Tạp chí Sông Hương -
Tranh cãi về ranh giới mong manh của nạn đạo văn
15:41 | 26/02/2010
Trong văn chương, sự vay mượn lẫn nhau giữa các tác phẩm không phải là điều gì mới. Ở mức độ cao hơn - hiện tượng đạo văn - cũng thường xảy ra. Nhưng đâu là ranh giới giữa vay mượn - như một thủ pháp nghệ thuật và hành vi vi phạm bản quyền.
Tranh cãi về ranh giới mong manh của nạn đạo văn

Bóng ma của nạn đạo văn lại tiếp tục lảng vảng trên văn đàn Đức. Helene Hegemann - cây bút 17 tuổi - mới đây thú nhận, cô vừa "mượn" cả một đoạn văn dài từ blog của một tác giả khác.

Axolotl Roadkill là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Hegemann. Tác phẩm nhanh chóng trở thành một best-seller còn tác giả của nó trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi, khi báo chí phát hiện ra truyện của cô có nhiều đoạn vay mượn từ blog của một người có nickname là Airen. Helene Hegemann thừa nhận sự sao chép này, nhưng theo tác giả trẻ, cô không là gì sai trái, đó chỉ là hành động kế thừa của một nhà văn, cũng giống như công việc của một DJ - "trộn mọi thứ vào với nhau". Cây bút trẻ phản ứng trước những lời chỉ trích cô rằng: "Tôi không hiểu tại sao mọi người lại làm ầm ĩ lên chỉ vì một chuyện như vậy".

Hegemann không phải tác giả đầu tiên có hành vi vay mượn. Tháng 12/2009, báo chí Đức lan đi thông tin rằng, đạo diễn người Hamburg Fatih Akin đã sử dụng nhiều đoạn trích trong cuốn tiểu thuyết Hotel Monopol của Alexander Wall để đưa vào bộ phim Soul Kitchen. Rồi tháng 1 vừa qua, nhà văn Uwe Tellkamp bị buộc tội ăn cắp văn của Jens Wonneberger để đưa vào cuốn tiểu thuyết ăn khách Der Turm của ông.

Thực tế, văn chương luôn bao gồm yếu tố vay mượn. Mọi nhà văn đều là một độc giả. Roland Koch, giáo sư dạy viết văn tại Đại học Siegen , chia sẻ với Deutsche Welle.

"Mọi thứ tôi đọc và lĩnh hội hàng ngày sẽ từng bước thẩm thấu vào con người tôi và thể hiện ra các trang viết ở một mức độ nào đó", Koch nói.

Ranh giới giữa đạo văn và bị ảnh hưởng thường cũng rất mong manh. Một nhà văn không phải lúc nào cũng biết rõ ý tưởng (vay mượn) của mình có nguồn gốc từ đâu. Mới đây, Koch đã viết một truyện ngắn, đề tặng nhà văn Frank Schulz, bởi tác phẩm này bị ảnh hưởng bởi tiểu thuyết The Ouzo Oracle của Schulz.

"Tôi đọc The Ouzo Oracle từ khá lâu rồi và rất thích tác phẩm này. Tôi không biết mình có vô tình 'vay mượn' điều gì từ cuốn sách hay không. Nhưng nếu có, nó cũng hoàn toàn khác với việc ngồi ăn cắp từng chữ một", Koch nói.

Lịch sử văn học đầy rẫy các trường hợp những nhà văn nổi tiếng "vay mượn" nhiều hay ít tác phẩm của đồng nghiệp. Chẳng hạn, nhà viết kịch, nhà văn Đức thế kỷ 19 Georg Buechner từng viết truyện ngắn Lenz dựa trên nhật ký của J.F. Oberlin. Còn Echolot của Walter Kempowski lại rất liên quan đến câu chuyện được các nhân chứng của cuộc Chiến tranh thế giới II kể lại…

Chưa bao giờ việc bảo vệ bản quyền lại khó khăn như trong thời đại Internet hiện nay, khi vi phạm bản quyền, đang ngày càng bị coi nhẹ, lại dễ dàng được thực hiện chỉ cần với một cú click chuột. Biện minh cho hành động của mình, Hegemann còn cho rằng, "nguyên bản" là thứ không tồn tại, chỉ có tài năng mới thực sự tồn tại. Hegemann còn kêu gọi mọi người hãy thôi "nói quá lên về bản quyền". Không ít nhà văn ủng hộ quan điểm này của Hegemann, coi đạo văn là một hình thức tiên phong của quá trình "copy-and-paste" và pha trộn văn chương là một hình thức nghệ thuật hiện đại, chấp nhận được.

Tuy nhiên, về mặt luật pháp, quyền được vay mượn không giới hạn khó có thể áp dụng với văn chương trong tương lai. Năm 2000, một tòa án ở Đức khẳng định, những trích dẫn tác phẩm của Berthold Brecht trong vở kịch Germania 3 của Heiner Mueller là một phương pháp nghệ thuật chấp nhận được. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ ai cũng có thể làm như thế.

"Ngay cả khi việc tham khảo chỉ mang ý nghĩa bổ sung thì nguồn tham khảo cũng cần được chú thích rõ", Josef Limper, một luật sư về tác quyền ở Cologne , cho biết.

Đó chính xác là điều Hegemann đã không làm, bất luận hành vi của cô là đạo văn hay chỉ là một phương pháp nghệ thuật. Vì vậy trong lời thú nhận của mình, cây bút 18 tuổi đã ngỏ lời xin lỗi đến tác giả bị cô sao chép.

Những tranh cãi về nạn đạo văn đã kéo dài hàng thế kỷ qua và chắc chắn câu chuyện của Hegemann không phải là trường hợp cuối cùng.

                                                                                                             Theo eVan


Các bài mới
Các bài đã đăng