Tạp chí Sông Hương -
Thực hiện “nhiệm vụ lương tâm”!
15:28 | 28/05/2010
Hôm nay, 28/5, các hoạt động trong khuôn khổ Hội thảo về Văn học Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh sẽ bắt đầu được tiến hành và sẽ kéo dài đến hết ngày 3/6.
Thực hiện “nhiệm vụ lương tâm”!
Nhà thơ Nguyễn Duy
Tham gia hội thảo có các tác giả tên tuổi của Việt Nam và Mỹ như Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Kevin Bowen, Larry Heinemann, Fred Marchant, Martha Collins và những người quan tâm đến văn hóa, văn học và mối quan hệ Việt - Mỹ như: Bộ VH,TT&DL, Bộ Ngoại giao, ĐSQ Mỹ tại Hà Nội, Hội Nhà văn VN...

Thể hiện sức vóc của văn học Việt – Mỹ




“Chúng tôi mắc nợ Việt Nam và các nhà văn của họ rất nhiều. Sự rộng lượng của họ luôn làm tôi kinh ngạc. Sự dũng cảm, cởi mở, kiên nhẫn, tử tế luôn là nền tảng cho sự hợp tác của chúng tôi”.

(Kevin Bowen, Giám đốcTrung tâm William Joiner).
Thực ra “nhiệm vụ lương tâm” đã được các nhà văn Mỹ và Việt Nam “bắt tay cùng thực hiện” trong hơn 2 thập kỷ qua, trong đó, đáng nhớ nhất là hội thảo chung đầu tiên của các nhà văn cựu binh được tổ chức ở Hà Nội (1990) với sự tham gia của các nhà văn tên tuổi như Larry Heinemann, Bruce Weigl, Yussef Komunyakaa, W.D.Ehrhart, Phil Caputo, Larry Rottman và George Wilson, củng cố thêm mối quan hệ bền vững với những đối tác Việt Nam.


Tuy nhiên, trong tâm hồn các nhà văn, nhà thơ - cựu binh Mỹ, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn chưa buông tha họ. Bởi lẽ, họ đã từng, không ít thì nhiều, tham gia vào cuộc chiến tranh Việt Nam, nên họ mang trong lòng những mặc cảm tội lỗi về việc đã dấn thân vào một cuộc chiến phi nghĩa và giết hại nhiều người dân vô tội. Chính vì thế, như trong tham luận của mình, nhà thơ Nguyễn Duy viết: “... Họ muốn tìm cách để cứu chuộc lại lỗi lầm của họ. Những cựu binh Mỹ ấy rất chân thành và chủ động, họ tìm cách trở về Việt Nam để tìm cách xóa bỏ vết thương và hàng rào chiến tranh giữa hai dân tộc”.

Điều này thể hiện rõ qua mục đích của Hội thảo là phân tích và đánh giá sứ mệnh của văn học Việt Nam và vai trò to lớn của các nhà văn Mỹ thông qua Trung tâm William Joiner (WJC) trong việc truyền bá văn học Việt Nam đến Mỹ trong suốt mấy chục năm qua nhằm tăng cường sự hiểu biết của công chúng Mỹ với con người và đất nước Việt Nam và giúp phần hóa giải những hận thù giữa hai dân tộc tiến tới một tương lai tốt đẹp.

Với mục đích đó, các tham luận đối với các nhà văn, đặc biệt là phía các nhà văn Mỹ trong chuyến trở lại Việt Nam lần này tập trung chủ yếu vào những vấn đề cơ bản: Hoạt động của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, nhà nghiên cứu văn hoá và xã hội, các báo, tạp chí, nhà xuất bản của Mỹ trong việc giao lưu văn hoá, giới thiệu văn học và văn hoá VN đến với công chúng Mỹ trong 35 năm thông qua Trung tâm William Joiner; Hoạt động của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hoá và xã hội của VN trên đất Mỹ trong các chương trình trao đổi văn hoá, hội thảo, nghiên cứu và việc khám phá văn hoá Mỹ; Sự ảnh hưởng của văn hóa đặc biệt là văn học VN trong việc nhìn nhận đất nước, con người VN của công chúng Mỹ, đóng góp vào việc hoá giải hận thù và những bất đồng giữa hai dân tộc, tiến tới bình thường hóa quan hệ VN - Mỹ.

WJC - “ngôi nhà chung” của Văn học Việt – Mỹ
“Tư duy thù hận, theo tôi rồi sẽ trở thành tư duy không bình thường, nó đi ngược lại với sự nhân văn của con người. Tư duy bình thường phải là tư duy của sự hòa thuận, sự thân ái. Việc quan hệ giữa nhà văn – CCB Việt Nam và nhà văn – CCB Mỹ như thế là bình thường, phải như vậy mới là bình thường. Và cái gì chính trị không giải quyết được hoặc chưa giải quyết được, thì chúng ta hãy giải quyết bằng văn hóa”.

(Nhà thơ Nguyễn Duy)
WJC là tên viết tắt của William Joiner Centre (Trung tâm nghiên cứu hậu quả xã hội và chiến tranh – ĐH Massachusetts, Mỹ) là một trung tâm có vai trò không thể thay thế trong việc đưa văn học Việt Nam vào Hoa Kỳ trong gần ba mươi năm qua. Được thành lập vào năm 1982 bởi William Joiner, một cựu binh người Mỹ gốc Phi, người đã chết vì ung thư liên quan tới nhiệm vụ của ông là vận chuyển những thùng chất độc da cam trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam, WJC có mục tiêu nghiên cứu về những điều xảy ra trong chiến tranh và hậu quả của nó, trong đó có chiến tranh Việt Nam.

Sở dĩ nhắc đến WJC là vì ở Mỹ, việc giới thiệu văn học Việt Nam chưa được bao nhiêu. Lý do thì nhiều những chủ yếu là bởi nền văn học của VN còn có một vị trí khiêm tốn so với các nền văn học khác trên thế giới, trong đó có Mỹ, cũng bởi văn thơ Việt Nam có thể chưa thực sự nổi bật trên văn đàn thế giới, nên số các nhà văn, nhà thơ Việt Nam có các tác phẩm được dịch ra các thứ tiếng trên thế giới là không nhiều và cũng không thể hiện hết sức vóc của văn học Việt Nam.

Trung tâm William Joiner được ví như là “ngôi nhà chung của văn học Việt – Mỹ” cũng bởi từ ngay sau ngày ra đời, WJC đã dịch và giới thiệu cho người đọc tiếng Anh về Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Hồ Chí Minh... tiếp đó WJC đã đưa đến độc giả Mỹ nhiều bản dịch chất lượng cao, với sự cộng tác của nhiều nhà thơ nhà văn Việt Nam: Thơ từ tài liệu chiến trường (Nhiều tác giả), Người đàn bà gánh nước sông (Nguyễn Quang Thiều), Sông núi (thơ Việt Nam qua các cuộc chiến), Đường xa (Nguyễn Duy), Sáu nhà thơ Việt Nam, Cây thời gian (Hữu Thỉnh), Từ góc sân nhà em (Trần Đăng Khoa), Thời xa vắng (Lê Lựu), Thơ Thiền Lý - Trần... và nhiều đặc san về thơ văn Việt Nam.

Bên cạnh quảng bá các tác phẩm đương đại Việt Nam, rồi đây, phía Trung tâm William Joiner dự định sẽ quảng bá những tinh hoa của văn học Việt Nam, quảng bá văn hóa vật thể và phi vật thể của người Việt.

Tuy nhiên, điều đáng lo nhất là những người Mỹ đã từng tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam, hiện đang cống hiến cho Trung tâm William Joiner đều đã già. Nhà thơ Nguyễn Duy bày tỏ: “Điều tôi lo lắng nhất là trong thời gian tới, đội ngũ kế cận của họ sẽ không còn nhiều người thấu hiểu về cuộc chiến tranh Việt Nam, để mà thông cảm, thấu hiểu, quan tâm đến Việt Nam nhiều hơn. Nên trong hội thảo văn học Việt – Mỹ lần này, những “người cũ” như chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình, để làm được càng nhiều càng tốt, hi vọng có thể để lại được một nền móng vững chắc cho mối giao lưu hữu hảo giữa văn hóa Việt – Mỹ sau này”.
Ngoài thời gian hội thảo tại hội trường, các nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu văn hoá và xã hội có các hoạt động khác từ nay đến hết ngày 3/6 như: Giao lưu với sinh viên khoa văn đại học sư phạm Hà Nội (chiều nay 28/5 tại ĐH Sư phạm Hà Nội), cuộc gặp gỡ giữa các nhà văn Mỹ và các nhà văn VN đã đến Mỹ cùng với triển lãm hội họa và âm nhạc do Hội quán Trung Nguyên tổ chức tại 52, Hai Bà Trưng (29/5), Thăm chùa Thầy (30/5),Talkshow trên VTV4 (31/5), Đêm thơ giữa các nhà văn Mỹ - Việt tại V Resort – Kim Bôi, Hòa Bình (đêm 1/6), Khai mạc Hội thảo “Văn học Việt –Mỹ sau chiến tranh” và Lửa trại và múa sạp Tây bắc (2/6). Ngày 4/6 các nhà văn, nhà thơ Mĩ sẽ về nước.



Theo Phạm Nguyễn – TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng