Tạp chí Sông Hương -
Nữ văn sĩ Virgina Woolf: Vinh quang cũng nhiều, bất hạnh cũng lắm
08:44 | 29/04/2010
Những năm cuối thế kỷ XX, Virgina Woolf đã trở thành một hiện tượng của văn học thế giới.
Nữ văn sĩ Virgina Woolf: Vinh quang cũng nhiều, bất hạnh cũng lắm
Nữ văn sĩ Virgina Woolf.

Từng có rất nhiều công trình nghiên cứu về tác phẩm cũng như cuộc sống riêng tư đầy sóng gió của bà. Bộ môn Văn học Anh ở tất cả các trường đại học danh tiếng trên thế giới đều dành một phần quan trọng để giới thiệu về tác phẩm của Virgina Woolf. Các trước tác của Virgina Woolf được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Hiện Virgina Woolf được đánh giá là một trong những tác giả vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đồng thời cũng là nhân vật trọng yếu của văn chương Anh ngữ với tư cách một người luôn bênh vực cho quyền lợi của phụ nữ.

Sinh ra trong một gia đình có cha là một nhà văn kiêm nhà phê bình văn học có tên tuổi tại Anh, Virgina Woolf đam mê viết tiểu thuyết và truyện ngắn từ khi còn là một thiếu nữ. Đối với Woolf, viết văn là để giải tỏa và trút bỏ những gì đã trở nên trĩu nặng trong trái tim mình.

Trong tất cả các sáng tác của mình, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến sách tiểu sử, Virgina Woolf hầu như đều sử dụng bút pháp "dòng ký ức" để chuyển tải nội dung. Nhiều nhà văn lớn cũng phải thừa nhận rằng, viết theo lối này không mấy dễ dàng. Đọc Virgina Woolf, độc giả như lạc vào thế giới của những kỷ niệm, mà trong đó, phần nhiều là những kỷ niệm buồn đau. Những nỗi buồn đau do chiến tranh gây ra, do bệnh tật đem đến, và cả những nỗi buồn đau do chính những người thân yêu nhất tạo nên bằng cách này hay cách khác...

Tên tuổi Virgina Woolf được xác lập bởi 8 cuốn tiểu thuyết, 14 tập tiểu luận, 6 tập truyện ngắn, 3 tập tiểu sử..., tất cả để đều được sáng tạo theo kỹ thuật dòng ký ức, trong đó "Đi đến ngọn hải đăng” được đánh giá là thành công nhất. "Đi tới ngọn hải đăng” là tác phẩm mang tính tự truyện, gắn bó mật thiết với những hồi ức về cha, mẹ, các anh chị em và ngôi nhà nghỉ hè ở thị trấn St. Lves.

Được đặt trong bối cảnh thời gian từ năm 1910 đến năm 1920, "Đi tới ngọn hải đăng" gián tiếp đề cập đến sự can thiệp mang tính hủy diệt của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Xuyên suốt câu chuyện, Virgina Woolf luôn sử dụng những hình ảnh biểu tượng lung linh đa tầng ý nghĩa như khung cửa sổ - vị trí trung tâm của ngôi nhà; vị trí trung tâm của người mẹ, người vợ trong gia đình; ngọn hải đăng- một hình ảnh tượng trưng cho cấu trúc bền vững của gia đình, một sự soi rọi một cái gì đó tràn đầy an ủi, một cái gì đó tuyệt diệu của tuổi ấu thơ... Cái xương sọ lợn lòi nhắc nhở đến cái chết luôn hiện diện đâu đây. Biển luôn thay đổi trạng thái, khi thanh bình với những lọn sóng vỗ bờ êm ả, lúc dữ dội, đầy bạo lực, đầy đe dọa chết chóc với những cơn bão tố... nhắc tới sự mong manh của kiếp người...

"Đi tới ngọn hải đăng" xuất bản lần đầu vào tháng 5/1927, khi Virgina Woolf 35 tuổi. Đây là cuốn tiểu thuyết thứ hai của nhà văn, sau cuốn "Bà Dalloway". Nhuận bút của cuốn sách giúp Virgina Woolf mua được một chiếc xe hơi sang trọng. Một năm sau khi xuất bản, "Đi tới ngọn hải đăng" được trao giải Heinemann Northcliffe và giải Femina Vie Heureuse. "Đi tới ngọn hải đăng" ba lần được dịch sang tiếng Pháp bởi ba dịch giả khác nhau; được tạp chí Time Magazine xếp trong số 100 cuốn tiểu thuyết tiếng Anh hay nhất, được Hãng Thông tấn BBC chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 1983, được chuyển thể thành kịch bản bởi kịch tác gia Adele Edling Shank, được công diễn lần đầu tại Nhà hát Roda ngày 23/3/2007. Nhạc sĩ Anh Patrich Wolf sáng tác ca khúc "To the Lighthouse" trong album Lycanthropy năm 2003... Thật hiếm có cuốn tiểu thuyết nào có số phận vinh quang như "Đi tới ngọn hải đăng" của Virgina Woolf.

Trong số 3 cuốn tiểu sử tự thuật của Virgina Woolf, cuốn "Orlando A Biography" được đánh giá là xuất sắc nhất, được coi là "bức thư tình dài và quyến rũ nhất trong văn học". Là một cuốn tiểu sử tự thuật nhưng được đánh giá như một tiểu thuyết, Orlando A Biography là tác phẩm được viết từ cảm hứng của nhà văn với nữ thi sĩ Vita Sackville West - người tình đồng giới tính với nhà văn.

Thực ra, trong làng văn thế giới đã có một số người khai thác chủ đề đồng tính, song tác giả thường không phải là người trong cuộc. Nhưng trong "Orlando A Biography", Virgina Woolf lại là một nửa của câu chuyện tình ngang trái kéo dài suốt hai chục năm trời giữa một nữ nhà văn tên tuổi với một nữ thi sĩ nổi tiếng, xinh đẹp. Hai người gặp nhau và yêu nhau khi cả hai đều đã có gia đình, chỉ có điều Virgina Woolf không có con, còn Vita Sackville West thì có tới hai thiên thần bé bỏng. Họ đều có hai người đàn ông yêu thương và tôn trọng tuyệt đối tự do cá nhân của vợ mình.

Virgina Woolf lấy chồng năm 38 tuổi. Chồng của Virgina Woolf tên là Leonard Woolf, cùng là nhà văn, đồng thời là một chính trị gia người Anh gốc Do Thái. Hai người đã có những tháng ngày hạnh phúc êm đềm. Dẫu sau này đã đem lòng yêu người cùng giới, Virgina Woolf vẫn phải thừa nhận Leonard là người đàn ông mang lại hạnh phúc đích thực cho mình. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại cho Leonard, Virgina Woolf đã viết những lời thống thiết: "Anh đã cho em niềm hạnh phúc lớn nhất có thể có. Theo bất kỳ cách thức nào, anh đã là tất cả những gì mà bất kỳ một người nào có thể làm. Em không nghĩ rằng có thể có hai người nào từng hạnh phúc hơn chúng ta"...

Hạnh phúc là vậy, Virgina Woolf vẫn không thể kìm lòng trước tấm tình của nữ thi sĩ Vita Sackville West, bởi cô trẻ, đẹp, tài năng, và điều quan trọng nhất là Vita Sackville West luôn tôn thờ Virgina Woolf, cả con người lẫn tác phẩm của bà. Trong cuộc tình ngang trái này, Vita là người chủ động và quyết liệt hơn.

Vita Sacville West là một nhà thơ tên tuổi thời đó, kém Virgina Woolf 10 tuổi và cũng có đời sống riêng tư vô cùng phức tạp. Ngoài Virgina Woolf, Vita Sacville West còn có vài mối tình với người cùng giới khác. Trước khi đến với Virgina Woolf, Vita Sacville West đã có chồng. Chồng của nữ thi sĩ là một nhà ngoại giao, một nhà báo, một nghị sĩ quốc hội. Cuộc hôn nhân của Vita Sacville West được nàng gọi là hôn nhân "mở", bởi chồng nàng cũng có tình yêu ngoài hôn nhân với người cùng giới.

Ông Leonard không phải không biết về mối tình đồng giới của vợ mình, nhưng đã lờ đi vì cho rằng nó không ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân và cả vì thương vợ mình đang bệnh nặng. Virgina Woolf và Vita Sacville West thường ở xa nhau, nên tình yêu của họ chủ yếu thể hiện qua thư từ. Trong bức thư gửi Virgina Woolf đề ngày 29/1/1927, Vita đã viết: "Người yêu dấu! Em ước gì sáng nay em có thể thức dậy đỡ mệt mỏi hơn, nhưng không được. Tối qua, em lên giường bẩn thỉu và bệ rạc như một cái chổi xể. Sao chị không ở đây với em. Ôi tại sao chứ? Em muốn bên chị khủng khiếp. Chị hãy gửi cho em những gì chị đang viết. Em mong chị sẽ nhận được thư em thật sớm. Hãy nói cho em biết nếu em viết thư cho chị nhiều quá nhé. Em yêu chị!".

"Orlando A Biography" là một cách để Virgina Woolf trút bỏ những gì đang đè nặng lên cuộc đời bà. Nhưng ngay khi đã gặt hái được thành công ngoài sự mong đợi ở một cuốn tiểu sử, Virgina Woolf vẫn chưa thấy lòng mình vợi nhẹ. Bà tự nhủ cần phải tiếp tục trút bỏ những gì còn đang chất chứa trong lòng. Vì thế, trong các cuốn tiểu sử khác, độc giả còn được bà cho biết một gánh nặng khác đã từng đeo đẳng cuộc đời vốn đã từng có rất nhiều bi kịch của bà. Đó là: Bà đã từng là nạn nhân của sự lạm dụng tình dục từ khi còn là một cô bé. Mà thủ phạm gây ra tội ác đó, oái ăm thay lại chính là hai người anh trai cùng cha khác mẹ của bà. "Tôi đã có thể cảm nhận rõ ràng bàn tay anh ta sờ sẫm lần vào cạp quần tôi, thô bạo và thèm khát, bàn tay ấn từng bước một dấn vào sâu hơn... Tôi đã gần như đông cứng khi anh ta chạm tới nơi riêng tư, nhạy cảm nhất"...

Vẫn chưa hết! Trong con người Virgina Woolf còn một gánh nặng không thể nào trút bỏ. Đó là bệnh tật - di chứng của những stretss về tâm lý từ cái chết của những người thân yêu nhất... Viết mãi, viết mãi mà vẫn không thấy lòng nhẹ nhõm, cuối cùng Virgina Woolf đã tìm đến cái chết để giải tỏa cho chính mình và cả những người thân yêu nhất.

Đêm 28/3/1941, Virgina Woolf nhét đầy đá vào túi áo khoác rồi đi bộ tới con sông Ouse và trẫm mình xuống đó. Hơn hai chục ngày sau, một phần thi thể của nữ nhà văn mới được phát hiện ra. Ông Leonard đã chôn phần thi thể còn lại của vợ dưới một gốc cây trong khu vườn nhà tại Rodmell, Susxex. Ông đã khóc rất nhiều khi đọc những dòng tuyệt mệnh Virgina Woolf gửi lại: "Điều em muốn nói là em mắc nợ anh về tất cả những hạnh phúc của đời mình. Anh đã hoàn toàn nhẫn nại với em và tốt đến không thể tin nổi. Em sẽ không tiếp tục phá hỏng cuộc đời anh nữa..."

                                                                                                                  Theo VNCA






Các bài mới
Các bài đã đăng