Tạp chí Sông Hương -
1000 năm Thăng Long - Hà Nội
08:33 | 23/03/2010
Chiều 22-3, Sở VH-TT-DL Hà Nội đã tổ chức họp báo giới thiệu khu lưu giữ và thiết bị lưu giữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” với mong muốn để lại dấu ấn lâu dài cho thế hệ mai sau nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thế nhưng, cho tới tận thời điểm này, tức là chỉ còn 200 ngày nữa sẽ tới ngày đại lễ, việc lựa chọn 1.000 vật phẩm tiêu biểu để gửi tới thế hệ mai sau hiểu rõ về quá khứ ông cha mình 1.000 năm trước vẫn mới chỉ dừng lại ở ý tưởng.
1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Phối cảnh khu lưu giữ hiện vật gửi tới mai sau

Tiêu chí gì cho các hiện vật?

Trên dự án thì Hà Nội cùng phối hợp với 62 tỉnh, thành trên khắp cả nước để chọn ra 63 vật phẩm tiêu biểu có giá trị đặc trưng cho mỗi địa phương mình để đặt vào trong thiết bị lưu giữ. Đồng thời, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ban tổ chức sẽ phát động cuộc vận động quần chúng nhân dân cũng như kiều bào ta ở nước ngoài tham gia đóng góp ý kiến đề xuất các hiện vật để lưu giữ.

Sau khi thu thập các ý kiến đóng góp của quần chúng nhân dân, một hội đồng tuyển chọn các hiện vật được thành lập, nghiên cứu tất cả các ý kiến đề xuất để chọn ra 937 vật phẩm còn lại trong tổng số 1.000 vật phẩm sẽ được lựa chọn để lưu giữ.

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội cho biết, những vật phẩm được gửi đến từ các tỉnh, thành phố phải mang được nét đặc trưng riêng của tỉnh thành đó, gợi nhớ đến nét văn hóa, trình độ khoa học, công nghệ và con người vùng miền đó.

Các vật phẩm được lựa chọn phải thể hiện được tinh thần của cuộc sống, con người, phản ánh được sự phát triển của xã hội đương đại. Đó có thể là những nhãn mác của các mặt hàng nổi tiếng, báo chí viết về những sự kiện nóng hổi của đời sống, ảnh kỷ niệm hay những vật phẩm thể hiện sự phát triển của KH-CN ngày nay như đầu thu sóng truyền hình, điện thoại di động... đều có thể được lựa chọn.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ có khá nhiều vật phẩm không phải là của người Việt sản xuất như điện thoại, đầu kỹ thuật số... cũng có cơ hội được ở chung cùng những tinh hoa của người Việt? Hơn thế, có ý kiến từ ban tổ chức là có thể đưa các loại ấn, triện... được sử dụng thời phong kiến (tức là sản phẩm của khoảng thời gian 1.000 năm trước năm 2010) vào thiết bị lưu giữ gửi tới mai sau?

Công nghệ lưu giữ Hàn Quốc

Trong khi vẫn chưa xác định được tiêu chí nào cho các vật phẩm gửi tới tương lai thì một kế hoạch xây dựng khu lưu giữ vật phẩm có diện tích lên tới 1.000m² đã được đưa ra.

Tại buổi họp báo chiều 22-3, ông Vũ Phương, Giám đốc Quỹ Văn hóa Hà Nội cho biết, khu lưu giữ vật phẩm “Gửi tới mai sau” được xây dựng trong khuôn viên 1.000m² – nằm trong khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội và có hình dáng tựa bông sen, một loài hoa đặc trưng của dân tộc Việt Nam. Toàn bộ chất liệu xây dựng phần nổi là đá tự nhiên.

Phần đất nằm sâu trước khu đài sen sẽ là nơi cất giữ thiết bị lưu giữ vật phẩm gửi cho thế hệ mai sau. Trên mặt đài hoa sẽ là 999 lỗ nhụy hoa để hàng năm cứ đến ngày 10-10 sẽ tổ chức một hoạt động văn hóa tại nơi này và làm lễ đặt một viên đá khắc số của năm đó vào một lỗ nhụy hoa.

Hoạt động hàng năm này sẽ giúp cho các thế hệ tiếp theo luôn luôn ghi nhớ và nhắc nhở con cháu về thời khắc của Thăng Long - Hà Nội. Bao bọc xung quanh “đài hoa” là 62 cánh hoa đại diện cho 62 tỉnh, thành trong cả nước. Trên mỗi cánh hoa có thể sẽ là những tác phẩm điêu khắc trên đá những hình vẽ, thông tin hoặc biểu tượng đặc trưng của tỉnh, thành đó.

Ông Phương nhấn mạnh, riêng về thiết bị lưu giữ vật phẩm được chôn dưới lòng đất với yêu cầu có độ bền cao, được đặt xuống dưới lòng đất và được mở ra sau 1.000 năm. Do đó, phương án được đưa ra là thiết bị này sẽ được chế tạo bằng thép không gỉ, hình quả chuông có chiều cao 3,087m, đường kính 2m. Bên trong được thiết kế đựng 4 thùng thép không gỉ được chế tạo để có thể hút chân không nhằm bảo vệ lâu dài các vật phẩm.

Ông Vũ Phương cho biết, công nghệ lưu giữ vật phẩm này nhận được sự giúp đỡ của Hàn Quốc và có thể đảm bảo các vật phẩm sẽ được bảo quản ở điều kiện tốt nhất sau 1.000 năm.

Đề án về việc lựa chọn và xây dựng khu vật phẩm gửi tới mai sau đã được phê duyệt từ năm 2008, nghĩa là đã gần 2 năm trôi qua nhưng ban tổ chức vẫn đang rất lúng túng trong việc xây dựng tiêu chí lựa chọn vật phẩm gửi tới tương lai. Chưa một tỉnh thành nào trong cả nước gửi vật phẩm về ban tổ chức và thậm chí ngay cả Hà Nội, đơn vị đứng ra tổ chức dự án này vẫn chưa có một quyết định cụ thể nào về việc sẽ chọn một vật phẩm đặc trưng nào để đưa vào danh sách đề cử vật phẩm gửi tới tương lai.

Theo đúng kế hoạch thì ngày 9-10-2010, thiết bị lưu giữ vật phẩm gửi tới tương lai sẽ được hạ thổ. Có thể trong vòng 200 ngày, một công trình được xây dựng theo đúng thiết kế của bông sen cách điệu như ông Phương trình bày sẽ được hoàn thành, song ta sẽ lấy vật phẩm gì để đưa vào trong đó để làm thông điệp ý nghĩa gửi tới thế hệ tương lai 1.000 năm sau? 

Theo THU HÀ - SGGPO

Các bài mới
Các bài đã đăng