Tạp chí Sông Hương -
Đạo đức báo chí của phóng viên ảnh: Niềm tin vào sự thật toàn vẹn
10:52 | 02/06/2010
Sự kiện Tập đoàn Ảnh báo chí thế giới World Press Photo loại bỏ giải 3 bộ ảnh thể thao của phóng viên ảnh tự do Stephan Rudik (Ukraina) sau khi công bố giải, vì vi phạm điều lệ cuộc thi "Không được thay đổi nội dung ảnh" là một minh chứng cho thấy tính trung thực - đạo đức trong ảnh báo chí vẫn luôn được đề cao.
Đạo đức báo chí của phóng viên ảnh: Niềm tin vào sự thật toàn vẹn
Bức ảnh gốc phóng tên lửa ở Iran

Những can thiệp thô bạo

Bức ảnh nằm trong bộ ảnh chụp trận đấu ở đường phố của Stephan Rudik chỉ xóa bỏ một chi tiết rất phụ trong ảnh, thực ra chi tiết này không hề ảnh hưởng tới nội dung thông tin của ảnh, mà chỉ làm bức ảnh sạch sẽ hơn tí chút. BTC đã phát hiện sau khi kiểm tra file gốc (RAW) của ảnh.

Điều đó làm tôi nhớ đến câu chuyện của phóng viên ảnh David Leeson (Mỹ) khi thực hiện bộ ảnh 20 bức đoạt giải Pulitzer, trong đó có bức hình hai người lính nhảy xuống tắm được tạo hình cực đẹp. David đã nói: Nếu lúc đó tôi chỉ bảo nhân vật nhảy xuống, thì chắc chắn tôi đã bị loại khỏi giải Pulitzer.

Một biên tập viên ảnh dày dạn kinh nghiệm của Hãng Thông tấn AP (Mỹ) đưa ra ví dụ về bức ảnh đoạt giải một cuộc thi môi trường danh giá thế giới của một nhà nhiếp ảnh người Trung Quốc với hình ảnh đoàn tàu hỏa chạy trên cầu ở phía trên ảnh, phía dưới là một đàn những con tuần lộc chạy ngược lại. Khi bức ảnh đoạt giải, chính người dân địa phương đã thắc mắc vì ở vùng đất đó không có những con tuần lộc. Và các nhà khoa học thì phản bác: Không bao giờ những con tuần lộc nghe tiếng tàu hỏa mà chạy “thanh bình” theo một hướng như vậy, nó sẽ chạy toán loạn. Cuối cùng, nhiếp ảnh gia Trung Quốc đó thừa nhận đã ghép ảnh trên máy và giải thưởng bị thu hồi.

Trước đó là câu chuyện về một nhiếp ảnh gia người Anh cũng đoạt giải thưởng lớn của BBC về động vật hoang dã sau bị thu hồi, khi con thú đó là động vật thuần dưỡng.

Đã có lần Tạp chí The Sun lá cải của Anh đăng lại một bức ảnh từ Newsweek nhưng dùng Photoshop xóa đi một nhân vật để bức ảnh có bố cục mạnh hơn. Trong những bức ảnh thời sự chính trị, đáng chú ý là hình ảnh .chụp 4 quả tên lửa bắn lên bầu trời của Iran (tháng 7.2008) thật ra là có 3 quả bắn lên, một quả vẫn nằm trên bệ phóng dưới mặt đất, nhưng biên tập viên ảnh đã “Photoshop” thêm một quả, xoá quả tên lửa nằm dưới đất, để tăng hiệu quả tuyên truyền chính trị. Bức ảnh đó đã xuất hiện trên trang nhất nhiều tờ báo lớn, nguồn từ website của Hãng Thông tấn Sepah News - cơ quan truyền thông của lực lượng Vệ binh Cách mạng .

Trở ngược thời gian, năm 2003, Brian Walski - phóng viên ảnh của tờ Los Angeles Times - đã bị sa thải và hủy toàn bộ kho tư liệu ảnh cá nhân của ông sau khi các biên tập viên ảnh phát hiện ông đã ghép chi tiết ở bức ảnh này sang bức ảnh kia trong hình ảnh về một binh sĩ Anh ở Babra ra dấu cho một thường dân Iraq tìm chỗ trú ẩn.

Bạn sẽ phải trả giá tất cả. Mất danh dự và mất toàn bộ sự nghiệp vì những sự can thiệp thô bạo đó. Đó luôn là lời khuyên của các biên tập viên ảnh dày dạn kinh nghiệm với các phóng viên ảnh trẻ mới vào nghề của các hãng thông tấn lớn.

Bức ảnh đã bị chỉnh sửa


Được phép can thiệp đến đâu?

Đã có thời kỳ và cho đến nay, nhiều phóng viên hiểu rằng không được dàn dựng trong ảnh báo chí. Nhưng thật ra với ảnh chân dung điều này là có thể, với việc tạo dáng nhân vật.

Đã có bức ảnh thắng giải báo chí của Tạp chí American Photo của Mỹ chụp chân dung một người lính Mỹ huân chương đầy ngực, nhưng chân bằng inox - hậu quả một trận chiến ở Iraq - nhìn thẳng vào người xem với đôi mắt mở to như câu hỏi về cái giá phi nghĩa của cuộc chiến. Đó là bức ảnh dàn dựng 100%, nhưng gây ấn tượng mạnh. Ngay trong một số series ảnh của tạp chí nổi tiếng National Geographic, Ban biên tập cũng có phần phụ lục với những cảnh “dàn dựng” hậu trường để có những bức ảnh trên.

Rồi chuyện biên tập ảnh tự ý can thiệp, thay đổi “caption” của ảnh, để phát triển câu chuyện theo quan điểm riêng là có thật.

Một số phóng viên lại cho rằng bản thân sự xuất hiện của nhà nhiếp ảnh đã làm thay đổi hiện trường, môi trường sống của nhân vật. Không ai có thể tự nhiên hoàn toàn trước ống kính “soi mói” của nhiếp ảnh gia. Và bản thân sự phát triển của công nghệ với những ống kính góc rộng đã “bóp méo” nhân vật rồi.

Ngay bản thân phóng viên ảnh Stephan Rudik bị BTC World Press Photo Foundation tước giải (phần đầu bài) cũng cho rằng: “Theo tôi, khi bắt đầu bố cục khung hình thì tính khách quan đã không còn, một bức ảnh trắng - đen có thật sự khách quan không? Đã có ai nhìn cuộc sống chỉ với hai màu đen - trắng”....

Nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch: Bạn không thể thêm bớt vào những bức ảnh thời sự mang tính sự kiện bằng phần mềm vi tính, mà chỉ có thể cắt cúp và tăng độ sáng tối ở một chừng mực nhất định.

Theo Việt Văn - LĐ




 

Các bài mới
Các bài đã đăng