khán giả thêm phần... thư giãn. Tổng cộng nội dung ghi hình của Gặp nhau cuối năm là gần ba giờ.

Chương trình ghi hình có không ít điều tưởng như “nhạy cảm khó nói” mà vẫn được dũng cảm nói ra dưới lăng kính hài hước nên khán giả tò mò là phải. Một lý do nữa là trước khi Gặp nhau cuối năm ghi hình thì toàn bộ nội dung đã được xem xét khá kỹ, nhóm thực hiện đã phải chỉnh sửa, thêm thắt khá nhiều cho bản đem ra ghi hình. Trước khi chính thức phát sóng thì bản đem phát sẽ tiếp tục được “duyệt” và rút gọn chỉ còn hơn một giờ để phù hợp với thời lượng cho phép, vì thế khán giả mới chen chân đi xem… bản tương đối đầy đủ!

Hiện tượng khán giả phải bỏ ra một số tiền khá lớn mới có thể đổi được giấy mời xem Gặp nhau cuối năm cho thấy còn thiếu những chương trình có ý nghĩa, đem lại tiếng cười thích thú cho khán giả. Một chương trình truyền hình hay chương trình biểu diễn khi được chuẩn bị kỹ càng, thực hiện nghiêm túc thì tiếng cười phát ra ở đây sẽ không chỉ là “mười thang thuốc bổ” mà còn là “thuốc đắng dã tật”!

                                                                                                                    Theo SGTT







Các bài mới
Các bài đã đăng