Tạp chí Sông Hương -
Olga Berggoltz tái sinh trong 'Nhật ký cấm'
15:24 | 17/05/2010
Trong "Nhật ký cấm" có cả những tài liệu từng mang dấu “cấm lưu hành” do bên an ninh cung cấp, những dấu ấn của một thời khốc liệt của nhân dân Liên Xô với làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ.
Olga Berggoltz tái sinh trong 'Nhật ký cấm'




Sống dậy

Mô tả ảnh.
Cuốn sách "Olga. Nhật ký cấm"
Năm nay, nước Nga chào đón ngày sinh lần thứ 100 của nữ sĩ Olga Berggoltz (16/5/1910 – 16/5/2010) bằng nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ. Mở đầu là ở lĩnh vực xuất bản. Bạn đọc yêu thơ Olga được nhận món quà quý giá từ nhà xuất bản Azbuka: một cuốn s ách dày với nhiều tư liệu ảnh, bài viết, nhật ký, những ghi chép thẳng và thật của nữ sĩ trong thời kỳ 1939-1949.

Bà Natalia Sokolovskaya, người biên soạn cuốn sách, chia sẻ với báo chí, rằng ấn phẩm này chứa nhiều tư liệu đầy đủ nhất từ trước đến nay về Olga Berggoltz, những thư từ tác phẩm chưa từng được công bố, được đưa ra đầy đủ, không bị cắt cúp kiểm duyệt. Ngoài ra còn có cả những tài liệu từng mang dấu “cấm lưu hành” do bên an ninh cung cấp, những dấu ấn của một thời khốc liệt của nhân dân Liên Xô với làn sóng khủng bố văn nghệ sĩ.

Theo thông tin của Rosbalt, 5000 ấn bản của cuốn sách đã ngay lập tức được bán sạch trong những tuần đầu tháng 5, và người ta đang cấp tốc nối bản.

Maria Berggoltz, em gái của Olga đã nhiều lần, trong nhiều tuyển tập, cho đăng tải từng phần những trang nhật ký, ghi chép, thư từ của Olga. Không phải đợi tới 100 năm ngày sinh Olga, chúng ta mới hiểu được những gì từng là bi kịch của cuộc đời nữ sĩ và thái độ của bà đối với những giả dối tầm thường đầy rẫy xung quanh.

Trong cuốn sách mới này, những gì từng bị “cấm” đã được phơi bày, và Olga Berggoltz hiện lên đầy đủ trọn vẹn không giấu diếm điều gì, dù cay đắng, như bà từng tuyên bố:

Nỗi buồn này tôi không giấu Người đâu
bí mật riêng tư cũng chẳng hề che đậy
Lồng ngực nóng ngay buổi đầu xé toang ra bỏng cháy
lời trần tình sám hối của Người đây!
(Trích “Nỗi buồn này tôi giấu nổi Người chăng?” – Thụy Anh dịch)

Mô tả ảnh.
Phù điêu Olga Berggolt ở Leningrad (Saint Peterburg)
Trên một số làn sóng truyền thanh, người ta xây dựng các chương trình về Olga, phát đi phát lại giọng đọc của Olga từng được truyền đi trong vòng phong tỏa. Những bài thơ, những bài nói chuyện đầy xúc động đã từng là điểm tựa để người dân Leningrad trụ vững trong mất mát đau thương của 900 ngày đêm xa xưa ấy. Có người từng trải qua thời kỳ khó khăn ấy đã thốt lên: “Tưởng như Olga Berggoltz sống dậy!”

Trong hai ngày 15 và 16-5, vở kịch "Olga, Nhật ký cấm” (kịch bản E. Chiornaia, đạo diễn Igor Konhiaev) ra mắt công chúng. Theo lời hứa hẹn của các nghệ sĩ thì đây sẽ là một vở kịch xây dựng hình ảnh Olga Berggoltz chân thực nhất từ trước đến nay, khiến bà hiện lên không chỉ như một “nàng thơ” của thành Len mà còn là một người phụ nữ Nga sống động, đầy ắp yêu thương, đau khổ.

Cũng với mục đích tưởng nhớ người con anh hùng của Leningrad, ngày 16-5, trên kênh truyền hình CTO sẽ chiếu bộ phim truyền hình “Vòng phong tỏa. Hiệu quả của sự hiện diện.”, đạo diễn Alla Chikicheva. Ngày 20-5, tại tòa nhà chính của thư viện quốc gia Nga sẽ diễn ra đêm thơ nhạc tưởng nhớ Olga Berggoltz mang tên “Em chẳng bao giờ nương nhẹ trái tim em…” (câu thơ của Olga) do Hội nhà văn Nga và Hội nhà văn Saint-Petersburg tổ chức.

Ngày 16-5, trên kênh Văn hóa của Nga sẽ chiếu một bộ phim tài liệu về Olga Berggoltz cũng lấy một câu thơ của Olga làm tên phim, một câu thơ rất khó dịch cho hết nghĩa sang tiếng Việt! Nôm na là, “Ta đã sống tưởng chừng như không thể…” – nhưng ngoài ra câu thơ còn hàm ý ngạc nhiên, rằng sao mà ta có thể sống một cuộc sống tưởng chừng như không thể đến thế!

Tưởng chừng như không thể

Mô tả ảnh.
Tượng đài Olga Berggoltz
Olga Berggoltz bắt đầu thi nghiệp từ rất sớm. 16 tuổi tham gia bút nhóm “Kế tục”, nơi cô gái trẻ sôi nổi, hào hứng với mộng văn chương đã được diện kiến nhiều nhà thơ nổi tiếng, trong đó có Maiakovsky, người sau này có ảnh hưởng lớn tới quan niệm sáng tác của Olga. Cô cũng được sinh hoạt với nhiều cây bút trẻ cùng lứa. Ở đó, cô gặp và yêu Boris Kornilov, người bạn thơ thân thiết, người chồng đầu tiên của mình.

Với những thuận lợi ban đầu trong sáng tác, được nhiều nhà thơ nhà văn tên tuổi biết đến và viết thư khuyến khích (Gorky, Chukhovsky, Marshak…), ra một tập thơ sớm, một tập truyện ngắn và bút ký viết về công cuộc xây dựng đất nước 5 năm lần thứ nhất của nhân dân Xô Viết, những tưởng cuộc đời và sự nghiệp của Olga Berggoltz sẽ vô cùng suôn sẻ. Thế nhưng, số phận đã rất khắc nghiệt với nữ sĩ xinh đẹp ấy, đã khiến Olga phải trải qua những điều “tưởng chừng như không thể”! Không thể có. Không thể tin. Không thể vượt qua!

Cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ. Tám năm sau, khi cuộc sống đang trào dâng sôi nổi đối với cô đoàn viên thanh niên cộng sản này, khi cô cùng người chồng thứ hai đang say mê lao động, sáng tạo và cống hiến, thì Boris Kornilov bị bắt, và Olga cũng bị liên lụy. Từ năm 1937 trở đi, bắt đầu một đoạn đời hoàn toàn khác của Olga Berggoltz. Hai đứa con gái nhỏ đã qua đời vì bạo bệnh, Olga có bầu đứa bé thứ ba thì bị bắt, bị giam giữ hơn nửa năm trời trong tù và mất đứa con còn là một bào thai.

Thế rồi chiến tranh. Rồi lại mất những người thân yêu nhất. Cuộc hôn nhân thứ ba mang lại cho bà nhiều an ủi, nhưng không bù đắp lại được những mất mát đã qua. Cho đến khi tình yêu cuối đời rời bỏ bà thì nữ sĩ hoàn toàn sống và viết cùng nỗi đau! Lạ thay, bên cạnh những vần thơ cay đắng và có phần nghiệt ngã viết cho mình, thì bà vẫn có những dòng thơ ấm áp cho đời, cho người, vẫn có những sáng tác văn xuôi đầy nhiệt huyết và đồng cảm với những miền đất, những con người bà đã đi qua. Nỗi buồn thời hậu chiến của nhân dân được Olga cảm nhận và chia sẻ trong những bi kịch riêng của mình:

…Tôi mải mê hít căng mùi hương sâu lắng
ngải đắng đây, đắng ngắt tình đời
Nỗi đau của loài người giản đơn vô hạn
đã trở thành niềm cay cực riêng tôi

Từ những cửa đập bê tông vẫn thoảng đưa về mùi hoa ngải
mùi hương yêu bất tử bay đến tận nhà tôi
Thử hỏi làm sao tôi có thể chẳng cất lời
trở về sau đắng cay nói lời yêu khác trước?

(Trích “Những lá thư viết trên đường” – 1952, 1960 – Thụy Anh dịch)

Chiến thắng mang gương mặt của Olga Berggoltz…

“Olga Berggoltz là một nhân vật của bi kịch, và bi kịch của bà không chỉ là bi kịch cá nhân, mà là bi kịch của cả một dân tộc, cả đất nước Nga”. - Nhà nghiên cứu văn hóa Boris Paramonov đã phát biểu như thế ở ngày ra mắt cuốn “Olga. Nhật ký cấm”. Ông cho rằng, điều bi kịch lớn nhất là, sau tất cả những gì xảy ra với Olga, thế giới đa thanh đa sắc đã hoàn toàn biến khỏi thơ của bà– cái thế giới từng được thể hiện rất tinh tế trong những vần thơ sớm của Olga ngày trước, rằng bà không thể viết gì khác hơn ngoài về những nỗi đau trong quá khứ của mình.

Mô tả ảnh.
"Mẹ tổ quốc": Nghĩa Trang Piskarriov, nơi có những dòng thơ của Olga Berggoltz được khắc trên tường đá trắng, có câu "Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng".

Về điều này, thiết nghĩ, ông đã có phần cực đoan. Và cả những người biên soạn cuốn sách, trong cách bình luận, chú thích, cũng không tránh khỏi những cực đoan đậm màu sắc chính trị. Chính những khổ đau bất hạnh, những mất mát về niềm tin, về tình yêu ấy đã mang lại cho thế giới, cho bạn đọc một Olga độc đáo, không lẫn vào ai.

Giả sử Olga cứ mãi mãi dừng lại ở thế giới trong trẻo đầy hoa lá, thế giới của tình yêu non nớt, hờn giận, của những nỗi niềm tinh tế vô tư lự như thời còn là cô gái mười tám đôi mươi, thì chỗ đứng của Olga Berggoltz trên thi đàn Nga-Xô Viết không đáng nhớ đến thế. Thêm nữa, Olga không “bế quan tỏa cảng” cảm xúc của mình, không chỉ sống với quá khứ và nỗi đau. Bà đã vượt qua được, vẫn mang nỗi đau riêng và cảm nhận riêng về thời cuộc, để viết về cuộc đời xung quanh, về tình yêu. Hơn thế, nhờ có nỗi đau cá nhân, bà có cảm nhận sâu sắc hơn về những nỗi đau và niềm hân hoan của nhiều người khác, của dân tộc.

Về điều này, còn nhớ, nhà thơ Evtushenko đã nói rất hay:
“Chiến thắng mang gương mặt khổ đau cùng cực
Của Olga Fiodorovna Berggoltz”

Chiến thắng của nhân dân Xô Viết mang gương mặt Olga Berggoltz, người con gái Nga xinh đẹp có cái nhìn u uẩn và đôi mắt sắc sảo nhưng trong sáng, tưởng nhìn thấu được tâm can ta. “Nỗi khổ đau cùng cực” đã qua rồi, dấu tích còn lại chỉ có nét u buồn đầy vẻ chịu đựng – chịu đựng mà không khuất phục, nếu chưa được nói thì “im lặng một cách trung thực” – để có thể “qua nỗi đau tôi sống, qua nỗi đau tôi viết” như Olga đã từng nói lúc cuối đời, khi nữ sĩ chỉ còn lại một mình với trang viết, sống trong cô đơn và bệnh tật.

Nhưng ngày hôm nay, 16-5-2010, hẳn nữ sĩ Nga- Xô Viết, hiện thân của vinh quang và đau khổ, đang mỉm cười nơi chín suối vì nước Nga và thế hệ bạn đọc mới không quên bà. Quả đúng là, với nhân dân, “không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng”.

Theo Thụy Anh - vietnamnet


Các bài mới
Các bài đã đăng