Tạp chí Sông Hương -
Sự thật về bệnh tâm thần của Schuman
10:54 | 10/06/2010
         Kỷ niệm 200 năm ngày sinh nhà soạn nhạc Robert Schumann Chào đời cách đây 200 năm (8/6/1810), Robert Schumann (Đức) là một trong những nhà soạn nhạc có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ Lãng mạn.
Sự thật về bệnh tâm thần của Schuman

Nhân dịp này, khắp thế giới tổ chức nhiều sự kiện âm nhạc nêu bật các bản nhạc lãng mạn của ông. Cho đến nay người ta vẫn coi Schumann là thiên tài chịu nhiều bi kịch, song các nhà âm nhạc học nhìn nhận ông không phải là người như vậy.

Khác thường và bất diệt

Nhà soạn nhạc Đức Robert Schumann (1810-1856) nổi tiếng khi thành lập nhiều hội kín và tạo nên nhiều nhân vật tưởng tượng khác nhau trong các nhạc phẩm của mình. Ông qua đời khi còn khá trẻ sau khi bị đưa vào bệnh viện tâm thần. Và người ta vẫn nghĩ về ông như là một thiên tài với cuộc đời đầy bi kịch, một người không hòa nhập được vào xã hội, một người có tâm lý bất thường và đồng thời là tác giả của những nhạc phẩm khác thường và bất diệt.

Tuy nhiên, với cách nhìn của thế kỷ 21 thì Schumann là một con người “bình thường” hơn. Nhà soạn nhạc này “thực ra chỉ làm những điều thông thường trong thời của mình. Ta phải nghĩ rằng trong thời của ông mọi người muốn được thấy nhiều điều trong thực tế hơn là những gì hiện diện theo quy luật tự nhiên”.

Nhà văn Novalis (1772-1801) đã giải thích những niềm khát khao của kỷ nguyên Lãng mạn với một câu ngắn gọn: “Thế giới phải được lãng mạn hóa. Với cách đó, ý nghĩa căn nguyên mới được tìm thấy lại”.

Giống như nhiều người khác trong thời của mình, Schumann đi theo con đường đó. Ông nhấn mạnh tới sự ràng buộc tự nhiên giữa cuộc sống và nghệ thuật và tin rằng âm nhạc của mình là một sự phản ánh mọi thứ mà ông đã trải nghiệm trong cuộc sống – mặc dù luôn ám chỉ đến những nhân vật hư cấu mà ông sáng tạo nên.

Người ta chẳng hề ngạc nhiên khi ngoài âm nhạc, Schumann còn đam mê văn học bởi ông được nuôi dưỡng trong môi trường đó. Cha ông là August Schumann, một chủ bút kiêm nhà xuất bản giàu có sở hữu một thư viện riêng, nơi sưu tầm nhiều tác phẩm văn học kinh điển khắp thế giới. Qua người cha, chàng trai trẻ Schumann được gặp gỡ nhiều nhà văn có ảnh hưởng nhất nước Đức và đọc nhiều tác phẩm của họ và tương truyền rằng sinh thời nhà soạn nhạc này đã đọc tới 700 cuốn sách.

Nước Đức đã phát hành loại tem đặc biệt cho Năm Schumann


Những hội kín và những người bạn hư cấu

Ở tuổi 15, Schumann đã thành lập câu lạc bộ văn học kín đầu tiên của mình. Năm 1833, khi sống ở Leipzig - nơi ông theo học Luật - Schumann đã thành lập Davidsbund, một hội kín khác gồm nhiều nghệ sĩ trẻ đấu tranh với xu hướng coi thường nghệ thuật và văn học.

“Hoàn toàn bình thường khi những người có học lập nên những hội kín với những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó không phải là những hội kín thực sự. Trạng thái bí ẩn chỉ là một phần thông thường của trò chơi đó”, nhà âm nhạc học Appel nói.

Như một sự phản ứng lại với một quan điểm khá lý trí do ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp, các nghệ sĩ trẻ tinh tế đã tụ hội lại để tìm cách phát triển một cuộc đối thoại mới về những vấn đề văn hóa để hiểu rõ hơn về thế giới đang thay đổi xung quanh họ.

Các hoạt động của Davidsbund chủ yếu diễn ra trong trí tưởng tượng của Schumann, mặc dù hầu hết các thành viên đều là những đối tác có thực ngoài đời. Florestan và Eusebius có lẽ là những nhân vật hư hấu nổi tiếng nhất của Schumann. Hai nhân vật này phản ánh hai khía cạnh trái ngược nhau của chính bản thân Schumann: Trong khi Florestan là người thiết thực thì Eusebius lại tượng trưng hóa cho khía cạnh đầy đam mê trong ông. Cả hai cái tên này thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm âm nhạc của Schumann. Chưa kể, Schumann còn thường sử dụng Florestan và Eusebius làm bút danh cho các bài báo trên Neue Zeitschrift für Musik, một tạp chí phê bình âm nhạc mà ông thành lập ở Leipzig năm 1834.

Chỉ là hậu quả của bệnh giang mai

Trong bài tiểu luận mang tiêu đề Why Florestan and Eusebius? (Tại sao là Florestan và Eusebius), nhà âm nhạc học Eric Sams cố gắng giải mã việc Schumann đã lấy tên các nhân vật hư cấu làm bút danh. Trước hết, Sams cho rằng Florestan và Eusebius có thể được coi như “một sự thú nhận về căn bệnh tâm thần phân liệt” - minh chứng rõ hơn cho hình ảnh “thiên tài nhưng mất trí” của nhà soạn nhạc. Nhưng theo nhà âm nhạc học Appel, Schumann được coi là một thiên tài âm nhạc nhưng ông không phải là một thiên tài chịu nhiều bi kịch. Các hồ sơ bệnh án của Schumann ghi rằng sự rối loạn cảm xúc lưỡng cực của ông chẳng qua chỉ là hậu quả của bệnh giang mai.

Theo Việt Lâm – TT&VH




Các bài mới
Các bài đã đăng