Tạp chí Sông Hương -
Người giữ "lửa" cho dân tộc Mông Bản phố ở Bắc Hà
09:40 | 21/05/2010
Đã lâu, tôi mới có dịp trở lại thăm ông Lý Seo Hồ - người được ca ngợi là múa khèn, sênh tiền, hát dân ca, thổi sáo, đàn môi hay nhất của dân tộc Mông Bản phố ở Bắc Hà, Lào Cai.
Người giữ





Trên con đường lên đến gần nhà ông Hồ ở thôn Bản phố 2a gặp nhiều đoàn khách du lịch nước ngoài đang tản bộ. Đến nhà ông Hồ gặp ông đang tiếp đoàn khách du lịch Trung Quốc, thấy tôi, ông hồ hởi mời vào nhà, cùng nhâm nhi chén rượu ngô và ngồi xem ông biểu diễn. Căn nhà nhỏ đơn sơ, mộc mạc vẫn vậy, trên nóc chiếc tủ đặt giữa tiền sảnh, ông Hồ vẫn để các loại nhạc cụ là cây sáo trúc, đôi khèn, cây gậy sênh tiền... Cạnh đó, trên vách nhà treo con dao, cái lưỡi liềm buộc sợi chỉ đỏ ở đuôi ngụ ý báo chỉ để biểu diễn.



Khách du lịch đến thăm dân tộc Mông Bản phố
Ngồi xuống bàn khách cầm chai rượu rót mười tôi và mọi người, vừa nhâm nhi rượu, ông Hồ say sưa giới thiệu điệu múa sênh tiền, múa khèn, võ tay không, cùng với dân ca Mông là những tinh hoa của văn hóa dân tộc Mông mà gần trọn đời ông Hồ đã miệt mài giữ gìn.

Bản Phố theo tiếng gọi của người Mông địa phương nghĩa là “phố trên núi”, toàn xã có 568 hộ gia đình người dân tộc Mông, cư trú ở 13 thôn, bản. Người dân bản địa vẫn giữ gìn được nghề truyền thống là nấu rượu ngô đặc sản, rèn đúc nông cụ và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc.

Năm nay nhìn bề ngoài ông Hồ vẫn khỏe mạnh, người săn chắc song sức bền thì không còn được như trước. Vì tuổi già, lại đang thời điểm vụ mùa trồng cấy vất vả nên ông Hồ chỉ biểu diễn ngắn gọn hơn 15 phút các điệu múa; vừa múa vừa thổi khèn, múa gậy sênh tiền, múa võ tay không cổ truyền. Sau đó ông cười xòa: “Năm nay bước sang tuổi 65 rồi, nên mỗi lần biểu diễn thế này thôi, nghỉ một lúc nữa khoảng 10 phút mới tiếp tục được! Các bạn thông cảm nhé!”. Vào thời điểm này năm ngoái, ông Hồ có thể biểu diễn hơn 20 phút mới thấm mệt.

Tuy vậy xem ông Hồ biểu diễn thật ấn tượng, điệu múa khèn, múa sênh tiền đầy uyển chuyển, điệu múa võ khi cương thì mạnh mẽ, dứt khoát, khi nhu thì thật thư thái, phong độ.

Ðàn môi của người Mông được chế tác bằng một miếng đồng. Người ta cắt ra thành lưỡi có hai đầu nhọn, còn ở giữa hơi phình to. Khi chơi chủ yếu dùng hơi, kết hợp với lưỡi, tay gảy sao cho theo nhịp của bài hát. Loại nhạc cụ này phần lớn dành cho các thiếu nữ Mông dùng để tỏ tình, tâm sự với bạn trai khi đi chơi, đi chợ, chơi hội...

Ông Hồ rất am hiểu các nhạc cụ của dân tộc mình. Ông cho biết loại nhạc cụ đặc trưng của người Mông là khèn Mông, được chế tác bằng ống tre. Có loại tre dành riêng để làm khèn, với đường kính, chiều dài các ống khác nhau, thân khèn được làm bằng gỗ, kích thước của thân khác nhau; hai đầu nhọn ở cuối thân phình to để đục lỗ vừa với thân. Có 6 ống tre, mỗi ống được đục một lỗ, âm hưởng phát ra từ các ống khác nhau, trên đó được gắn sáu lưỡi đồng để gẩy. Ông Hồ liền thổi cho chúng tôi nghe bài Người Mông ơn Ðảng nghe thật là hay.

Ông Hồ cho biết: "Loại nhạc này chủ yếu là nam giới sử dụng trong đám tang, thanh niên dùng trong những ngày hội hè. Không chỉ để thổi, khèn dùng để múa. Ðây là một điệu múa đặc sắc  nhất của người Mông. Hiện nay còn ít người biết múa được điệu múa này”. Ông Hồ là một trong số ít người có may mắn được truyền thụ. Ngồi xem ông múa khèn, những điệu múa vừa uyển chuyển, nhẹ nhàng như "rồng bay, phượng múa", vừa mạnh mẽ, vừa dứt khoát.     


Múa sênh tiền

Ông Hồ cầm cây gậy sênh tiền múa một bài; điệu múa tưng bừng dưới tiếng kêu xoèn xẹt vui tai của "lá đồng". Ðây là loại nhạc cụ được làm bằng một đoạn trúc hoặc tre, khoét hai đoạn đầu còn phần giữa để nguyên. Dùng các lá đồng hình tròn được đục lỗ ở giữa để xâu vào trong đoạn trúc, tre. Mỗi một xâu là ba lá đồng hình tròn, mỗi đầu xâu bốn chỗ (12 lá đồng). Hai đầu được buộc một túm chỉ đỏ để trang trí cho cây gậy đẹp hơn. Khi múa người chơi cầm ở giữa gậy, vừa múa vừa nhảy tiến lùi, các vị trí cây tiền thường hay chạm vào tay, chân, vai, bàn chân và cọ vào lòng bàn tay tạo ra tiếng kêu. Thường điệu múa có từ 6 đến 8 nam, nữ tham gia; nam múa khèn, nữ múa gậy tiền... Đây là điệu múa độc đáo của người Mông ở Bắc Hà hiện nay. Xã Bản Phố có một đội văn nghệ chuyên múa gậy sênh tiền để phục vụ trong những ngày hội hè.

Cuối cùng ông Hồ kể cho chúng tôi nghe về điệu võ cổ truyền dân tộc Mông. Triết lý cơ bản trong võ thuật cổ truyền của người Mông là lấy nhu thắng cương, dụng trí địch dũng. Đặc trưng võ thuật cổ truyền của người Mông là phóng khoáng, hạn chế niêm luật, nên các bài tập thường không giống nhau và có thể mỗi võ sư lại có quyền đạo khác nhau. Do địa hình sinh sống của người Mông thường là chật hẹp và phức tạp, nên các bài quyền có điểm chung là di chuyển linh hoạt, uyển chuyển. Thiên về phòng thủ hơn là tấn công, khi tấn công thường ở tầm thấp và tổng hợp nhiều lực (bằng cả hai chân, hai tay).


Ông Lý Seo Hồ biểu diễn võ cổ truyền của dân tộc Mông

Đây là lần đầu tiên, anh hướng dẫn viên du lịch Phạm Đình Thế, 28 tuổi, quê ở huyện Yên Bình, Yên Bái đưa đoàn khách người Trung quốc đến nhà ông hồ xem biểu diễn.  Đoàn khách đã dành cho màn trình diễn của ông không ít tiếng reo hò, vỗ tay tán thưởng. Khi đoàn khách du lịch ra về, chỉ còn lại hai bác cháu, tôi hỏi: “Thế khách du lịch có hay đến nhà xem Bác biểu diễn không?”.

Ông Hồ bảo, đã 6 - 7 năm nay khách hay đến, đặc biệt là trong 2 – 3 năm gần đây, mỗi tuần vào thứ 7, chủ nhật có từ 4 - 5 đoàn khách, trên dưới chục người, chủ yếu là khách “tây” như Anh, Pháp, Mỹ, Úc, Tây Ban Nha, Trung quốc, Hà Lan, Thụy Điển… phần lớn do các hướng dẫn viên của Khách sạn Sao Mai ở trung tâm huyện dẫn đến.

Tôi hỏi: “Thế bác có quy định lấy tiền công biểu diễn không?”

Ông Hồ cười nói: “Với mình được biểu diễn, được mọi người biết đến, khen ngợi, cổ vũ là vui rồi! Vì mình đã giới thiệu được tinh hoa văn hóa dân tộc Mông cho bè bạn khắp nơi,  mình không quy định lấy tiền công biểu diễn. Các đoàn khách đến, đều mời rượu ngô đặc sản… Có đoàn khách “thoáng” tự cho 200 ngàn, đều đều là 100 ngàn, chắc họ trả mình tiền rượu, vì qua mạng họ biết rượu ngô đặc sản Bản phố rất ngon và giá cũng khá cao. Mỗi đoàn đến mình cũng mời uống hết 2-3 lít. Thỉnh thoảng có đoàn không cho gì cũng không sao, chắc là tụi “tây ba lô”…"

Trông nhà ông Hồ còn nghèo lắm, một ngôi nhà nhỏ tường trình đất, lợp ngói không có vật dụng gì nhiều ngoài cái bàn uống nước và cái tủ cũ, vài cái giường một ọp ẹp cho 5 người trong gia đình. Trên gác nhà là hơn chục bao tải thóc, ngô để nấu rượu, còn lại không có gì. Có thể đứng ở cái bàn uống nước cầm một hòn đá nhỏ ném xuống gian bếp mà không chạm gì cho đến khi  hòn đá đập bộp vào tường trình đất.

Ông Lý Seo Hồ vẫn vậy sau bao năm nay. Con người văn võ song toàn ấy vẫn miệt mài giữ lửa cho dân tộc mình, sống thanh cao giữa núi rừng, không gợn chút toan tính đời thường.

Dân ca Mông là những bài hát do đồng bào tự sáng tác và được lưu truyền từ lâu đời. Các bài ca này có phần lời ca, âm nhạc và cả  nghệ thuật diễn xướng. Dân ca Mông có thể phân thành ba loại phổ biến nhất là dân ca gắn liền với phong tục, dân ca gắn liền với lao động sản xuất, dân ca trữ tình sinh hoạt (như dân ca giao duyên, dân ca than thân, dân ca nghi lễ phong tục gia đình). Ðó là loại dân ca gắn liền với cuộc sống, tình yêu nam nữ, tất cả những gì con người đều gửi gắm trong lời ca để nói lên lời tâm sự, tiếng hát ru em bé trên lưng mẹ... (Ông Lý Seo Hồ)

Theo Tráng Xuân Cường - TT&VH
(Đài truyền thanh- truyền hình huyện Bắc Hà, tỉnh Lào cai)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng