Tạp chí Sông Hương -
Chương trình “Gặp nhau cuối năm” trên VTV: “Thương hiệu” Táo quân
14:29 | 08/02/2010
Chương trình Gặp nhau cuối năm (GNCN, còn gọi là "Táo quân") do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - VTV sản xuất phát sóng vào đêm 30 Tết đã trở thành "đặc sản" trong "thực đơn" giải trí. Thời sự, hài hước, hấp dẫn và nhiều ý nghĩa, chương trình chinh phục được khán giả ở nhiều lứa tuổi, nhiều ngành nghề và trình độ khác nhau và trở thành "thương hiệu" có uy tín.
Chương trình “Gặp nhau cuối năm” trên VTV: “Thương hiệu” Táo quân
Các “Táo” và “Ngọc Hoàng” trong chương trình Gặp nhau cuối năm - Xuân 2010. Ảnh: Hồ Ý

Năm nay, nhiều vấn đề "nóng" tiếp tục được mổ xẻ hứa hẹn những tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng nhưng không kém phần sâu sắc. Hậu trường sản xuất chương trình này có nhiều chuyện không kém phần thú vị.

Kịch bản luôn "mở"

"Mở" ở cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Kể từ khi lên khung nội dung cho đến khi ghi hình, kịch bản không ngừng được bổ sung những thông tin mới cập nhật từ báo chí và những sáng tạo của êkíp trong quá trình thực hiện. Năm ngoái, kịch bản đưa vào luyện tập khoảng 47 trang, sau vài tuần "xoay xở", các vị Táo và êkíp đã "bồi đắp" nó dày gấp đôi… Năm nay, đến khi ghi hình so với kịch bản gốc thay đổi đến gần một nửa. "Để có được một câu chuyện dày dặn và nóng hổi, chúng tôi đã phải dựa vào các bảng tổng kết, bình chọn những sự kiện nổi bật trong năm từ rất nhiều báo. Vì vậy, có thể nói Táo quân còn là công sức của cả làng báo trong một năm chứ không chỉ của riêng êkíp thực hiện chương trình. Công của chúng tôi chẳng qua là lọc ra những sự kiện rồi thổi chất hài vào mà thôi", đạo diễn Đỗ Thanh Hải chia sẻ với báo giới.

Những gương mặt từng tham gia viết kịch bản có thể kể đến: Đỗ Trí Hùng, Tiến Dũng, Đình Lộc, Phạm Thu Hiền; đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Thế Anh… và một số gương mặt trẻ. Kịch bản GNCN là kết tinh sáng tạo của tập thể, bởi mỗi người đảm trách một phần việc: người làm thơ cho các Táo, người viết lời thoại, có người được phân công "phụ trách" riêng từng Táo… Lúc ra sàn tập, các tình huống được ráp nối, trên cơ sở đó mới "đo đếm" hiệu quả để nâng cao, bổ sung hay chỉnh sửa… sao cho chính những người thực hiện thấy tâm đắc nhất và… cười nhiều nhất.

Không ngừng "làm mới"

Ngoài Nam Tào, Bắc Đẩu và Ngọc Hoàng do các nghệ sĩ Xuân Bắc, Công Lý và Quốc Khánh đảm nhiệm suốt nhiều năm nay thì căn cứ vào tình hình mỗi năm mà "cơ cấu" Táo một khác. Mỗi năm xuất hiện thêm một vài Táo mới và dĩ nhiên, một số Táo cũ… biến mất. Chẳng hạn, năm 2007, có Táo Blog, Táo Cơ chế… Năm 2008, có Táo Báo chí… Năm 2009, có Táo Thoát nước, Táo Điện lực, Táo Dự báo... Năm 2010, có Táo Tiền vàng, Táo bà Cộng đồng, Táo bố "Dân", Táo con "Sinh"… Đặc biệt, lần đầu tiên, gia đình ba thế hệ nhà Táo gồm Táo bà, Táo bố và Táo con cùng nhau lên thiên đình chầu trời.

Năm nay là năm thứ 6 thực hiện GNCN, những cải tiến, đổi mới về sân khấu và các thủ pháp dàn dựng sân khấu cũng là yêu cầu đặt ra để chương trình ngày càng hấp dẫn hơn. Năm nay, Nam Tào, Bắc Đẩu và một số tiên nữ đu dây từ trên cao xuống sân khấu để thể hiện pép biến hóa thần thông của người nhà trời.

Để các Táo sống động, ngoài kịch bản, diễn viên chiếm vị trí vô cùng quan trọng. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải - người quyết định phân vai cho các Táo, đã cùng các đồng nghiệp "ướm" theo sở trường của từng diễn viên để có thể phát huy nhiều nhất thế mạnh của họ. Tinh thần làm việc hăng say, hết mình, đặc biệt là các diễn viên dành cho chương trình cũng góp phần không nhỏ làm nên thành công cho chương trình. Năm nay, Tự Long, Xuân Bắc, Công Lý… trổ tài tuồng, chèo, quan họ, ca trù… với những câu hát khá mùi mẫn.

Nhiều nơi "trông vào"

Đã nghe không ít lời xôn xao, trước lúc VTV thực hiện chương trình GNCN thường có những cuộc điện thoại đến lãnh đạo "nhà đài" yêu cầu hay đề nghị không đem chuyện này, việc kia ra mổ xẻ vào đêm 30 Tết. Lý do thì nhiều, dù có khi vấn đề đó bị báo chí nói nát nước rồi nhưng "khổ chủ" vẫn sợ đưa lên tivi. Điều này phần nào cho thấy, ngoài sự ảnh hưởng rộng lớn của sóng truyền hình thì sức mạnh của tiếng cười châm biếm có thể làm… lung lay những người "cứng cổ" và "chai mặt" nhất. Một trong những "cái được" của chương trình Táo quân là "chọc thẳng, xuyên thủng" hầu như tất cả các vấn đề ở mọi cấp, mọi nơi. Năm nay, các vấn đề được đem ra mổ xẻ là: cúm H5N1, mỡ thối, hạt dưa pha dầu nhớt, chuẩn và đạt chuẩn trong giáo dục, đưa ca trù và các môn nghệ thuật truyền thống vào nhà trường, bịt ngã tư, tiền vàng lên xuống thất thường, giá cả leo thang… Có cả chuyện một "ngôi sao" để mất một viên kim cương to đùng gây xôn xao, hay những hãng hàng không có tên tuổi: "Sorry Airlines" vì luôn làm sai và phải xin lỗi, "Delay Airlines" vì hoãn chuyến bay vô tội vạ, "Ngôi sao cô đơn" có một chiếc máy bay và bị… cấm bay…

Không quay bổ sung hay quay lại bất kỳ cảnh nào

GNCN là chương trình thu trực tiếp tại sân khấu kết hợp với các phóng sự thực hiện ngoài trời. Vì muốn bảo đảm không khí, những người thực hiện kiên quyết không quay bổ sung hay quay lại bất kỳ cảnh nào. Dĩ nhiên, các hình ảnh "đắt" nhất sẽ được chọn lọc từ hai đêm ghi hình. Nhưng có thể do tác động của khán giả xem trực tiếp nên diễn viên hưng phấn mà nói quá lên một vài từ ngữ hay sáng tạo thêm những câu thoại không phù hợp đều có thể bị cắt bỏ. Lỗi phổ biến là diễn viên bỏ qua cả 3-4 câu thoại để nhảy cóc đến câu tiếp theo, vì vậy, nếu thấy không hiệu quả là câu thoại này cũng bị xén bớt.

GNCN đã trở thành thương hiệu đối với khán giả truyền hình. Vì vậy, những người thực hiện luôn chuẩn bị kỹ càng và đầu tư "ra tấm ra món". Năm nay, có đến 5-6 nhãn hiệu của nhà tài trợ xuất hiện trên sân khấu ở nhiều kích cỡ, vị trí khác nhau và "nhà đài" chính thức phát hành đĩa VCD/DVD chương trình này nên hứa hẹn nguồn thu cũng không nhỏ.

                                                                                                                      Theo HNM








Các bài mới
Các bài đã đăng