Tạp chí Sông Hương -
Hôm nay 4-6, khai mạc Festival Biển và hải đảo Việt Nam năm 2010
10:11 | 04/06/2010
Hôm nay 4-6, Festival Biển và hải đảo Việt Nam năm 2010 sẽ được khai mạc tại xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình), với nhiều hoạt động như mít tinh về ngày Môi trường thế giới, hội chợ xúc tiến thương mại biển, hội thi vẽ tranh trên cát, thả chim bồ câu vì hòa bình, trồng cây…
Hôm nay 4-6, khai mạc Festival Biển và hải đảo Việt Nam năm 2010
Các em học sinh trong chuyến dã ngoại về nguồn tại Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: CTV
Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2010, hôm qua 3-6, tại TP Đồng Hới đã diễn ra hội thảo quốc tế về đa dạng sinh học. Đại diện hơn 20 quốc gia và các tổ chức bảo tồn hàng đầu thế giới đến dự. Báo cáo của các nhà khoa học cho thấy LHQ ý thức rõ thế giới đang bước vào giai đoạn tuyệt chủng thứ sáu của Trái đất với mức độ biến mất vô cùng lớn của các loài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và hạnh phúc của con người. Các nhà khoa học ước tính, cứ 20 phút có một loài biến mất vĩnh viễn. Riêng vấn nạn chặt phá rừng, mỗi năm làm thế giới mất 2.000 - 5.000 tỷ USD.

Tại hội thảo, các nhà khoa học Việt Nam và nhà quản lý các địa phương cam kết sẽ áp dụng mạnh mẽ Luật Đa dạng sinh học- được Quốc hội thông qua năm 2008. Nhiều nhà khoa học đề nghị bảo toàn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá ở nước ta. Nâng cao hiểu biết trong cộng đồng về giá trị của đa dạng sinh học với việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường. Củng cố việc quản lý các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Bảo tồn và sử dụng các vùng hoang dã một cách khôn ngoan...
Với hơn 3.000 loài sinh vật sinh sống, rặng núi Kẻ Bàng (Quảng Bình) mang lại giá trị đa dạng sinh học hiếm có cho nhân loại. Dưới rừng mưa (rừng nhiệt đới- PV) nơi đây, các loài thực vật chen chúc từng tầng rừng, tận dụng mỗi cm² để sinh tồn và tiến hóa.
 
Là trong những loài thực vật phát triển mạnh ở Kẻ Bàng, Táu đá (ảnh) sống xanh tươi trên các dãy đá vôi. Táu đá dùng bộ rễ tiết chất dịch làm mềm đá và ăn dần từng tảng đá một ở bề mặt hoặc đâm rễ vào từng hốc đá để bám vào đó tránh gãy đổ. Rễ của táu đá còn lấy dinh dưỡng từ hàng triệu tế bào của địa y, rêu tảo phủ từng lớp dày trên mặt đá vôi sau mỗi mùa mưa.

Theo Minh Phong - SGGP




Các bài mới
Các bài đã đăng