Tạp chí Sông Hương -
Sau hơn một tháng thực hiện lệnh cấm hát nhép: Nhiều ca sĩ chưa chấp hành
10:09 | 05/02/2010
Ngoài những trường hợp dùng hình thức hát nhép là một phương cách hành nghề, có những trường hợp hát nhép mà nguyên nhân dẫn đến không từ phía nghệ sĩ
Sau hơn một tháng thực hiện lệnh cấm hát nhép: Nhiều ca sĩ chưa chấp hành
Đàm Vĩnh Hưng, một trong những ca sĩ không chấp nhận hát nhép. Ảnh: N.Hữu

Hơn một tháng kể từ khi quy định cấm hát nhép được ban hành (1-1), tình trạng ca sĩ hát nhép đã được cải thiện. Ông Võ Trọng , Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM, khẳng định: “Quy định cấm hát nhép được thực hiện khá nghiêm ngặt nên đã có những phản hồi rất tích cực từ những người trong giới”. Thế nhưng những gì đang diễn ra trên thực tế cho thấy quy định này vẫn chưa được thực thi triệt để.

70% ca sĩ tuân thủ

Một trong những nguyên nhân khiến quy định cấm hát nhép dù mới được ban hành nhưng nhận được những tín hiệu tích cực là sự hưởng ứng rất nhiệt tình của giới nghệ sĩ biểu diễn. Hầu hết các ca sĩ đều bày tỏ sự hài lòng khi quy định cấm hát nhép được ban hành, bởi với họ “đó là một cuộc chơi công bằng giữa các đồng nghiệp, đồng thời cũng là cuộc chơi sòng phẳng với khán giả, những người bỏ tiền mua vé để được thưởng thức chương trình biểu diễn đúng nghĩa”. Giới bầu sô cũng thừa nhận: “Ít nhất 60% - 70% ca sĩ hiện nay đã tuân thủ quy định cấm hát nhép”.

Hiện có 3 trường hợp biểu diễn bằng hình thức hát nhép đang tồn tại. Một là những giọng ca có khả năng thanh nhạc chỉ ở mức trung bình nhưng có sắc vóc bắt mắt mỗi khi lên sân khấu, thường sử dụng các bản ghi âm giọng hát đã được chỉnh sửa trong phòng thu để biểu diễn, đánh lừa khán giả. Hai là các ca sĩ khi biểu diễn phải trình diễn vũ đạo quá nhiều nên hơi thở không còn ổn định để hát tiếp những bài sau, đành phải hát nhép.

Ba là các nghệ sĩ đã có phong độ ổn định, giọng hát đã được khẳng định, đi vào lòng người nghe nhưng vì sức khỏe không ổn định, đành phải hát nhép để khỏi mang tiếng hủy bỏ tiết mục biểu diễn trong chương trình đã được thông tin quảng cáo. Trong 3 trường hợp đó, đáng lên án nhất là trường hợp thứ nhất, được xem là cố tình lừa đảo khán thính giả.

Ngoài ra, có trường hợp hát nhép mà nguyên nhân dẫn đến không từ phía nghệ sĩ. Đó là các chương trình có ghi hình của một số đài truyền hình, bộ phận sản xuất thường yêu cầu ca sĩ hát nhép để phần tiếng lên sóng đạt hiệu quả tốt nhất.

Hoặc trong một số chương trình biểu diễn nhà tổ chức đầu tư phần âm thanh quá kém, không đạt chuẩn chất lượng tối thiểu khiến ca sĩ không có điều kiện phô diễn giọng ca của mình. Trong trường hợp này, để khỏi bị mang tiếng hát nhép, một số ca sĩ chọn cách hát chồng (lời hát thật chồng lên lời hát ghi âm).

Đơn vị tổ chức cũng có lỗi

“Tình trạng hát nhép đã tồn tại từ nhiều năm nay và ngày càng biến tướng tinh vi. Thế nhưng, khi giới nghệ sĩ đồng lòng lên án, thậm chí kêu gọi tẩy chay những giọng ca cố tình hát nhép thì tình hình chắc chắn được cải thiện” - ông Võ Trọng Nam nói.
Dễ kiếm tiền, dễ nổi tiếng, nghề ca sĩ có một sức hút rất mãnh liệt. Bởi vậy, ai cũng có thể trở thành ca sĩ. Chỉ với một sản phẩm âm nhạc ghi âm trong tay, dù chất lượng giọng ca dưới mức trung bình, nhiều người dễ dàng được gọi là ca sĩ, miễn có ngoại hình đẹp. Công thức ca sĩ thời hiện đại: ngoại hình đẹp + giọng hát trung bình = ca sĩ nổi tiếng. Đó chính là lý do vì sao nhiều giọng ca được đánh giá cao về chuyên môn nhưng thiếu độ sáng về ngoại hình cũng không có cơ hội trở thành ca sĩ ăn khách.

Từ thực tế đó, khi quy định về cấm hát nhép ra đời cũng đồng nghĩa những giọng ca thiếu năng lực sẽ dần bị loại khỏi cuộc chơi chung. Dù vậy, một trong những điều khiến giới ca sĩ băn khoăn là hát nhép không phải tự dưng mà có, ngoại trừ những trường hợp cố tình. Tại sao các ca sĩ Việt kiều khi mới về nước biểu diễn không ai hát nhép nhưng rồi sau một thời gian, họ không tránh khỏi tình trạng này?

Câu trả lời là chất lượng âm thanh trong nhiều chương trình biểu diễn ở trong nước thường quá tệ. Để bảo đảm chất lượng giọng hát của mình trước công chúng, không ít ca sĩ quyết định hát nhép trong những chương trình có chất lượng âm thanh không ổn. Khi có một, hai ca sĩ xé rào hát nhép, hầu hết những ca sĩ hát sau, trong cùng chương trình, cũng hát nhép, dù không muốn.

Như vậy, vấn đề đặt ra là xóa hát nhép không chỉ từ ca sĩ mà phải ngay từ những nhà tổ chức chương trình. Trong đó có quy định chuẩn chất lượng âm thanh cho một sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp là phải đạt đến mức độ nào thì mới được phép tổ chức biểu diễn. Nhóm 5 Dòng Kẻ thổ lộ: “Thực tế hiện nay, có những chương trình tổ chức biểu diễn đầu tư quá kém, chất lượng âm thanh không thể chấp nhận được. Vì vậy, khó trách việc nhiều ca sĩ buộc phải hát nhép để bảo đảm chất lượng cho tiết mục biểu diễn của mình”. 

Quyền của khán giả?

Việc hát nhép không phải chỉ có ở VN. Những siêu sao hàng đầu thế giới như: Luciano Pavarotti, Britney Spears, Whitney Houston, Mariah Carey, Cheryl Cole, Beyonce Knowles, Shania Twain... hay những giọng ca nổi tiếng ở châu Á như: Lưu Đức Hoa, Cổ Thiên Lạc, Trần Tuệ Lâm... cũng từng bị phát hiện hát nhép.

Hẳn nhiên, họ đều phải trả giá cho hành động của mình, thường là sự chỉ trích từ phía nhà chuyên môn, khán giả và nặng nề hơn là khán giả tẩy chay chương trình, đồng thời buộc ban tổ chức phải hoàn trả tiền vé, như trường hợp của Britney Spears.

Ngay sau khi “sự cố” Britney Spears xảy ra, có hẳn một làn sóng công chúng đòi ban hành điều lệ ca sĩ hát thật hay hát nhép phải được thông báo trước, thậm chí viết hẳn trên vé.

Như vậy, tình trạng hát nhép sẽ được triệt tiêu nếu có sự góp sức từ khán giả, họ là người bỏ tiền để mong được thưởng thức một tiết mục hoàn hảo. Vì vậy, khán giả có quyền đòi hỏi, ít nhất là việc nghệ sĩ phải hát thật

                                                                                                                Theo NLĐO






Các bài mới
Các bài đã đăng